24/01/2021 13:26 GMT+7

Lắng nghe 'tiếng lòng' con trẻ

SAO KHUÊ
SAO KHUÊ

TTO - Cuộc sống bận rộn khiến nhiều cha mẹ thời nay không chỉ ít dành thời gian cho con cái mà còn không đủ kiên nhẫn lắng nghe con bằng cả trái tim, vì lắm khi có vẻ như đang nghe con nói nhưng thực ra đầu óc họ cứ tận đẩu đâu.

Lắng nghe tiếng lòng con trẻ - Ảnh 1.

Phụ huynh cũng cần dành thời gian chuyện trò với con trẻ - Ảnh minh họa: MỸ YÉN

Quá nhiều "rào cản"

Buổi tối, người cha đang xem tivi, cậu con trai đến gần thỏ thẻ: "Con muốn đi dự tiệc sinh nhật bạn Hoa!". Mắt vẫn dán chặt vô màn ảnh nhỏ nhưng miệng ông bố dập ngay: "Hoa với hoét cái gì, học đi!". 

Cậu trai bèn lý sự: "Con thấy thật ra cũng không cần học nhiều, lắm người ít học hành vẫn thành đạt đó bố". Nghe đến đấy, người cha điên tiết lên, mắng cho một trận: "Thế mà cũng nói được à? Không học có mà...".

Đoạn đối thoại trên được TS Trần Văn Hùng, cũng là thầy giáo của Lớp học xanh Sơn Nam (tỉnh Hưng Yên), chia sẻ trong một dịp giao lưu với một số cha mẹ TP.HCM. Ông nói: "Cậu bé trong câu chuyện trên đã rất ấm ức. Nhiều cha mẹ cứ quen lấy uy quyền của người lớn áp đặt lên con trong mọi chuyện mà chẳng thèm lắng nghe ý kiến của con".

Ông nói thêm: Nhiều khi con có mối bận tâm "to đùng" nhưng cha mẹ lại cho rằng chúng quá "cỏn con", hoặc họ nghĩ rằng mình nuôi con từ bé nên "đi guốc trong bụng con" rồi chứ lắng nghe con chi nữa. Chưa hết, cha mẹ nào có sẵn định kiến về con (chẳng hạn định kiến rằng "con luôn nói dối") lại càng ít chịu lắng nghe con...

Thạc sĩ Trần Minh Trọng - chuyên viên Câu lạc bộ Dạy con nên người - cũng cho rằng một số người lớn không có đủ sự khiêm nhường, rộng lượng và bao dung nên "nghe kém" khi giao tiếp với con trẻ - người vốn "thấp" hơn họ, "dở" hơn họ, thiếu kinh nghiệm sống hơn họ và phụ thuộc họ nhiều mặt. 

Ông Trọng nói thêm: "Chính cái tôi cá nhân quá lớn đó khiến cho cha mẹ không sẵn lòng đón nhận những suy nghĩ, ý kiến khác biệt của con".

Lắng lòng nghe con nói

Theo thạc sĩ Hà Trung Thành (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM), lắng nghe giúp cha mẹ nắm bắt toàn bộ mối bận tâm và cả tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu của trẻ. Về phía con cũng cảm thấy được chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu và có chỗ dựa tinh thần. Chính sự tương tác hai chiều đó tạo nên sợi dây liên kết tình cảm, từ đó tạo thuận lợi trong quá trình cha mẹ tác động để rèn nhân cách cho con.

Và như thạc sĩ Trần Minh Trọng nhấn mạnh, bất cứ đứa trẻ nào cũng mong muốn được cha mẹ thấu hiểu. "Người lớn cần đặt mình vào vị trí con trẻ để dễ dàng đồng hành cùng tâm trạng, cảm xúc của con - ông Trọng chia sẻ - Tiếp theo là giữ tâm tĩnh lặng để không phán xét khi con chia sẻ mối bận tâm". 

Ông Trọng cũng cho rằng cha mẹ cần chấp nhận con "như con là", tức không gán con bằng những định kiến, đồng thời không suy diễn câu chuyện của con theo ý mình, cũng như sẵn sàng đón nhận những quan điểm, ý kiến của riêng con.

"Trong nhiều trường hợp, chỉ cần được cha mẹ lắng nghe câu chuyện và đồng hành cùng cảm xúc thôi là con trẻ đã đủ tự tin tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình mà không cần cha mẹ can thiệp" - tiến sĩ Trần Văn Hùng nói.

Thạc sĩ Hà Trung Thành (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng cha mẹ nên chủ động bớt lời bởi nói nhiều thì sẽ nghe ít. Tiếp theo là cần tập trung chú ý khi nghe, tránh suy nghĩ chuyện khác hoặc có những hành động làm phân tâm như nhắn tin, gọi điện thoại, nhìn chỗ khác...

Ngoài ra, việc xác nhận nội dung (ví dụ: "Con vừa nói...") hoặc đặt câu hỏi để làm rõ ý (ví dụ: "Có phải con vừa nói... không?") cũng sẽ kích thích con mạnh dạn chia sẻ nhiều hơn.

Hãy lắng nghe tiếng nói con trẻ Hãy lắng nghe tiếng nói con trẻ

TTO - Là giáo viên dạy môn giáo dục công dân (GDCD) hơn 10 năm, trước bối cảnh của xã hội với những điều tốt xấu đan xen vào nhau, mỗi bài giảng, mỗi đề thi, tôi đều gửi gắm niềm tin vào tương lai của học trò mình.

SAO KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên