Kỳ 1: Nửa làng đi Lào
Phóng to |
Những ngôi nhà đẹp trên đường vào xóm 1, thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng - Ảnh: Hoàng Điệp |
Hỏi thăm một cụ già ở đầu làng Quần Mục về một gia đình có con, cháu lấy chồng nước ngoài, cụ vui vẻ, hể hả: “Nhà tôi đây này, hai đứa cháu, một cháu nội một cháu ngoại, đi lấy chồng nước ngoài hết rồi. Đại Mục có đến bốn xóm, nhiều nhà có con cháu lấy chồng nước ngoài lắm, có nhà đến ba người liền...”.
Xã có 800 người lấy chồng nước ngoài
Đó là con số công bố của UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Chín tháng đầu năm 2012 đã có hơn 40 người lấy chồng nước ngoài. Những cô gái lớn lên, vượt đại dương để đi tìm hạnh phúc, thay vào đó là những ngôi nhà khang trang được mọc lên tại Đại Hợp mà người dân gọi đó là làng... kiều
Đường vào xóm 1 làng Quần Mục đã được tráng bêtông sạch sẽ, bám vào mặt đường thôn là khoảng 30 nóc nhà mà có đến 2/3 mới được xây dựng. Tường cao, bồn hoa, cổng gỗ, rào sơn trắng trông bắt mắt như những tấm phông làm nền ở các tiệm chụp ảnh ngoài thị trấn cách đây chục năm.
Bên căn nhà đồ sộ xây dựng theo kiến trúc phương Tây, có cổng cao, tường rào và sân rộng là một gian phòng nhỏ nhắn bám lấy mặt đường liên thôn. Một bà lão vừa nằm đung đưa trên võng vừa bán hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày trong xóm. Thấy có khách, bà gọi lớn: “Thủy ơi, có khách đến này!”.
Chị Bùi Thị Thủy, chủ nhà, con dâu bà cụ, từ căn nhà rộng lớn bên cạnh chạy sang: “Tôi đang chuẩn bị bữa trưa, đây là cửa hàng làm thêm để hai mẹ con bán hàng cho đỡ buồn, không làm việc gì thì chán lắm...”.
Thôn Quần Mục vốn là một làng chài, trước đây hằng ngày đàn ông ra biển chài lưới, đàn bà ở nhà đan vá lưới hoặc mang cá ra chợ bán: “Gần chục năm trở lại đây người ra biển ít đi, giờ cũng chẳng còn ai đan vá lưới nữa. Tất cả nhờ vào việc đám con gái đi lấy chồng nước ngoài giúp đỡ” - chị Thủy nói.
Không nằm ngoài số những phụ nữ được hưởng phúc từ con, chị Bùi Thị Thủy dù mới hơn 40 tuổi nhưng đã có vẻ an nhàn: “Giờ tôi chỉ ở nhà lo giữ gìn nhà cửa, ông xã trước đi lưới, giờ đi xây nhưng mấy hôm nay cũng nghỉ bởi sức khỏe yếu”.
Trong phòng khách được trang trí nội thất đắt tiền: tivi màn hình phẳng 50inch, bàn ghế gỗ giả cổ, thảm trải nền, kệ tivi bằng gỗ gụ... chị Thủy không khỏi tự hào: “Cả tiền xây nhà, mua sắm nội thất đều do con gái đi lấy chồng nước ngoài gửi về: nhà xây hết 700 triệu, tiền sắm nội thất hơn 5.000 đôla Mỹ (khoảng 100 triệu đồng)”.
Không giấu được sự thỏa mãn, chị Thủy nói: “Tiền về ngôi nhà này đều của đứa con gái lớn là Nguyễn Thị T. (sinh năm 1986), nó lấy chồng bên Đài Loan từ năm 2004. Dù không ở thành phố nhưng bố chồng T. làm nghề thuốc nên toàn bộ chi phí, sinh hoạt gia đình cũng như nuôi con cái đều do ông ấy chu tất. Ngay cả tiền gửi về nhà cho chúng tôi cũng do ông ấy cho. Em nó thường chỉ ở nhà lo việc vặt và chăm con chứ không phải đi kiếm tiền như nhiều người khác”.
Nhưng chính chị Thủy cũng thừa nhận: “Nhưng hơn năm nay nó lại phải đi làm rồi”. Nguyên nhân thì “bố chồng nó mới mất nên giờ tiền gửi về cũng ít đi, bởi nó còn phải lo cho con cái đang đi học mẫu giáo”. Công việc mà T. phải làm ở Đài Loan là nấu ăn và phụ việc cho một trường mẫu giáo gần nhà.
“Tôi chẳng biết nó kiếm được bao nhiêu tiền một tháng nhưng dạo này cả hai vợ chồng đều đi làm nên cũng ít có thời gian về nhà. Trước đây không phải lo chuyện tiền bạc nên cuộc sống của con tôi cũng thoải mái, nhưng bây giờ nó phải chủ động để lo cho gia đình nên việc gửi tiền về không như trước nữa”.
Tuy thế, chị Thủy cũng cho biết: con gái thứ hai lấy chồng bên Hàn, tuy không khá giả bằng gia đình anh chị nhưng Nguyễn Thị O. cũng đã về nhà được ba lần và gửi về cho bố mẹ được chút tiền bạc.
Những đứa trẻ vắng mẹ
Cả bốn xóm của thôn Quần Mục nằm sát nhau và chỉ cách nhau những con đường nhỏ như xương cá. Giữa các đường làng nhỏ xinh được đổ bêtông ấy vẫn thấp thoáng những ngôi nhà mái bằng cũ kỹ.
Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Tiến (xóm 3) đang thổi cơm, bà Chiên (vợ ông Tiến) đang dỗ đứa cháu ngoại gần 3 tuổi ngủ trưa sau khi cho uống hết bình sữa Dialac của Vinamilk. Miệng vẫn ngậm chiếc ti giả, đứa bé thấy người lạ vụt choàng dậy ôm chặt bà.
“Bé được đưa về VN từ lúc 6 tháng tuổi, lúc ấy bé vẫn còn đang bú mẹ, muốn bé nín khóc tôi cứ đưa cái ti giả cho ngậm. Mãi rồi thành quen, giờ không bỏ được”. Chưa có giấy khai sinh, chưa được đi học mẫu giáo, bé Huyền (tên gọi tạm ở nhà) suốt ngày bám chặt lấy bà ngoại.
Cùng cảnh có con lấy chồng nước ngoài nhưng rõ ràng nhà bà Chiên còn khó khăn hơn rất nhiều, từ đồ dùng trong nhà đến căn nhà cũ kỹ đều chứng tỏ người con gái không đỡ đần được bà về kinh tế: “Mỗi năm mẹ cháu về nhà một lần, chỉ đưa tiền đủ mua sữa cho cháu, công việc bên kia khó khăn quá nên vợ chồng tôi phải phụ giúp cháu trông và nuôi cháu. Nó đi làm đủ tiền nuôi thân và nuôi con là tốt rồi” - bà Chiên nói.
Khi đề cập vấn đề học hành cho đứa trẻ, bà Chiên cho biết cuối năm nay mẹ cháu sẽ đưa sang Đài Loan để tiếp tục học. Tuy nhiên, khi đứa trẻ chỉ có thể nói được tiếng Việt thì việc học hành hay hòa nhập ra sao với môi trường hoàn toàn mới thì bà Chiên không thể tính đến: “Chắc mẹ cháu phải lo việc này thôi”.
Nói về việc cho con gái đầu đi lấy chồng nước ngoài giống như rất nhiều cô gái khác ở Quần Mục, bà Chiên nói: “Nó cao ráo, xinh xắn nên cũng đến ba lần dẫn mối gia đình tôi mới ưng. Hai đám trước đều hơn 40 tuổi, tôi nhìn thế không ưng mắt, phải thuận mắt ta mới ra mắt người chứ. Chồng nó đấy, hơn vợ 3 tuổi” (bà Chiên chỉ tay lên tấm ảnh cưới to tướng treo trên tường nhà).
Qua câu chuyện, ông Tiến cho biết Phương (con gái bà Chiên) đã có hai con gái với người chồng Đài Loan, nhưng đứa lớn ở Đài Loan, còn đứa bé được gửi về với bà ngoại. Khi được hỏi ông bà có biết Phương hiện làm gì bên Đài Loan hay không thì cả hai ông bà Tiến, Chiên đều nói không biết.
“Không được như các cô gái khác, con nhà tôi không mang tiền về giúp đỡ bố mẹ nhưng tôi nghĩ rằng cháu lo được cuộc sống ổn định bên đó đã là tốt lắm rồi”. Và dù chẳng biết tương lai đứa bé gần 3 tuổi sẽ thế nào nhưng dường như cả ông Tiến và bà Chiên đã đắng đót nhận ra hậu quả của việc lấy chồng nước ngoài: “Phương còn một đứa em gái đang học lớp 11, nhưng đứa này tôi không cho đi lấy chồng ngoại nữa đâu, có hai đứa con thì một đứa phải ở nhà với bố mẹ chứ”.
Xã Đại Hợp có khoảng 800 cô gái kết hôn có yếu tố nước ngoài. Hội Phụ nữ xã Đại Hợp cũng đã tuyên truyền rất nhiều về vấn đề ứng xử, kỹ năng sống dành cho những cô gái có ý định kết hôn với người nước ngoài. Còn việc thuyết phục họ về bất trắc của những cuộc hôn nhân ngoài nước chúng tôi chỉ tuyên truyền chứ không mang lại vật chất được cho các cháu. Mà những nhà có con lấy chồng nước ngoài đều xây nhà to, mua xe đẹp nên cũng khó thuyết phục người ta. Có nhiều đám rõ ràng các cô ấy nói là bố mẹ muốn các cô ấy đi lấy chồng để có tiền dù có nhiều người kết hôn xong sang đến nhà chồng bị vỡ mộng nên họ ly hôn ngay để lấy người khác. Tuy nhiên, trong một số năm gần đây thì số người đi lấy chồng nước ngoài có giảm nếu các em được đi học đại học và có nhận thức khác về cuộc sống. Bà BÙI THỊ ÚT(chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp) |
___________
Kỳ tới: Lên thành, sống cùng bãi rác
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận