11/10/2005 08:01 GMT+7

Lãnh đạo chủ chốt một số địa phương… ngại tiếp dân

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT (Hà Nội) - Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng “chưa thật cơ bản, khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Đây là nhận định của ông Phan Diễn, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, tại hội nghị tổng kết việc thực hiện chỉ thị 09 của Ban Bí thư (về một số vấn đề cấp bách trong giải quyết khiếu nại, tố cáo) và pháp luật về khiếu nại, tố cáo, vừa khai mạc hôm 10-10 tại Hà Nội.

Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh cho biết số vụ khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm (từ 142.281 vụ năm 2001, đến 2004 còn 81.329 vụ).

Mặc dù vậy, “tính chất của khiếu nại, tố cáo cả trong lĩnh vực hành chính và trong lĩnh vực tư pháp vẫn rất gay gắt, phức tạp” - ông Quách Lê Thanh nhận xét. Nhưng “nóng” nhất hiện nay, theo ông Thanh, là những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai.

“Nếu không được đánh giá một cách sâu sắc, đúng thực chất và không quan tâm xử lý, giải quyết đúng đắn, kịp thời, để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không có lợi đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” - ông Quách Lê Thanh nói.

Mong muốn giải quyết rốt ráo những phức tạp trong khiếu kiện về đất đai vốn đang chiếm tới 75-80% tổng số khiếu kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực đề xuất ba phương án: một - lập cơ quan tài phán hành chính về đất đai; hai - mở thêm tòa đất đai trong hệ thống tòa án (bên cạnh tòa hình sự, tòa lao động, tòa kinh tế…); ba - nếu hai phương án trên không được, cần tăng cường năng lực, con người cho tòa án hành chính để giải quyết những khiếu kiện về đất đai.

Chỉ thị 09 của Ban Bí thư nêu rõ tập thể ban thường vụ và trước hết là lãnh đạo chủ chốt của địa phương phải đối thoại trực tiếp với dân, “nhưng qua kiểm tra ở 25 tỉnh chúng tôi thấy là khó” - ông Quách Lê Thanh cho biết.

Ông kể: “Hỏi các đồng chí bí thư, chủ tịch mỗi tháng các anh tiếp được bao nhiêu người dân, từ ngày có chỉ thị 09 tiếp được bao nhiêu lần, thì các anh không thống kê được, chúng tôi nghĩ chắc là các anh chưa làm nên khó mà thống kê...”.

Ngược lại, có nhiều nơi qui định hằng tháng các vị bí thư, chủ tịch, các phó chủ tịch trực tiếp tiếp dân 1-2 ngày và trực tiếp xuống dân để giải thích - như thế “chắc chắn sẽ đỡ khổ cho dân” - tổng Thanh tra Chính phủ nhận xét.

Đúng là có tình trạng “người có thẩm quyền giải quyết thì không giải quyết, có những vị lãnh đạo chủ chốt... ngại tiếp dân” - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lê Quang Bình đánh giá. Còn Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nói rõ “nếu lãnh đạo không thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với dân mà khoán trắng cho cán bộ tiếp dân thì rồi trước sau người dân cũng sẽ kéo qua trụ sở tỉnh ủy, UBND”.

Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính trung ương - ông Trương Vĩnh Trọng - nhân chuyện này kêu gọi các đại biểu dự hội nghị (trong đó có nhiều lãnh đạo địa phương) cùng thảo luận, làm rõ “vì sao, kẹt gì mà lãnh đạo một số địa phương ít tiếp dân, ngại tiếp dân?”.

Hôm nay 11-10, hội nghị tiếp tục làm việc.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên