Sơ duyệt diễu binh, diễu hành 60 năm chiến thắng Điện Biên PhủChiến thắng Điện Biên Phủ, biểu tượng của chiến tranh nhân dânTổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ cấp quốc gia
![]() |
Ông Nghiêm Hữu Phúc - người có nhiều gắn bó với hàng binh châu Phi ở làng Việt - Phi - Ảnh: T.Lụa |
Về Việt - Phi, điều ấn tượng là chiếc cổng làng với lối kiến trúc Ả Rập khác xa kiến trúc các cổng làng ở đồng bằng Bắc bộ. Dưới chiếc cổng ấy, các cụ già kể lại câu chuyện về tình yêu thương, tinh thần nhân đạo của người VN với các hàng binh châu Phi sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Những người “Việt Nam mới”
Tấm ảnh chiếc cổng làng được ông Nghiêm Hữu Phúc (78 tuổi, người làng Việt - Phi) phóng to, treo trang trọng ở phòng khách. Ông Phúc kể cho khách nghe về cuộc sống của các hàng binh châu Phi dưới chân núi Tản Viên.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng cục Chính trị thành lập Tập thể sản xuất Ba Vì để nuôi dưỡng hơn 300 hàng binh châu Phi chờ ngày về nước. Họ được nuôi dưỡng, được đào tạo nghề nghiệp, dạy văn hóa và đảm bảo cuộc sống.
Năm 1963, để củng cố tình đoàn kết giữa cán bộ công nhân viên người VN với các hàng binh, Tập thể sản xuất Ba Vì được đổi tên thành Nông trường Việt - Phi. Nông trường có diện tích trên 700ha, trải dài qua hai xã Tản Lĩnh và Vân Hòa (Ba Vì). Ông Nghiêm Hữu Phúc kể rằng không khí lao động ngày ấy rất sôi động. Đêm đêm, mía được chuyển lên xe rầm rập, đồi núi lấp lánh ánh đèn đuốc. Mọi người sống quây quần, đoàn kết, đồng cam cộng khổ bên nhau.
Nhắc về ngày ấy, ông Phúc bồi hồi nói: “Họ đều là người lao động tốt. Sinh sống hòa thuận, dân ta gọi họ là người VN mới. Nông trường nơi các hàng binh sinh sống được gọi là làng Âu Phi hay làng Việt - Phi”. Tên làng Việt - Phi ra đời từ đó.
Nông trường Việt - Phi ngày ấy hoạt động theo hình thức tự cung tự cấp, lấy thu bù chi. Nhiệm vụ chính của nông trường không phải được đánh giá bằng số lượng thịt, sữa, cây con sản xuất ra mà được đánh giá bằng sức khỏe và cuộc sống ổn định của các hàng binh. Là thủ quỹ của nông trường, giữ nhiệm vụ phát lương cho các hàng binh, ông Nguyễn Xuân Đông (83 tuổi, người làng Việt - Phi) nói: “Dù cuộc sống của dân ta lúc ấy còn hết sức khó khăn, khắp nơi dốc hết sức người, sức của cho cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng Nhà nước vẫn đảm bảo chế độ cần thiết cho các hàng binh. Họ được 21 cân gạo mỗi tháng, trong khi cán bộ nhân viên ta chỉ được 15 cân. Dù quân dân ta ở nhà tranh vách đất nhưng họ được ở nhà gạch, nền nhà bêtông. Tối thiểu mỗi hàng binh được lương 87 đồng/tháng, còn công nhân ta được 33 đồng, kỹ sư bậc 1 chỉ được 70 đồng”.
Để các hàng binh đỡ nhớ quê hương, cơ quan cấp trên và nông trường cho phép họ dựng một cổng chào mang dáng dấp Ả Rập trước khu nhà ở. Họ lấy vợ, sinh con, hình thành nên các gia đình hữu nghị. Từ những năm 1965-1970, các hàng binh lần lượt được Chính phủ VN cho hồi hương. Họ mang theo vợ con người VN về quê sinh sống.
Giữ lấy một thời đã qua
Nhắc về hàng binh xưa, ông Nguyễn Xuân Đông bồi hồi: “Họ là những người tốt, là những anh em tuyệt vời!”. Năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, các hàng binh được di chuyển lên Yên Bái để tránh bom đạn. Thỉnh thoảng ông Đông vẫn đón xe lên Yên Bái thăm họ. Lúc ra về, họ dúi vào túi ông vài ổ bánh mì mới nướng, dăm lạng đường. Với ông Đông, đó là món quà của tình yêu thương, sự gắn bó giữa những người khác màu da, khác dân tộc...
Năm 2009, Đại sứ quán Morocco tại Hà Nội tài trợ để tu bổ lại chiếc cổng làng. Bây giờ, các hàng binh thỉnh thoảng trở về thăm VN, thăm lại Ba Vì, họ chụp hình lưu niệm bên chiếc cổng làng do chính tay họ dựng nên. Họ tìm gặp ông Đông, ông Phúc và những cán bộ Nông trường Việt - Phi xưa. Có người ôm lấy ông Phúc mà nói cuộc sống ở Nông trường Việt - Phi là khoảng thời gian tốt đẹp trong cuộc đời của họ. “Họ lý giải với tôi rằng họ cảm nhận được tình yêu thương, sự ưu ái, lòng nhân đạo của Chính phủ và con người VN” - ông Phúc nói.
Làng Việt - Phi bây giờ trù phú dưới chân núi Tản Viên với nghề nuôi bò sữa. Khắp làng đều thấy một màu xanh ngát của cỏ. Năm 2004, cùng với một số thành viên của Nông trường Việt - Phi (nay là Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì), ông Phúc thành lập Hội Việt - Phi Ba Vì gồm 90 thành viên. Với tư cách là người chứng kiến chính sách hàng binh đặc biệt của VN để lưu truyền cho con cháu, ông Phúc kêu gọi bảo tồn chiếc cổng làng, ông cũng viết sách, báo về lịch sử của làng Việt - Phi.
Dẫn chúng tôi đi thăm làng, ông Nguyễn Văn Hải (trưởng làng Việt - Phi) tự hào khoe làng Việt - Phi có 187 hộ, cuộc sống của người dân sung túc, thanh bình. Trẻ con làng Việt - Phi đều biết sự tích chiếc cổng làng do những người “Tây da đen” dựng nên. Còn các già làng, ký ức về hàng binh và Nông trường Việt - Phi xưa vẫn còn chưa phai mờ trong tâm trí...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận