18/10/2017 14:37 GMT+7

Làng văn hóa nghìn tỉ: chưa quá chán nhưng không hấp dẫn

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN.

Làng được đầu tư mà không thu hút được khách tham quan thì rất lãng phí. Làm gì thì làm cho dứt điểm, có độ bền vững, chứ làm được cái nhà rông chỉ mấy năm đã sụp rồi. Làng không nên đầu tư manh mún như hiện nay mà cần sự tham gia của các chuyên gia tư vấn

Ông LƯU ĐỨC KẾ (giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist)

Thủ tướng ghi nhận Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và tập thể cán bộ, nhân viên Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc quản lý một nguồn lực lớn quốc gia và tổ chức các hoạt động đa dạng. 

Tuy nhiên, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN nếu tiếp tục hoạt động theo mô hình hiện tại sẽ khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội và vì vậy sẽ tiếp tục không hiệu quả.

Thủ tướng chỉ rõ: "Cần xây dựng một mô hình mới đủ hấp dẫn với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, giảm triệt để bao cấp nhà nước...".

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẩn trương hoàn thiện đề án chuyển đổi mô hình ban quản lý Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN, lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, báo cáo thường trực Chính phủ cuối quý 1-2018. 

Cho tới khi đề án mới được Thủ tướng phê duyệt, ban quản lý Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN tiếp tục được thực hiện các cơ chế, chính sách như trước.

Tháng 10-2014, Tuổi Trẻ có bài phản ánh "Hoang tàn làng văn hóa 3.200 tỉ đồng" nói về Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN dù được đầu tư nghìn tỉ, trải dài trên diện tích 1.544ha tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội nhưng chẳng khác gì một khu đất bị bỏ quên với nhiều công trình xuống cấp, xập xệ, tạo nên không khí ảm đạm, vắng vẻ.

Ông Lâm Văn Khang - trưởng ban quản lý Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN - phản đối việc báo chí đăng tải thông tin cho rằng Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN phải chuyển đổi mô hình vì hoạt động không hiệu quả mà là "mỗi mô hình chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định".

Ông Khang cung cấp thông tin: trong chín tháng đầu năm 2017, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN đã đón được 330.000 lượt khách. 

Nhưng hiện ông chưa cung cấp con số đầu tư vào Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu so với hiệu quả thu về. 

Trong khi đó, theo ông Lưu Đức Kế - giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, lượng khách đặt tour đến Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN không nhiều.

"Không phải Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN quá chán nhưng rõ ràng không có sự hấp dẫn. 

Chúng tôi cũng say mê và còn dẫn đầu nhóm làm sản phẩm du lịch mới cho thủ đô nhưng không bán được tour đến tham quan Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN. 

Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN có đưa bà con các dân tộc ở Tây Nguyên, Nam Bộ... đến biểu diễn nhưng vẫn manh mún. 

Bởi nhiều khách hiện nay thích tìm đến tận nơi từng bản làng các dân tộc để sống cùng cuộc sống của bà con chứ không thích xem kiểu biểu diễn, trình diễn ở Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN như vậy. 

Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN có được không gian nhưng lại không có các hoạt động chiều sâu, nên nhìn không ra một khu du lịch đẳng cấp. Khách nội địa có thể còn thích chứ khách quốc tế thì chưa tìm được cái hay và cuốn hút ở đây".

Ông Lưu Đức Kế phân tích thêm: "Hoạt động văn hóa ở Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN chưa đặc sắc, lại thiếu phương tiện đi lại từ Hà Nội nên du khách sẽ đến Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN thay vì đến đây. 

Bởi các hiện vật, hoạt động, mô hình ở bảo tàng này đã thay thế được tương đối nhiều các hoạt động ở Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN".

 Ông Kế đề xuất: "Nên có các tuyến buýt hoặc xe chạy nhiều lượt trong ngày từ Hà Nội đến Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN và nơi này cần có thêm thuyết minh viên chuyên nghiệp. Nếu có thể kết nối được với tuyến du lịch Ba Vì, đó cũng là một giải pháp hay".

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên