14/11/2012 10:30 GMT+7

Làng đi, rừng ở lại

HỮU KHÁ - ĐĂNG NAM
HỮU KHÁ - ĐĂNG NAM

TT - Hôm hay tin chính quyền TP Đà Nẵng ban hành quyết định giải tỏa trắng ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) để làm khu đô thị mới Quan Nam - Thủy Tú, dân làng Trung Sơn nhốn nháo.

Không phải họ phản ứng chuyện Nhà nước thu hồi đất đai, nhà cửa đang ở hay đền bù không thỏa đáng mà là chuyện... cánh rừng.

ENDlwSHF.jpgPhóng to
Anh Võ Chí Tiến bên khu giếng cổ của làng - Ảnh: ĐĂNG NAM

Ngay lập tức các bô lão trong làng ngồi viết tâm thư: “Sẵn sàng nhường đất để Nhà nước làm khu đô thị, nhưng tha thiết mong chính quyền giữ lại cánh rừng cho con cháu”.

Biết ơn... rừng

Con đường làng Trung Sơn (xã Hòa Liên) bây giờ xe ben vào ra tấp nập để làm khu đô thị mới. Cánh đồng, làng mạc chủ đầu tư đã cho san ủi lấp hết rồi. Đất đổ đã cao quá đầu người. Cả vạn người dân Trung Sơn cũng đang hối hả như những dòng xe ra vào làng vậy, họ chuẩn bị cho ngày dời cả làng về nơi ở mới. Lòng dân ngày sắp rời xa nơi chôn nhau cắt rốn bồi hồi, ngậm ngùi lắm. Họ đi, bỏ lại sau lưng mọi thứ gần gũi nhất, mai mốt đây thôi tất cả sẽ vùi vào lòng đất. Nhưng có điều ai cũng mừng là cánh rừng được giữ lại, vẹn nguyên.

Anh Võ Chí Tiến, một người dân Trung Sơn, dẫn chúng tôi bước lên từng thềm cấp của đình làng nằm trong rừng Trung Sơn. Chỉ cách đó vài trăm mét, ngoài kia tiếng máy nổ xình xịch, xe cộ san ủi đất rền vang. Thế mà phía bên trong sân đình, đám trẻ con tụ tập hồn nhiên chơi bắn bi dưới gốc đa mát rượi.

Anh Tiến nói với vẻ tự hào: “Ngôi đình và cánh rừng là linh hồn của cả làng này đó. Tuổi thơ của con em Trung Sơn lớn lên dưới cánh rừng này. Bây giờ thì yên tâm, chắc chắn đã giữ được đình, được rừng rồi”.

Vừa nói, anh Tiến dẫn chúng tôi len qua triền dốc vào bên trong khu rừng. Con đường nhỏ chỉ một người đi lọt xuyên rừng đầy dấu chân, cát mịn. Hầm bí mật một thời nuôi giấu, là đầu não của các trận đánh nổi tiếng vẫn còn nhiều dấu tích rải rác khắp cánh rừng. Hai bên là hàng chục loại cây nguyên sinh như giẻ, chùm bù, sao ta, lò to... Càng đi vào sâu trong rừng, không gian bình yên đến lạ thường. Tiếng chim kêu, tiếng cu gáy vang cả góc rừng. Anh Tiến cho biết vào những buổi chập choạng tối, nhất là mùa đông, từng đàn chim cò, bồ nông... về đậu kín cả cánh rừng.

Ông Hà Thúc Hoa (84 tuổi), sống bên mép rừng từ ngày cha sinh mẹ đẻ, nói dân làng Trung Sơn biết ơn khu rừng này nhiều lắm. Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Trung Sơn thảm thực vật phong phú này. Nhờ có cánh rừng mới giữ được nguồn nước ngọt dồi dào, trong mát, tuôn trào không bao giờ cạn. Giếng nước nơi đây không những nuôi sống, tắm mát cho dân làng bao đời mà còn cung cấp nước uống cho dân cư các làng lân cận như xóm Nà, Thổ Trại, Phái Sáu. Rừng tỏa bóng mát yêu thương cho con cháu nương tựa.

Còn cụ tộc trưởng tộc dòng họ Hà Thúc (một dòng họ sống lâu đời ở làng Trung Sơn), ông Hà Thúc Duyên (88 tuổi) nói ông là người trải qua hai cuộc chiến nên ông thấu hiểu được giá trị của khu rừng này. “Ngày kháng chiến chống Mỹ vào thời điểm khốc liệt nhất, rừng Trung Sơn là nơi che giấu, căn cứ làm bàn đạp đánh đồn Mỹ ở Thanh Vinh. Một thời gian sau Mỹ biết được “bí mật” từ khu rừng này nên tìm cách nhổ bỏ.

Nhiều chiến dịch “xóa sổ” Trung Sơn đã được phát đi từ các căn cứ của Mỹ đồn trú quanh đó. Nhưng tất cả đều dừng lại ở bìa rừng vì người Trung Sơn từ già đến trẻ đều một lòng quyết “nằm dưới bánh xe xích” ngăn bước quân thù. Không đốt, phá được rừng, lính Mỹ đành rút về căn cứ.

“Cả làng này khi ấy chưa đến vài trăm hộ vậy mà đã có gần 100 liệt sĩ và mẹ VN anh hùng là chú biết sao rồi” - cụ Duyên nói giọng đầy hãnh diện.

RSNyzKfg.jpgPhóng to
Đình làng Trung Sơn nằm cạnh bìa rừng - Ảnh: ĐĂNG NAM

Xin giữ rừng cho cháu con

Anh Tiến dẫn chúng tôi xuyên qua cánh rừng đến một cái giếng cổ nằm ở cuối làng. Giếng hình chữ nhật, được áp bằng các tảng đá xanh rì, linh thiêng. Trên thành đá người dân dùng để mài dao mòn nhẵn. Giếng nước trong đến độ đứng trên thành giếng nhìn xuống thấy rõ đáy.

Tộc trưởng Duyên tâm sự: “Theo sách sử, giếng làng có từ thời Chăm. Cha ông tôi kể vào mùa cạn kiệt nhất nhưng giếng chưa bao giờ cạn nước. Tôi vẫn nhớ như in ngày mới lớn, năm đó hạn hán khốc liệt lắm. Các vùng xung quanh như Vân Dương, Thanh Vinh sông, hồ không còn giọt nước cho trâu bò uống thì giếng làng tôi nước vẫn đầy vơi. Mùa khô năm ấy, người lớn làng bên thì mang thùng, can qua xin nước về uống, bạn bè nhỏ tuổi chúng tôi ở làng bên chiều chiều tập trung qua đây xin tắm nhờ. Còn các bà, các chị thì ngày ngày gánh nước về tận khu Hòa Khánh, Xuân Thiều để đổi lấy gạo đem về đưa vào rừng nuôi quân. Hồi đó trong những buổi hội làng, họp đình, các cụ cao niên đều răn dạy con cháu rằng “rừng đã giữ nước ngọt cho làng thì làng phải biết giữ rừng mà sống. Giữ được rừng là nuôi được quân, là giữ được nước. Ở làng này bất cứ đứa trẻ nào lớn lên cũng được răn dạy như vậy”.

Cụ Duyên nói sau ngày giải phóng, truyền thống giữ rừng vẫn được tiếp nối. Các thế hệ con cháu đều được cha mẹ dạy phải biết giữ rừng. Còn làng cũng ra hương ước bảo vệ rừng. Cánh rừng như một vật báu thiêng liêng bất khả xâm phạm. Không ai được vào rừng chặt củi, bắt thú, bắn chim. Thanh niên thì lập từng nhóm bảo vệ chống cháy rừng. Nếu phát hiện ai chặt rừng sẽ bị làng phạt. Còn anh Tiến cho biết dân làng ai cũng có ý thức bảo vệ nhưng mới đây rừng đã bị người lạ tới xâm phạm.

“Họ thấy trong khu rừng này nhiều cát trắng nên đem xe tới đào xúc vào ban đêm. Mấy hôm liền thấy “mất cát” dân không biết ai xúc nên rình bắt thủ phạm. Thế là các cụ giao cho đám thanh niên mai phục, đêm đó bắt tận tay cả người và xe của một nhóm người làng bên đem về ủy ban xã để xử lý” - anh Tiến tâm sự.

Cụ Duyên nói thêm: “Cả làng Trung Sơn từ đứa trẻ nhỏ đến ông già bạc tóc sống chịu ơn khu rừng này. Vì thế ngày hay tin (năm 2007) TP có quyết định thu hồi, xóa luôn cánh rừng, hàng chục vị cao niên trong làng đứng ra viết bức tâm thư gửi lãnh đạo cao nhất của TP xin giữ lại cánh rừng cho con cháu. Hồi đó, chúng tôi nói với TP rằng chúng tôi đi đâu cũng được, Nhà nước thu hồi đất đai giải tỏa chúng tôi đều đồng ý. Nhưng cánh rừng xin giữ lại cho chúng tôi, mất rừng này là trắng tay, mất hết từ truyền thống văn hóa”.

Còn ông Hoa tâm sự: “Hồi đó lúc nghe tin TP thu hồi đất, lấy luôn cả khu rừng, dân làng mất ăn mất ngủ. Chủ trương thu hồi đất để phát triển TP thì chúng tôi, những người cả đời cống hiến cho cách mạng, chấp hành. Dân Trung Sơn sẵn sàng giao lại đất đai, ruộng vườn nhưng không đồng ý giao cánh rừng này. Bởi phá rừng đồng nghĩa với chết và sẽ đánh mất truyền thống lịch sử”.

Bức tâm thư gửi đi cả tháng nhưng chưa thấy phản hồi, dân làng Trung Sơn như ngồi trên đống lửa. Để rồi hôm nhận được văn bản của TP cho giữ lại rừng, mọi người mừng khôn xiết. Ông Hoa nói giữ được rừng đã vui, nhưng cá nhân ông còn có thêm niềm vui khác. TP đã đồng ý cho giữ lại rừng. Vì căn nhà ông ở cạnh mép rừng nên khi giải tỏa không đụng tới, thế là ông được sống trọn cuộc đời bên rừng.

Không dừng lại ở bức tâm thư giữ rừng, các cụ già còn kiến nghị TP cho dân được tái định cư ở khu vực gần với khu rừng để tiện việc sinh hoạt hội hè ở đình làng lại có điều kiện bảo vệ.

Trước nguyện vọng tha thiết của người dân, chính quyền Đà Nẵng đã cho giữ lại khu rừng, mở rộng vành đai thêm 4ha nữa để tôn tạo biến thành điểm di tích văn hóa.

Kỳ 1:Khu rừng mang tên đại tướngKỳ 2: Rừng tình yêuKỳ 3: Rừng... hòa giảiKỳ 4:Nỗi buồn “tu xửa, pá heo”

_______________

Kỳ tới: Giấc ngủ dưới tán rừng

HỮU KHÁ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên