17/12/2019 11:34 GMT+7

Làn sóng sụp đổ dần dần của cho vay online ở Trung Quốc

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Từng được chính phủ khuyến khích như một hình thức giúp tận dụng tối ưu khoản tiền nhàn rỗi trong dân để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại, nhưng nhà chức trách Trung Quốc ngày càng lo ngại trước những hệ lụy của các nền tảng cho vay qua mạng.

Làn sóng sụp đổ dần dần của cho vay online ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhiều nền tảng cho vay online lãi suất cắt cổ đẩy nhiều người trẻ Trung Quốc vào vòng xoáy nợ nần không thể thoát ra - Ảnh: ImagineChina

Tiền dễ dàng có được thì cũng sẽ dễ dàng nuốt chửng bạn.

Anh Baihua thấm thía chia sẻ

Sau một thời gian phát triển quá "nóng", Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng sụp đổ dần dần của ngành công nghiệp cho vay ngang hàng (P2P lending) trong năm ngoái (2018), cuộc vật lộn với tính thanh khoản của các nền tảng cho vay và theo đó, yêu cầu bức thiết về những chính sách siết chặt quản lý với những nền tảng này đã được đặt ra.

Cho vay ngang hàng là dạng thức các cá nhân vay trực tiếp từ người khác mà không cần qua trung gian là ngân hàng.

Những "hố nợ không đáy"

Nếu trong điều kiện bình thường, niềm đam mê với các mẫu smartphone đời mới và các đôi giày thể thao đắt tiền của anh Peng Jiezhao, kỹ sư viễn thông Trung Quốc 22 tuổi vừa ra trường, chỉ là một đam mê vô hại, mặc dù có phần xa xỉ. Nhưng đam mê này trở thành "tội lỗi" khi anh bắt đầu vay tiền từ các trang cho vay trực tuyến để thỏa mãn sở thích cá nhân.

Từ khoản vay ban đầu 300 nhân dân tệ (42 USD), kỹ sư Peng đã rơi vào vòng xoáy nợ nần với khoản vay tăng lên thành 100.000 nhân dân tệ (14.336 USD) được vay từ hơn 20 nền tảng cho vay P2P. "Bất kể kiếm được bao nhiêu tiền, tôi cũng chẳng còn giữ lại được gì cho mình và phải dùng gần hết để trả nợ" - anh Peng nói. Theo mô tả của anh, cái bẫy nợ đó với anh giờ giống như "cái hố không đáy".

Những chuyện cùng quẫn, nhục nhã vì trót vay nợ qua mạng như anh Peng rất nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc. Một cô gái 22 tuổi khác ở tỉnh Sơn Đông giấu tên chia sẻ với Hãng tin AFP rằng cô đã có ý nghĩ muốn tự tử, sau khi các khoản vay nợ trả tiền thuê nhà cũng như mua sắm sau một thời gian lãi mẹ đẻ lãi con đã lên tới khoảng 200.000 nhân dân tệ (28.673 USD).

Nỗi xấu hổ, nhục nhã đã khiến cô gái này "không thiết sống nữa". Cô không dám nói tên khi chia sẻ với hãng tin vì sợ bị chủ nợ lần ra tung tích.

Một bạn trẻ khác là anh Chen Baihua - 25 tuổi, ở tỉnh Chiết Giang - cũng đã "chết ngợp" với khoản nợ lên tới 130.000 nhân dân tệ (18.637 USD). Baihua may mắn hơn khi rốt cuộc đã được cha mẹ ra tay cứu giúp. Dù được cha mẹ giải cứu, nhưng trải nghiệm nợ nần vẫn là cú sốc kinh hoàng với Baihua. Chưa kể sự việc khiến điểm tín dụng của anh rơi vào nhóm rất xấu, theo đó anh gần như không còn cơ hội được vay mua nhà hay mua xe sau này nữa.

Quyết tâm "làm lại cuộc đời" với công việc kinh doanh bán sỉ chip điện tử của gia đình, song Chen Baihua cũng cảm thấy cuộc sống lúc này quá căng thẳng.

Bắt đầu dọn dẹp từ 2017

Từ chỗ gần như không có nền tảng cho vay P2P nào hoạt động vào năm 2012, do nhu cầu lớn từ những người trẻ thạo công nghệ, thị trường này tại Trung Quốc đã bùng nổ và trở thành thị trường cho vay P2P lớn nhất thế giới trong vài năm qua. Đi kèm với nó cũng bùng nổ những cáo buộc về các trường hợp nợ xấu và các vụ gian lận, lừa đảo.

Trên thực tế, từ năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã mở chiến dịch dọn dẹp hệ thống tài chính "ngầm" phần lớn không có sự quản lý trong nền kinh tế của họ, các nền tảng cho vay P2P là một trong những đối tượng bị nhắm đến. 

Cũng trong năm ngoái, cho rằng cơ chế quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân gây thiệt hại, hàng ngàn nhà đầu tư (thường là những bà nội trợ, người về hưu có chút tiền tiết kiệm nhàn rỗi bị các trang này dụ dỗ với mức lãi suất lên tới 15%/năm) bị mất tiền trong các nền tảng cho vay P2P đã biểu tình phản đối rầm rộ.

Tháng 6 năm nay, chỉ trong vòng một tuần, hai nền tảng cho vay quy mô lớn ở Trung Quốc tuyên bố vỡ nợ, không thể hoàn trả khoản tiền đặt cọc của các nhà đầu tư. Trong đó nền tảng Xinhehui ở Hàng Châu không thể trả được 860 triệu nhân dân tệ (125,4 triệu USD), nền tảng Yidai ở Thượng Hải phải cam kết trả dần tổng tài sản 4 tỉ nhân dân tệ (573 triệu USD) trong thời gian 3-5 năm.

Chiến dịch truy quét các nền tảng P2P sai phạm được tăng tốc thời gian qua. Đầu năm 2019, theo báo South China Morning Post, cảnh sát Trung Quốc đã điều tra hơn 380 nền tảng cho vay P2P vì nghi ngờ tổ chức gây quỹ bất hợp pháp và đóng băng số tài sản 10 tỉ nhân dân tệ (1,5 tỉ USD). Bộ Công an Trung Quốc cũng đã bắt giữ 62 nghi phạm là các chủ điều hành những nền tảng P2P gian lận tại 16 quốc gia, trong đó có Thái Lan và Campuchia.

Tới cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết số các nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P đã giảm đáng kể, từ khoảng 5.000 còn 1.490 đơn vị.

Nhà phân tích chính Zhang Yi của Công ty khai thác dữ liệu iiMedia Research cho rằng chính quyền đã mất kiểm soát với lĩnh vực dịch vụ tài chính phát triển quá nhanh. Ông Zhang Yi nhận định: "Rốt cuộc, dịch vụ cho vay qua mạng sẽ không chết dần theo cách là một phương pháp tận dụng tối ưu nguồn vốn hiệu quả, sáng tạo, mà nó sẽ trở về với mục đích nguyên bản là phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và những cá nhân có dữ liệu tài chính có thể theo dõi được".

77 tỉ USD

Tương ứng với đó, theo số liệu của Dịch vụ nhà đầu tư của Moody, nếu 2 năm trước các khoản vay P2P ở Trung Quốc là hơn 150 tỉ USD (tương đương GDP thường niên của Ukraine) thì tới cuối tháng 11 năm nay đã giảm còn 77 tỉ USD.

Trung Quốc Trung Quốc 'kiên quyết phản đối' Mỹ sau khi bị gán mác thao túng tiền tệ

TTO - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 6-8 khẳng định Trung Quốc "kiên quyết phản đối" quyết định của Mỹ dán nhãn nước này là "quốc gia thao túng tiền tệ".

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên