21/02/2012 02:46 GMT+7

Làn gió mới chống tham nhũng

MINH TRÍ
MINH TRÍ

TT - 46 ý kiến bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về việc phải chủ động trong công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng trong ngành giao thông vận tải (“Đừng để đến lúc chuẩn bị bắt rồi mới biết”, Tuổi Trẻ ngày 18-2).

Đánh giá đúng thực tế

Theo Bộ trưởng Thăng: “Hiện nay chất lượng, tiến độ nhiều công trình của ngành giao thông vận tải còn chưa tốt, văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, chưa bám sát thực tiễn cuộc sống, đi đến đâu dân cũng kêu. Trong khi đó, những người đứng đầu chẳng có trách nhiệm gì cả”. Đó là đánh giá đúng thực tế hiện nay.

Để khắc phục ngay, cần xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát công trình - là những đơn vị chủ công trong việc quyết định chất lượng công trình, tiến độ thi công. Đối với các chủ đầu tư, kiên quyết không để các đơn vị thi công đã từng thi công công trình chất lượng kém trúng thầu, không phải đơn vị nào tham gia đấu thầu bỏ giá thấp là được trúng thầu, cấm tuyệt đối các đơn vị trúng thầu không thi công mà bán lại cho đơn vị khác thi công. Đối với các đơn vị tư vấn giám sát phải hết sức khách quan, trung thực, thường xuyên có mặt tại hiện trường. Có như vậy mới có chuyển biến đối với chất lượng các công trình giao thông.

Dựa vào dư luận là chính xác

Tôi nhất trí với ý kiến của bộ trưởng là dựa vào dư luận và báo chí để phát hiện và xử lý kịp thời tham nhũng, không để đến khi sự việc đã rồi mới xử lý vừa mất cán bộ, vừa mất tiền của Nhà nước, nhân dân. Việc này nên có sự hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương khác trong cả nước, để góp phần giảm tham nhũng và đương nhiên sẽ có nhiều công trình có chất lượng ra đời.

Nâng trách nhiệm cơ quan thanh tra

Quan điểm của bộ trưởng chính là nâng cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra. Nếu làm tốt việc này thì người đứng đầu đã ngăn chặn được nhiều vụ tham nhũng, cứu được nhiều cán bộ dưới quyền khỏi vướng vào lao lý. Việc phát hiện tham nhũng không khó, nhất là khi ta đã có kê khai thu nhập và các loại thuế. Một cán bộ có chức, có quyền (nhất là quản lý dự án, nhân sự, xét xử...) có thể giàu lên rất nhanh nhờ tham nhũng, hối lộ nhưng họ khó có thể giải thích được qua thu nhập và đóng các loại thuế. Dân và báo chí nhìn vấn đề này rất nhanh, chỉ cần người đứng đầu cơ quan vào cuộc thì sẽ có hiệu quả. Mong rằng ý tưởng của bộ trưởng thành công và là một làn gió mới cho công cuộc chống tham nhũng.

Quy trách nhiệm cụ thể

Người ta thường nói thanh tra với nhà thầu thường ăn rơ với nhau, cùng nhau chia chác. Đến khi nào nhà thầu không biết thanh tra là ai, thanh tra lúc nào... thì mới có thể nói là thanh tra chính xác. Để làm được như vậy cần phải cải cách từ trên xuống dưới, cần quy trách nhiệm, hình phạt cụ thể như: thanh tra công trình đó bao nhiêu lần phát hiện những sai phạm nào, những sai phạm không phát hiện được cần phải quy trách nhiệm cho thanh tra chứ không thể chỉ xử lý mỗi nhà thầu. Nếu công trình nào thanh tra tốt, sau khi hoàn công không có vấn đề gì phát sinh thì cần thưởng cho đoàn thanh tra đó. Chỉ có trách nhiệm đi đôi với quyền lợi thì họ mới làm việc nghiêm túc.

MINH TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên