Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Lệ Nga, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết:
Bà Trần Thị Lệ Nga (phải) tại buổi giao lưu trực tuyến ở báo Tuổi Trẻ ngày 28-10 - Ảnh: T.Long |
- Thông tư 119 có hiệu lực trong tháng 9-2014 nhằm giải quyết những vướng mắc khó khăn về chính sách, thủ tục hồ sơ khai thuế để làm giảm thời gian kê khai, thủ tục thuế của người nộp thuế (NNT).
Đến nay, sau hơn hai tháng triển khai thực hiện, về mặt hồ sơ khai thuế GTGT rõ ràng đã có đơn giản so với trước đây. Một số nội dung trong các phụ lục được cắt giảm bớt, một số mẫu biểu đã được bãi bỏ, do đó thời gian DN chuẩn bị cho việc thực hiện hồ sơ khai thuế GTGT đã được rút ngắn lại.
Tuy nhiên, trong thời điểm ban đầu vẫn có phát sinh nhiều mà không được đề cập trong thông tư nên các DN lúng túng, chưa biết áp dụng được hay không. Cơ quan thuế sẽ xem xét từng vướng mắc, tùy trường hợp mà giải quyết thỏa đáng, hợp lý để DN đảm bảo việc kinh doanh của mình, đồng thời thuận lợi cho việc kê khai thuế. Nếu vướng mắc nằm ngoài chính sách Cục Thuế sẽ phải xin ý kiến của tổng cục.
* Bộ Tài chính vừa thông qua quy định về chấm điểm thực thi công vụ của cán bộ thuế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho NNT? Nếu người nhận hồ sơ thường yêu cầu nhiều loại giấy tờ hơn theo quy định của thông tư thì NNT phải làm gì?
- Tại TP.HCM, hằng quý chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để có phát động thi đua. Cuối năm tại cơ quan thuế đều có đánh giá xếp loại công chức để khen thưởng kịp thời.
Trong đó có quy định về thái độ tiếp xúc của cán bộ công chức thuế với NNT, như yêu cầu tiếp xúc NNT phải hướng dẫn tận tình, không nhũng nhiễu gây phiền hà, không đặt ra các thủ tục hồ sơ nằm ngoài quy định.
* Thực tế vẫn còn những phản ảnh không hài lòng về thái độ của NNT?
- Đúng là vẫn có những phản ảnh về thái độ của công chức, cán bộ thuế. Vì vậy trong tuần lễ lắng nghe NNT, chúng tôi lắng nghe không chỉ giải quyết những vướng mắc về mặt chính sách, những phản ảnh liên quan đến thủ tục hành chính mà còn ghi nhận ý kiến về hành xử của bộ phận tiếp NNT chưa vui vẻ hay còn đặt ra những hồ sơ, thủ tục không có trong quy định.
Sau đó, chúng tôi sẽ tập hợp lại tất cả nội dung phản ảnh của NNT về thái độ thực thi công vụ của cơ quan thuế, cán bộ thuế. Phòng tổ chức cán bộ, phòng kiểm tra nội bộ của Cục Thuế sẽ rà soát kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Tùy mức độ vi phạm sẽ kiên quyết xử lý, kỷ luật.
* DN cho rằng một khi thủ tục thuế thông thoáng, bên cạnh DN được hưởng thụ các ưu đãi thì họ cũng sẽ gặp rủi ro nhiều hơn do công tác hậu kiểm sẽ chặt hơn?
- Một khi chính sách thuế thông thoáng hơn thì không chỉ thuận lợi cho NNT mà cả cán bộ thuế. Ví dụ một hồ sơ nộp thuế GTGT có một tờ khai chín phụ lục, bây giờ bỏ bớt 4-5 phụ lục thì công tác kiểm tra, đối chiếu đơn giản hơn. DN cũng không phải tốn thời gian làm.
Hoặc thuế TNCN, trước khi có thông tư 119, tại Cục Thuế TP hằng năm có lượng đối tượng nộp thuế TNCN rất lớn, cơ quan thuế mất 1-2 tuần lễ hỗ trợ giải quyết, phần lớn trong số quyết toán thuế TNCN lại là hoàn thuế.
Do đó khi chính sách sửa đổi, những cá nhân bán hàng đa cấp, hưởng hoa hồng từ một số đối tượng thì không phải đi quyết toán nữa, mà được các cơ quan chi trả thu nhập giảm trừ thuế. Như vậy, số người đi quyết toán thuế TNCN giảm, số hồ sơ ít đi giải quyết nhanh hơn.
Hiện nay cơ quan thuế đang quản lý theo chế độ tự khai, tự nộp. NNT tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm lời khai nên cơ quan thuế rất mong muốn DN nếu có khó khăn vướng mắc gì, thấy chưa hiểu rõ phải hỏi ngay để tránh rủi ro sau này.
* Vừa rồi Cục Thuế công khai danh sách 16 DN nợ thuế trên báo, đã có những ý kiến cho rằng trong thời điểm khó khăn, Cục Thuế cần chia sẻ nhiều hơn với DN. Quan điểm của Cục Thuế TP khi thực hiện?
- Vừa rồi chúng tôi có đăng đợt một những DN nợ thuế trên phương tiện truyền thông. Đây là những DN mà Cục Thuế đã áp dụng hết tất cả biện pháp từ thấp đến cao nhưng các DN này vẫn không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình. Để đảm bảo thu ngân sách nhà nước, cơ quan thuế phải công khai danh sách này lên.
Theo tôi, DN khó khăn thì Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có giải pháp về mặt thuế như giảm 30% thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế GTGT đối với một số ngành hàng, gia hạn thời gian nộp thuế không tính phạt...
Tất cả các biện pháp đó đã được DN áp dụng rồi, sau thời gian được hỗ trợ DN phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình. Việc đăng danh tính DN giúp các DN khác cũng đang trong tình trạng nợ thuế phải tích cực hơn trong việc nộp ngân sách nhà nước.
Có dọa nạt người nộp thuế? Tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 28 -10, do báo Tuổi Trẻ và Cục Thuế TP.HCM tổ chức, bạn đọc Lôi Thạch (fanloithach@...) phản ảnh cán bộ vẫn hay bắt bẻ lỗi nhỏ trên hóa đơn như viết thiếu chữ “tp” hay “tỉnh” trong địa chỉ. Hay bạn đọc dovanyenhdvn@... hỏi: “Vừa qua Chi cục Thuế Q.9 (TP.HCM) có văn bản do phó chi cục trưởng ký, mời các DN trên địa bàn quận đi dự hội nghị, bên dưới văn bản có ghi giao cho các đội kiểm tra thuế kiểm tra công tác này. Liệu có mang tính chất dọa nạt DN không?”. Bà Trần Thị Lệ Nga trả lời xin ghi nhận và chấn chỉnh ngay. Ngoài ra, hàng trăm câu hỏi gửi về cho thấy NNT vẫn còn khá băn khoăn về thủ tục, chính sách thuế mới cũng như một số hành xử, thái độ của cán bộ thuế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận