30/07/2017 09:43 GMT+7

Làm việc từ xa: Đón nhận cái mới, khó lắm đấy

TRẦN PHI TUẤN
TRẦN PHI TUẤN

TTO - Người Nhật làm việc từ xa rất tốt vì ý thức và tính tự giác rất cao, còn người Việt, nhất là với các dịch vụ công, muốn thay đổi, áp dụng một mô hình làm việc mới, khó thay.

Từ bỏ vị trí giám đốc pháp lý cho một công ty ở TP.HCM, một luật sư về Vĩnh Long làm vườn. Ông muốn dành thời gian để nuôi dạy con cái và tránh xa ồn ào phố thị. Tuy vậy, ông vẫn làm việc từ xa, đảm trách vị trí luật sư cho một số công ty. Các trao đổi đều qua điện thoại, mạng, nhưng công việc vẫn suôn sẻ.

Làm việc từ xa không phải là khái niệm mới. Trong Thế giới phẳng, tác giả Thomas Friedman mô tả những kỹ sư và kế toán người Ấn Độ làm việc cho các công ty Mỹ từ nhà của mình mà không cần đến công ty, hay qua tận Mỹ.

Đó là những ví dụ sinh động của làm việc tại gia khá phổ biến trong hai lĩnh vực tin học và kế toán.

Trong kinh doanh, một số nơi người ta cũng không cần đến văn phòng, người được thuê có thể ở bất cứ đâu để làm việc, miễn là đạt hiệu quả. Còn với nghề y, ngay tại Việt Nam, bác sĩ cũng đã chẩn đoán, chữa bệnh qua mạng.

Vậy còn khối dịch vụ công? Liệu có cách nào xóa đi mặc định 8 giờ vàng ngọc? Liệu làm việc từ xa có khắc phục được tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”?

Tiến sĩ Trần Toàn Thắng - Trung tâm Dự báo quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) - nhận định nhiều mảng dịch vụ công có thể làm qua mạng, từ nhà. Muốn thế, cần có sự đồng bộ từ hạ tầng công nghệ đến thể chế.

“Thể chế, quy định là hết sức quan trọng vì công nghệ, hạ tầng tốt đến mấy nhưng thể chế không cho phép cũng không được” - ông Thắng nói.

Nhưng cái mới không hẳn bao giờ cũng được tiếp nhận vào cuộc sống nếu không có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ngay trong khối kinh tế dân doanh cũng đã có tranh luận nên để nhân viên đến trụ sở hay được làm việc tự do bên ngoài.

Tổng giám đốc một công ty về truyền thông, quảng cáo đa quốc gia nhận định “không nên khuyến khích”.

Nguyên nhân là ở nhiều quốc gia, sau trào lưu “làm việc tại nhà”, chia sẻ văn phòng làm việc thì nay nhiều công ty đã nghĩ lại.

Lý do là làm hạn chế trao đổi, giao tiếp và làm việc nhóm, vốn là những yếu tố mang đến sáng tạo, tương tác, mang lại nhiều giá trị.

Đó là chuyện của xứ người. Còn ở Việt Nam, điều được các chuyên gia và giới doanh nghiệp đồng tình: thói quen khó bỏ và ý thức kỷ luật công việc chính là lực cản đối với hình thức làm việc từ xa.

Thói quen là điều cần phải cân nhắc. “Khi Nhà nước còn yêu cầu phải có “con dấu đỏ”, “chữ ký đen” thì rất khó để có thể triển khai các dịch vụ công” - theo tiến sĩ Trần Toàn Thắng.

Ý thức kỷ luật, theo một doanh nhân, “những gì người Nhật làm rất tốt, chưa hẳn người Việt đã làm hay”.

Lý do là: “Người Nhật tự giác làm xong việc, kể cả chấp nhận làm nhiều giờ. Còn với nhiều lao động Việt Nam, dù có nhiều kênh giám sát, họ cũng trốn việc, khi không hoàn thành công việc thì đổ lỗi cho người khác. Vì vậy, áp dụng mô hình làm việc từ xa không khéo sẽ thất bại” - ông nói.

Có thể xem hình thức làm từ xa là yếu tố mới. Thường những yếu tố mới là cơ hội, là “đi tắt đón đầu”, có thể đem lại lợi ích cho từng doanh nghiệp, cá nhân.

Nhưng muốn tiếp nhận cái mới thành công phải chấp nhận thay đổi, điều chỉnh cả những điều “cố hữu”, truyền thống.

Còn né tránh, hoặc chậm điều chỉnh khi tiếp nhận cái mới, không khéo đánh mất cơ hội phát triển, không muốn đi tắt đón đầu, khó tránh khỏi tụt hậu.

TRẦN PHI TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên