07/06/2005 17:38 GMT+7

Lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng hơn tham nhũng

H.N
H.N

TTO - Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được trình QH khóa XI tại kỳ họp thứ 7 và đưa ra thảo luận tiếp trong ngày hôm nay (7-6). Phạm vi điều chỉnh của dự luật được mở rộng so với Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: bổ sung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước...

lcZhKDNB.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Lê Minh Hồng phát biểu ý kiến
TTO - Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được trình QH khóa XI tại kỳ họp thứ 7 và đưa ra thảo luận tiếp trong ngày hôm nay (7-6). Phạm vi điều chỉnh của dự luật được mở rộng so với Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: bổ sung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước...

Chống lãng phí thời gian

Theo đại biểu Hồ Thị Tuyết Vân (Đại biểu tỉnh Quảng Nam), tên gọi của dự luật chưa đầy đủ, vì theo ý kiến của nhiều cử tri, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là thất thoát và lãng phí trong các dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư cơ bản, do vậy nên gọi luật là “luật chống thất thoát, lãng phí và thực hành tiết kiệm”.

Đại biểu Vân cũng đề nghị bổ sung chống lãng phí thời gian vào phạm vi điều chỉnh của luật (điều 1) vì lãng phí thời gian cũng gây ra rất nhiều thiệt hại. Đại biểu lấy ví dụ về dự án lọc dầu Dung Quất triển khai kéo dài đã gây lãng phí rất nhiều tiền của và công sức của nhà nước nhân dân, đoạn đường Quốc lộ 1A đi qua Quảng Nam kéo dài nhiều năm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường sống của người dân nơi này, nhiều dự án ở các vùng miền núi không thi công vào mùa khô mà lại toàn thi công vào mùa mưa, mưa xuống, dự án không thực hiện được phải bỏ dở dang…

Theo đại biểu Lê Doãn Hợp (tỉnh Nghệ An), vấn đề tiết kiệm thời gian phải được đặt ra với các cơ quan hành chính nhà nước.Việc chậm trễ giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, công dân đã dẫn đến bốn mất: mất cơ hội đầu tư, mất thời gian chờ đợi, mất chi phí và mất niềm tin. Đại biểu nói, cơ chế bốn C “chậm, chờ, chán, chạy” khiến cho các cấp cơ sở phải chọn cho mình một trong ba phương án hoặc là kiên nhẫn chờ để rồi công việc chìm vào quên lãng, hoặc mạnh dạn giải quyết công việc thì sẽ vi phạm quy chế, mất lòng cấp trên, hoặc là phải chạy chọt để công việc được giải quyết sớm, nhưng sau đó lại khó quyết toán. Càng lên cao, càng xa dân thì sự chậm trễ lại càng chậm trễ hơn là thói quen của các cấp hành chính.

Nhiều đại biểu nhất trí phải tránh “Hội chứng hội họp” trong các cơ quan, doanh nghiệp. Chống lãng phí thời gian trong các hoạt động mang tính hình thức tốn kém như đón huân chương, huy chương, đón đại biểu đến thăm, khai trương khánh thành trụ sở mới… phải có mức trần cho các chi phí hội họp, tiếp khách… Theo đại biểu Phạm Thế Duyệt (tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum), thiệt hại do lãng phí còn lớn hơn thiệt hại do tham nhũng rất nhiều nhưng thiệt hại do lãng phí lại ít được quan tâm hơn. Đại biểu Bùi Trung Chính (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Quốc hội rà soát lại hoạt động tiếp khách của các cơ quan hành chính vì việc tiếp khách của những cơ quan này rất lãng phí.

Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng): Tại tỉnh tôi, có một cơ quan chỉ có 29 người, nhưng xây dựng 1 tòa nhà thật lớn với 26 phòng và có những lúc, số người ở cơ quan nếu mỗi người một phòng vẫn không lấp đầy số phòng trong cơ quan. Có phòng làm việc rộng 40m2 nhưng đốt tới 48 chiếc bóng đèn loại 1,2m, gắn vài chiếc máy lạnh, rèm cửa sổ được kéo kín mít trong khi không khí xung quanh căn phòng rất thông thoáng và sáng sủa.

Đại biểu Bùi Trung Chính (Lâm Đồng): Có một lãng phí trước mắt là Nhà hát chèo Kim Mã (Hà Nội) đã được trùm bạt 10 năm nay, tôi xin góp sáng kiến nhỏ với Quốc hội là ngay sáng mai, đồng chí Bộ trưởng Bộ văn hóa đề nghị với Chính phủ cho bán đấu giá nhà này, ít nhất cũng được 30 tỷ đồng để sung vào công quỹ.

Các đại biểu cũng đề nghị xem xét lại điều 17, quy định về việc quản lý các khoản hoa hồng từ mua sắm, sử dụng dịch vụ. Theo một số đại biểu, nên bỏ quy định này khỏi luật vì hiện nay chưa có luật nào quy định tỉ lệ hoa hồng là bao nhiêu... Mặt khác, để có thể chi hoa hồng thì chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ lại sẽ bị đưa lên cao, như thế cũng là lãng phí.

Một số đại biểu cho rằng quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng của nhân dân ngoài khu vực nhà nước tại chương 3 là không cần thiết, không cần đưa vào luật. Đại biểu cho rằng, người dân tiết kiệm từng cái khuy áo, từng bó rau, chỉ có các cán bộ nhà nước mới lãng phí cho nên quy định này là không cần thiết. Đại biểu Đoàn Minh Vượng (Tiền Giang) đề nghị bỏ toàn bộ Chương 8.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng có thể giữ nhưng cần có quy định thêm về trách nhiệm và sự gương mẫu của công chức nhà nước và cần có sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính trong việc chống lãng phí. Đại biểu Bùi Trung Chính (Lâm Đồng) nhấn mạnh, nếu cán bộ gương mẫu thì người dân sẽ nghe theo, nhà nước khuyến khích nhân dân tiết kiệm trong mua nhà và sắm trang thiết bị nhưng nhà cán bộ to gấp rưỡi nhà dân, thiết bị trong nhà cán bộ là đồ ngoại sáng choang, nhưng bảo dân phải dùng đồ nội thì dân nào nghe?

Các đại biểu thắc mắc về quy định tại điều 7 về quyền giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí của đại biểu hội đồng nhân dân, nhưng không quy định vai trò của Đại biểu quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động này. Đại biểu cũng đề nghị nên đưa ra quy định về giám sát lẫn nhau để thực hiện tốt quy định này.

Trong phiên thảo luận hôm nay, có 38 đại biểu phát biểu ý kiến. Theo nhận xét của nhiều đại biểu, dự luật chưa nêu ra đủ các hình thức và mức độ xử lý đến nơi đến chốn những trường hợp vi phạm, lãng phí. Nhìn chung các điều luật còn quy định đều thiếu cụ thể, biện pháp chế tài còn chung chung, hiệu quả thấp. Cụ thể là mức độ chế tài và biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Dưới mỗi điều luật đều có quy định về khen thưởng, chế tài khiến luật trùng lắp và dài dòng. Dự án luật sẽ được đưa ra lấy ý kiến toàn dân và giải trình Quốc hội trước khi thông qua do tầm quan trọng và mức độ quan tâm của xã hội đến Luật.

H.N
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên