25/03/2005 08:30 GMT+7

Lấn biển Cần Giờ - TP.HCM: Đô thị cạnh rừng ngập mặn

PHÚC HUY - ĐOAN TRANG thực hiện
PHÚC HUY - ĐOAN TRANG thực hiện

TT - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Thu cho biết sắp tới phần đất ở ven biển sẽ được trồng cây xanh chắn gió và tăng diện tích cây xanh lên 30m2/người.

Q9AU9AK5.jpgPhóng to
Biển tại khu vui chơi 30-4 sẽ được san lấp

* Đề án có đề cập đến mô hình vừa ở vừa làm du lịch, cụ thể là như thế nào? Những hộ đang thuê mặt nước nuôi nghêu sẽ giải quyết ra sao?

- Khu vực này có khoảng 100 hộ dân đang sinh sống. Chúng tôi sẽ không giải tỏa các hộ dân này và sẽ chỉnh trang lại, trồng cây ăn trái, chủ yếu là xoài. Ngoài ra có khoảng 150 hộ đang thuê mặt nước để nuôi nghêu. Những hộ có nhu cầu ở lại huyện tiếp tục cho thuê nuôi nghêu nhưng ở vùng biển sâu hơn trước đây do vùng biển cạn đã được san lấp.

* Nguồn vốn đầu tư cho dự án được huy động từ đâu? Hạ tầng như điện, nước, điện thoại sẽ phát triển ra sao?

- Riêng phần đầu tư hạ tầng chúng tôi ước tính cần 3.000 tỉ đồng. Phần đầu tư cho kiến trúc có thể gấp 2-2,2 lần hạ tầng. Có đến 600ha trong khu đô thị do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đầu tư. Đơn vị này sẽ kêu gọi các công ty khác cùng tham gia.

Tuy nhiên để huy động nhanh nguồn vốn, chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất TP chia làm nhiều khu, có khu các công ty tham gia đầu tư, một số khu vực khác sẽ đầu tư hạ tầng và cho phép người dân tự xây dựng theo mô hình kiến trúc đã qui định. Hiện nay cao độ âm (thấp hơn mặt bằng hiện hữu) khu vực san lấp bình quân là 4m. Với diện tích lấn biển 400ha ước cần khoảng 16 triệu m3 cát. Lượng cát này sẽ bơm từ ngoài biển vào.

Hiện nay huyện có đường Rừng Sác rộng 42m là tuyến đường chính nối trung tâm TP. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2006 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đến năm 2008 hoàn tất. Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay huyện sẽ khởi công tuyến ống dẫn nước từ huyện Nhà Bè và hoàn thành sau ba năm. Ngoài ra nguồn điện của huyện hiện bảo đảm nhu cầu đến năm 2020. Mạng viễn thông cũng được đầu tư cùng lúc với tuyến đường Rừng Sác trong thời gian tới.

hBeJA0J4.jpgPhóng to
Ông Đoàn Văn Thu
* Đến thời điểm này ông có thể hình dung ra khu đô thị mới như thế nào và khu đô thị này có nối kết với những khu nào khác?

- Dù rất muốn nhưng thời điểm này chưa thể hình dung diện mạo khu đô thị mới như thế nào. Nhưng chắc chắn có một điểm mà khu đô thị lấn biển này khác với nhiều khu đô thị trên thế giới mà chúng tôi từng tham quan là nó nằm cạnh rừng ngập mặn. Muốn đến khu đô thị này phải qua một khu rừng lớn.

Một vấn đề mà chúng tôi cũng tâm đắc là việc hình thành khu đô thị sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Khu đô thị sẽ giải quyết lượng lao động từ 25.000-30.000 người. Chưa kể du lịch phát triển sẽ giúp tiêu thụ thủy hải sản, trái cây tại chỗ...

Khu đô thị này sẽ nối kết với khu đô thị đang trong giai đoạn hình thành gồm bảy khu dân cư, tổng diện tích 450ha. Hiện nay số dân trên địa bàn huyện là 65.000 người. Dự kiến đến năm 2010 dân số lên đến 150.000 người.

* Liệu bãi tắm có thành công không khi nhiều ý kiến cho rằng nước biển Cần Giờ vẫn còn đục?

- Đúng là bãi biển hiện nay chưa được trong xanh, thường diễn ra vào mùa mưa. Riêng mùa khô biển khá trong. Để cải thiện tình trạng sình ở bãi tắm vào mùa mưa, các nhà khoa học đang tính toán việc lấy nước biển ngoài khơi vào kết hợp cải tạo cát trong bờ.

* Khi nào sẽ khởi công khu đô thị lấn biển?

- Trong tuần này, Sở Qui hoạch - kiến trúc, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và huyện sẽ thống nhất lần cuối để trình UBND TP thông qua. Dự kiến trong tháng tư tới TP sẽ trình Thủ tướng xem xét dự án tiền khả thi. Nếu không có gì trục trặc dự kiến đầu năm 2006 bắt đầu khởi công san lấp, đến năm 2010 dự án hoàn thành.

Mua đất đón đầu dự án

Việc khởi động của một số dự án phát triển đô thị bên cạnh sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà kiên cố, nhà vườn, biệt thự đã khiến thị trường địa ốc ở huyện Cần Giờ, một huyện ven biển, thu hút nhiều khách thập phương.

Từ huyện Nhà Bè, qua phà Bình Khánh là sang địa phận huyện Cần Giờ. Theo các cò nhà đất, giá đất ở xã Bình Khánh chỉ khoảng 45.000-50.000/m2 (45-50 triệu đồng/công). Khu vực này hầu hết là đất ao (đầu tư nuôi tôm) và có thể chuyển sang đất ở với hạn mức là 300m2.

Cách xã Bình Khánh hơn 10km là xã An Thới Đông. Giá đất ở xã An Thới Đông có giá thấp hơn đất ở xã Bình Khánh từ 5-10 triệu đồng/công. Càng vô trung tâm thị trấn giá đất càng cao. Tại xã Long Hòa (nơi đang có dự án lấn biển) và thị trấn Cần Thạnh, giá đất nông nghiệp từ 60.000-70.000 đồng/m2. Giá đất ở gấp 10 lần giá đất nông nghiệp. Tại thị trấn Cần Thạnh, đất ở có giá 2,5 - 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên theo giới kinh doanh, khu vực này không sôi động vì cư dân ở đây đã sống ổn định, không có nhu cầu mua bán dịch chuyển.

Trên một số tuyến đường chính của huyện như Duyên Hải (qua ba xã Cần Thạnh, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh), Rừng Sác (qua ba xã Bình Khánh, An Thới Đông, Long Hòa), Phan Đức, Thạnh Thới... giá chuyển nhượng thực tế trong thời gian qua từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/m2 (tùy vị trí), đường ven biển thuộc xã Long Hòa có giá trên 1,5 triệu đồng/m2 nhưng ít người bán.

Đường dẫn đến khu du lịch 30-4 vẫn còn hoang vắng song giá đất được chào bán khoảng 1 triệu đồng/m2. Theo UBND huyện Cần Giờ, hai trong số bảy khu dân cư ven biển sẽ được khởi công trong tháng 5-2005 (đó là khu dân cư nhà vườn - du lịch Lập Phúc, có qui mô 30,8ha và khu dân cư nhà vườn du lịch Phước Lộc qui mô 56,4ha).

Năm khu dân cư khác cũng sẽ được khởi công trong năm 2005 là khu dân cư biệt thự nhà vườn du lịch Tân An Huy qui mô gần 86ha; khu dân cư tại thị trấn Cần Thạnh qui mô 41ha; khu nhà ở tại xã Long Hòa qui mô 31,8ha; khu công viên vui chơi du lịch an dưỡng kết hợp nhà nghỉ qui mô 105ha và khu dân cư nhà vườn du lịch nam Sài Gòn qui mô hơn 100ha. Tổng diện tích bảy khu dân cư khoảng 450ha.

Theo bảng giá đất vừa được UBND TP ban hành có hiệu lực từ ngày 1-1-2005, những tuyến đường có giá cao nhất trên địa bàn huyện Cần Giờ (700.000 đồng/m2) như: đường Duyên Hải (từ chợ Cần Thạnh đến nghĩa trang liệt sĩ); đường Đào Cử (từ đường Duyên Hải đến đường Tắc Xuất); đường Lê Trọng Mân (trọn đường), đường Rừng Sác (từ phà Bình Khánh đến ranh trạm điện Bình Khánh), đường Tắc Xuất (từ bưu điện huyện đến đường Biển Đông), đường Thạnh Thới…

Trên tuyến đường Duyên Hải, đường Nguyễn Văn Mạnh, một số nhà kiên cố và biệt thự được xây dựng ngày càng nhiều, song bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều đất trống.

Chỉ những lô đất được cắm cột ximăng hoặc bao bằng dây kẽm gai, một cư dân ở xã Long Hòa cho biết: “Đó là dấu hiệu đất đã có chủ. Đa số là người ở nội thành hoặc các tỉnh khác xuống đây mua đất… chờ thời bán kiếm lời”. Giới kinh doanh dự báo giá đất trong thời gian tới có chiều hướng tăng khi các dự án xây dựng khu dân cư và dự án lấn biển khởi động.

PHÚC HUY - ĐOAN TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên