09/11/2012 10:30 GMT+7

Khu rừng mang tên đại tướng

VŨ THỦY - DŨNG TUẤN
VŨ THỦY - DŨNG TUẤN

TT - Tương truyền đó là rừng cấm của người Mường bản Nhọt (xã Gia Phù, huyện Phù Yên, Sơn La), là nơi ở của thần linh được người dân canh giữ cẩn thận.

Chiến tranh kết thúc, hàng rào tâm linh bao bọc khu rừng đã không còn, nhưng huyền thoại về một vị tướng bằng xương bằng thịt lập căn cứ trong rừng đã thế chỗ hoàn hảo.

LcYkFcg9.jpgPhóng to
Vị chủ tịch “ở rừng” trước tấm biển chỉ dẫn vào khu rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: V.T

Vào xã Gia Phù hỏi rừng đại tướng, người dân chẳng ai không biết. “Rừng ông Giáp à? Ở ngay đầu bản đấy!”. Khắp một vùng đồi núi trập trùng, không đâu là không có bước chân khai hoang của con người. Những khu rừng chỉ còn là những rừng tạp, cây cỏ lùm lùm quá đầu người nhưng “rừng ông Giáp” vẫn rậm rạp, thâm u như thời cha ông của người Mường, người Thái bản Nhọt còn lũ lượt kéo nhau vào cúng rừng đầu năm.

Cái hầm của tướng Giáp

Cụ Đinh Văn Óng, 69 tuổi, người già hiếm hoi từ thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trú ẩn trong khu rừng cấm bản Nhọt còn sống tới bây giờ. “Những người bản Nhọt sống thời ấy chết hết cả rồi, chẳng còn ai biết chuyện ông Giáp đâu”, cụ Óng nói như để chúng tôi khỏi mất công tìm kiếm thêm. Đến cả như cụ Óng năm ấy mới 12 tuổi mà giờ đã ngấp nghé 70 rồi.

Lúc ấy vào khoảng năm 1954, cụ Óng còn nhỏ tuổi nên chỉ được giao đi phụ tải gạo cho lính Cụ Hồ, không được tận mắt chứng kiến căn cứ trong rừng bản Nhọt ngày đó. Nhưng những gì cụ biết cụ nhớ nằm lòng: “Năm 1954 ấy, sau khi đánh Pháp ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái xong, ông Giáp đưa quân vào Yên Châu, Sơn La. Cứ đồn nhỏ đánh trước, đồn lớn đánh sau. Đầu tiên là bản Chai, rồi đến đồn Bản Yên, Bản Muống. Đến lúc đánh đồn Bản Mo, là đồn lớn của địch, ông phải dừng lại ở con suối Tắc Tè trong rừng cấm bản Nhọt để chỉ huy. Chỉ có cái ông Giáp ở lại đấy bao lâu thì tôi không nhớ được”.

Cụ Óng bảo cái rừng bản Nhọt vốn là rừng cấm, dân bản bao đời chẳng dám chặt cây, một năm chỉ một lần kéo nhau vào rừng làm lễ cúng thần rừng đầu năm. Trong rừng cây cối rậm rạp, um tùm, có thể ẩn náu mà không bị phát hiện. Hồi đó, cụ Óng cũng chỉ nghe dân quân bảo nhau là tướng Giáp đang ở trong rừng cấm thôi, còn cái chỗ ông Giáp trú chân, sau này cụ mới có dịp trông thấy. Độ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, một lần đi săn thấy cái hầm nên cụ tò mò vào xem.

“Hầm có che một tấm sắt trước cửa. Hai bên hầm đào rất nhiều hố để bộ đội bảo vệ. Hầm cũng không rộng lắm, chỉ to bằng cái bàn này thôi” - cụ chỉ vào cái bàn đang ngồi, bề ngang gần 2m, dài khoảng 2,5m. Lúc lần mò trong hầm cụ còn nhặt được một con dao và cây cuốc kim bộ đội để lại.

Cụ Óng vẫn còn nhớ rõ mồn một cái cảnh thanh niên dân công đi hàng đoàn vận tải gạo cho bộ đội, mỗi người cầm một ống tre trong có nhét giẻ tẩm dầu, đèn đuốc đỏ rừng rực con đường trước bản. “Ông Giáp thắng trận ở Điện Biên Phủ, lính Pháp bị quân ta bắt làm tù binh cũng bị giải đi đàn đàn lũ lũ qua con đường này” - cụ bảo.

Trước chiến tranh, năm nào dân mấy xã cũng tập trung lên rừng làm lễ cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Họ mang lợn, mang trâu, mang bò lên rừng ăn uống cả ngày linh đình lắm. Những năm chiến tranh, hầu hết thanh niên trong bản đều đi lính, dân bản dần lãng quên câu chuyện về những vị thần linh ở trong rừng, không còn làm lễ cúng thần rừng đầu năm. Thần rừng chẳng còn hiện diện trong tâm thức của người Mường, người Thái nữa. Nhưng khu rừng vẫn là nơi thành kính thiêng liêng được dân làng ra sức bảo vệ bởi huyền thoại về vị tướng Võ Nguyên Giáp thấm đẫm khu rừng. Từ đó họ gọi luôn khu rừng thiêng là rừng Võ Nguyên Giáp.

Chủ tịch ở rừng

kg1BAoyF.jpgPhóng to
Con đường nhỏ len lỏi dẫn vào rừng đã quá quen thuộc với ông Tiến suốt chục năm tuần rừng - Ảnh: V.T.

Ngôi nhà tre nứa dựng sát bên bờ suối, ngay đó là những gốc chò chỉ ba người ôm không xuể của rừng Võ Nguyên Giáp. Cách không xa ngôi nhà là cái bảng lớn đề “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Một người tóc lấm tấm bạc đang cầm con dao quắm lúi húi dọn cỏ ngay đấy. Chú xe ôm chỉ phía ấy bảo chúng tôi: “Người giữ rừng ông Giáp đấy”.

Đó là ông Đinh Quyết Tiến, 56 tuổi, đã “ở rừng” 15 năm. Chúng tôi ngồi ngay bìa rừng hỏi chuyện giữ rừng, tuần rừng chán chê rồi tò mò đi thăm thú ngôi nhà, xem mấy cái bằng khen ghi tên ông. Chợt vỡ lẽ. Hóa ra ông Tiến chỉ mới đầu tháng này còn là chủ tịch xã Gia Phù, vừa về hưu chưa đầy một tháng. “Cả chục năm làm chủ tịch ông cũng ở rừng thế này à?” - tôi kinh ngạc. “Ừ, thì phải ở đây mới giữ rừng được chứ!” - ông điềm nhiên trả lời.

Ở đây, cạnh “rừng ông Giáp” chỉ có độc căn nhà này thôi, còn làng bản đều ở xa phía dưới. Ông bảo từ ngày nhận coi “rừng ông Giáp” vợ chồng ông dọn lên đây ở luôn, nhà trong bản chỉ có con cái ở. Suốt thời gian ấy ông vẫn làm cán bộ xã. Ông bà đào một cái ao nhỏ cạnh suối nuôi cá, thả rau, trồng mấy luống bầu bí, nuôi mấy bầy gà vịt. Nước cũng dẫn từ khe trên “rừng ông Giáp” theo đường ống về nhà. Chỉ cần chở gạo từ bản vào là đủ cho những bữa ăn đơn sơ của vợ chồng ông. Cái ống tre dẫn nước từ rừng về cứ nhả nước quanh năm suốt tháng. Ông vục tay hứng nước uống rồi bảo: “Nước từ “rừng ông Giáp” đấy, sạch lắm, chả cần đun nấu gì. Khát nước, vài bụm nước là đã khát”.

Ông Tiến sinh ra sau thời chống Pháp, đi bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ tám năm rồi về lại bản canh rừng tới tận bây giờ. Ông bảo rừng này ông Giáp đã ở để chỉ huy đánh đồn bản Mo. Ông thấy mình cần gìn giữ nó như một niềm tự hào thiêng liêng của bản làng.

Suốt 15 năm qua, công việc của ông là tuần rừng, canh rừng. Vợ chồng ông là một trong bốn hộ canh “rừng ông Giáp” với số tiền chưa đầy chục triệu đồng một năm. Số tiền công quá ít ỏi cho cả bốn hộ. Nhưng không vì thế mà ông lơ là nhiệm vụ canh rừng. Cái ao nuôi cá, mấy luống rau là vợ chồng ông chịu khó tăng gia để bớt đi phần nào khó khăn. Những hộ khác đều ở trong bản, chỉ thỉnh thoảng đi tuần, còn ông cứ khoảng hai ngày lại đi tuần một lần, mùa khô thì phải tuần hằng ngày để đề phòng cháy rừng. Khu rừng mênh mông rộng tới 200ha nên mỗi lần đi cũng mất cả nửa ngày trời.

“Cứ chỗ nào nhiều gỗ là phải đi tuần luôn cháu ạ. Rừng này đến cả cái cây bằng cổ chân cũng không được chặt”. Ông biết dân bản Nhọt chẳng ai vào rừng chặt cây nhưng lo là lo những người Mông ở bản xa, không biết chuyện vào phá rừng. Ông nhớ đận cháy rừng năm ngoái. Đám đốt rẫy của người Mông, gió thổi to quá liếm cả vào “rừng ông Giáp”. Ở dưới trông lên thấy khói bốc um trong rừng ông liền gọi điện ngay xuống huyện, hô hoán dân làng đang làm đồng gần đấy. Hôm ấy dân bản, lính biên phòng trên huyện cả mấy trăm người kéo xuống để cứu “rừng ông Giáp”. Đám cháy được dập tắt sớm nên rừng vẫn yên lành. Thế mới biết ở đây người ta quý “rừng ông Giáp” lắm.

Ông chủ tịch “ở rừng” bảo với chúng tôi rằng ông mới về hưu vẫn còn đủ sức để giữ rừng. “Chắc cũng giữ được chục năm nữa đấy. Ở đây lâu quá thành quen. Thôi thì đến khi nào chân không đi nổi nữa mình xin nghỉ chưa muộn”.

-------------------------------------------------------

Kỳ tới: Cánh rừng tình yêu

VŨ THỦY - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên