26/04/2014 04:16 GMT+7

Lặn lội thân cò

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TT - Người thì “gà trống nuôi con” bởi vợ còn lặn lội đi kiếm cái ăn nơi đồng xa, lại có người phụ nữ cun cút một mình nuôi con trong căn nhà vắng hơi ấm đàn ông. Như những thân cò lặn lội sớm hôm nhưng họ lại mạnh mẽ, che chở và nuôi dưỡng những đứa con.

“Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tỉnh Bến Tre năm 2014* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bến Tre * Tài trợ: Công ty cổ phần GreenFeed VN

WEqAzOQX.jpg
Chồng mất, chị Nguyễn Thị Vào làm đủ công việc kiếm tiền nuôi hai con ăn học - Ảnh: Ngọc Tài

Đó là hai trong số 60 gia đình lâm cảnh khốn cùng nhưng vẫn lo cho các con ăn học của tỉnh Bến Tre được chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” hỗ trợ vốn làm ăn. Thấy con khóc, anh Nguyễn Văn Quây (ngụ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) buông ngang túi cỏ đang cắt dở hớt hải chạy vào. Vụng về ẵm con bằng một tay còn khỏe, anh dỗ con gái chưa đầy 3 tuổi bằng những câu hát cồng cộc, âm vực khô khan, khản đặc.

Nhà vắng bóng người vợ

Căn nhà trống huơ trống hoác của vợ chồng anh Quây nằm chơ vơ giữa vườn dừa. Đã từ lâu hàng xóm không thấy bóng dáng chị Lê Thị Giỏi, vợ anh Quây, ra vào. Thương chồng bị tai biến không làm việc nặng được nên một mình chị Giỏi bôn ba bên ngoài kiếm tiền. Chị thường rời nhà từ lúc trời chưa sáng đến tối mịt mới về với đủ thứ nghề từ cắt lúa thuê đến nhổ cỏ vườn, việc gì cũng không từ chối. “Hai đứa nhỏ cũng ít khi được trông thấy mặt mẹ nó huống chi là hàng xóm láng giềng” - anh Quây giải thích.

Mười mấy năm làm công nhân ở Sài Gòn trước đây, vợ chồng cũng tích lũy được một số vốn. Năm 2009, hai người định bụng dùng số tiền dành dụm về quê mua đất cất nhà, sống cuộc đời bình dị và lo cho các con ăn học. Đùng một cái anh Quây bị tai biến trên đường đi làm, bây giờ một tay và một chân dặt dẹo chẳng cầm nổi vật nặng.

Mỗi hộ được nhận 15 triệu đồng

Ngày 27-4, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed VN, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức trao vốn “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho 60 hộ gia đình của tỉnh Bến Tre.

Đây là chương trình trao vốn thứ hai được tổ chức tại Bến Tre. Lần trao vốn đầu tiên tổ chức vào năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại có hơn 90% trên tổng số hộ nông dân khó khăn được trao vốn lần một đã hoàn vốn cho chương trình. Hầu hết những hộ nông dân nhận vốn đợt một đã thoát nghèo, khá lên, con cái yên tâm học hành.

Lần trao vốn này, các hộ dân sẽ nhận được 15 triệu đồng thay vì 12 triệu như trước đây để làm vốn chăn nuôi. Ngoài ra, công ty hỗ trợ không hoàn lại 3 triệu đồng thức ăn và phần thưởng cho mỗi học sinh là 500.000 đồng.

Việc chạy chữa thuốc men cho anh Quây cũng làm cho số tiền hai vợ chồng dành dụm chẳng nhiều nhặn gì hết veo. “Túng quẫn lại sợ đứa lớn không thể đến trường nên vợ chồng tui bàn bạc, vợ nói “em đi làm còn anh ở nhà giữ con”. Mới đầu tui không chịu nhưng cũng đâu còn cách nào khác” - anh Quây an phận.

Để đỡ đần vợ, anh Quây vay mượn cha mẹ mua con bò vỗ béo. Hễ có thời gian rảnh rỗi anh đi cắt cỏ cho bò ăn. Dù vậy cuộc sống gia đình anh vẫn thiếu trước hụt sau. Riêng việc học hành của con gái lớn cũng thiếu thốn hơn bè bạn. Thương con chăm học với nhiều năm liền là học sinh giỏi, anh Quây càng thấy giận bản thân không thể gánh vác gia đình. Tưởng đâu đã hết cách kiếm kế sinh nhai thì nay anh Quây hay tin mình sẽ được nhận vốn vay của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Anh phấn chấn: “Lần này tui bàn với vợ sẽ cùng nhau chăn nuôi, không phải đi làm cực khổ bên ngoài nữa. Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn nữa mà!”.

“Cha con sao rồi mẹ?”

Đồng cảnh ngộ chồng gặp tai nạn nhưng chồng chị Nguyễn Thị Vào (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) lại ra đi vĩnh viễn trong một tai nạn giao thông khi chị mới bước qua tuổi 30. Trong cơn mê loạn, chị chỉ còn nhớ câu hỏi của các con khi đang gói ghém đồ liệm chồng: “Cha con sao rồi mẹ?”. Cũng nhờ câu hỏi xé lòng đó mà chị mới đủ sức gắng gượng vượt qua cú sốc tiếp tục sống để nuôi con vì các con chị đã không còn cha, chỉ biết dựa vào mẹ.

Thế nhưng ông trời cứ như trêu ngươi, chồng mất chẳng bao lâu, con trai của chị Vào lại gặp bạo bệnh phải phẫu thuật đến ba lần. Chị gần như ngã quỵ sau khi nghe bác sĩ thông báo phải làm tiếp ca phẫu thuật nữa và căn dặn: “Con chị phải săn sóc cho kỹ chứ mổ hai lần rồi, nếu vết thương không lành sớm cháu sẽ không qua khỏi để làm ca phẫu thuật thứ ba”. Với ý chí còn nước còn tát, chị mang con về nhà chăm sóc mà ngày đêm không dám ngủ. Hơn tháng sau chị đưa con trở lại bệnh viện để làm phẫu thuật. May thay vết thương phục hồi tốt. “Ngày con tui xuất viện về cũng là ngày căn nhà này chẳng còn gì có giá trị. Cái gì bán được là tui bán hết để lo cho con rồi” - chị Vào nói.

Sáu năm kể từ ngày chị Vào vừa làm cha vừa làm mẹ, chị vẫn không nghĩ đến hạnh phúc riêng vì sợ không thể lo chu toàn cho các con. Hiện tại cả hai con chị Vào đều được đến trường và học rất giỏi. Đôi mắt người phụ nữ góa bụa ánh lên niềm hãnh diện khi kể về thành tích học tập của các con. Hiện con gái lớn Trần Thị Cẩm Tiên chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, con trai út đang học lớp 9. Hằng ngày chị Vào cho con trai 10.000 đồng tiền ăn quà bánh trong khi Cẩm Tiên lớn rồi nên không có tiền quà. Nhiều lần nghe con gái phân bì, chị chỉ biết dỗ dành con: “Em con ốm yếu, con nhường cho em ăn sáng chứ mẹ đâu đủ tiền cho một lúc cả hai đứa”. Dự định của chị Vào sau khi nhận được đồng vốn không lãi suất của chương trình là sẽ nuôi heo rồi dành dụm tiền lo cho con học tiếp cao đẳng, đại học. “Không lo cho con được cái chữ, tui cũng chẳng có gì để cho con” - chị giãi bày.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên