Sau gần 2 năm lan đột biến "đột tử", khoảng nửa tháng gần đây, nhiều "anh cả lan var" từng gom rất nhiều tiền trước đây đồng loạt làm giá.
Đợt làm giá lan đột biến mới
Những ngày gần đây, C.T., một người chơi lan đột biến nổi tiếng với gần 100.000 lượt theo dõi trên Facebook, đang làm giá hai loại lan giả hạc đột biến là năm cánh trắng bướm đại ngàn và tuyết đỉnh hồng.
Vào ngày 10-2, C.T viết trên Facebook cá nhân thị trường lan đột biến đang có dấu hiệu tích cực. Đồng thời, giao lưu 1 kie (mầm giống) năm cánh trắng bướm đại ngàn cao 9cm với giá 180.000 đồng. C.T. cam kết với người mua sau 9 tháng, nếu người mua nhượng lại, C.T. sẽ thu giá gốc cộng 40 triệu đồng công chăm sóc.
Dòng trạng thái này của C.T. thú hút hơn 1.000 lượt like. Kie lan đột biến trên cũng được "giao lưu".
Trong ngày 10-2, C.T. bán tiếp 1 kie năm cánh trắng bướm đại ngàn (cao 10,3cm) với giá lên đến 200 triệu đồng và tiếp tục cam kết đến tháng 7-2024 người mua muốn nhượng lại, C.T. sẽ thu lại giá gốc và cộng thêm 40 triệu đồng công chăm sóc.
Với "chiêu" thu giá gốc, cộng tiền công chăm sóc 30 triệu đồng, C.T. tiếp tục bán kie giả hạc có tên tuyết đỉnh hồng với giá 120 triệu đồng.
Ở phía Nam, "tay to" lan đột biến N.T.X. cũng đang tạo giá cho các cây lan giả hạc có tên long khánh, đại cát, ngọc sơn cước, bảo duy, hồng hải đăng...
Trên trang Facebook cá nhân với gần 80.000 lượt theo dõi, N.T.X. tích cực đăng bán lan đột biến.
Khởi đầu ngày 5-2, N.T.X. bóng gió "Nghe nói mầm đại cát này giờ đăng 299tr là bay mất ạ". Sau đó, N.T.X. đăng bán các loại lan đột biến và liên tục "đã bay".
Lướt qua Facebook của những "anh chị" lan đột biến trước đây, tất cả đều đồng loạt đăng tin tạo cơn sốt lan đột biến và ẩn ý nhanh tay nắm lấy cơ hội làm giàu.
Lan đột biến đột ngột tăng giá
Trên nhóm Facebook Hiệp hội hoa lan Việt Nam, Facebook có tên V.L.H.T. "thử sức nóng thị trường" với kie năm cánh trắng kinh bắc dài 13cm với giá hơn 555 triệu đồng.
Facebook có tên K.T. liên tục đăng bán các loại lan đột biến có tên juliet, sơn nữ sơn la, bảo duy, ngọc trai, thảo chi, kiều phi yến... Tùy vào loại lan mà giá khác nhau, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
K.T. nhanh chóng thêm vào thông tin "đã bán" sau mỗi bài đăng.
Còn nhớ đợt "rệu rã" của lan đột biến năm 2019, nhiều loại lan nhân giống quá nhiều đã bị loại bỏ. Giữa năm 2020, lan đột biến sốt trở lại, đến năm 2022 thì thị trường đột ngột sập.
Lần này, nhiều "lan đột biến quốc dân" như phú thọ, hiển oanh, hồng yên thủy... không được nhắc đến. Thay vào đó là những "con hàng" có số lượng giống ít do các "tay to" nắm giữ. Nhiều người từng mất nhà cửa vì lan đột biến đã tinh ý nhận ra vấn đề này.
Anh Q.D. (Đắk Lắk) một người chơi lan đột biến từng lỗ rất nhiều tiền, nói: "Họ đang thao túng giá những loại lan đột biến ít người có, mà họ nắm giữ nhiều. Tôi nghĩ khi những người thao túng thoát hàng, thị trường sẽ sập".
Trong khi đó, anh C. (Đà Nẵng) dự đoán trong đợt tạo giá lần này, sau khi ồn ào bán những loại lan ít người có, người "núp" thao túng thị trường sẽ thu mua các loại hoa lan đột biến như phú thọ, hồng yên thủy, hiển oanh... để trấn an người chơi, hoặc trao đổi kiểu "10m phú thọ bằng 1 kie bảo duy".
Những giao dịch thật giả lẫn lộn sẽ được "chim mồi" đăng liên tục trên các nền tảng mạng xã hội trong những ngày tới để kích thích lòng tham.
"Tiền rồi sẽ vào tay nhóm ít người thao túng, phần thua sẽ thuộc về nhà đầu tư mới", anh C. nói.
Trong khi đó, anh B. (Hà Nội) từng kiếm được lợi nhuận từ lan đột biến cười lớn và nói: "Giờ cho vàng tôi cũng không dám vào. Lan đột biến chỉ là công cụ để một số người gom tiền. Nó có phải hàng hóa giá trị đâu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận