Nhưng khi tìm hiểu thêm mới biết là trong niềm vui vẻ phấn khởi đó có pha trộn nỗi trăn trở, lo lắng của không ít bậc phụ huynh về các gánh nặng chi phí đang đè lên vai họ ở mỗi mùa tựu trường.
Thì ra là ở Việt Nam, ngoài các khoản chi phí chính thức như tiền học phí, tiền mua đồng phục và sách vở, dụng cụ học tập, phụ huynh còn phải đóng thêm hàng loạt các khoản phí phát sinh như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tiền ký quỹ, chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, bán trú, sách tham khảo bổ trợ, tiền máy lạnh, sổ liên lạc điện tử… và các khoản thu "gây choáng" mà báo chí đã phản ánh. Nói chung phụ huynh nào có mức thu nhập không dư dả thì chỉ nghĩ đến danh sách này thôi là đã toát mồ hôi!
Tôi bỗng nghĩ hệ thống trường công ở Úc tính ra quá sướng, nhà nước gồng gánh gần hết chi phí, phụ huynh chỉ đóng chủ yếu tiền mua ba bộ đồng phục hằng năm, một bộ dành cho mùa đông, một bộ dành cho mùa hè và một bộ dành cho thể dục thể thao. Dụng cụ học tập thì mỗi học kỳ thầy cô giáo đưa ra một danh sách cần mua cái gì rồi cứ theo đó mà mua. Có bao nhiêu đó thôi mà phụ huynh xứ chuột túi đã muốn "méo mặt".
Còn các khoản mà nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp tùy ý, tự nguyện thì vô cùng nhạy cảm. Như trường hợp trường công Bondi Public School (khu nhà giàu) bị đưa lên mặt báo chỉ trích mạnh do "sáng kiến bắp rang" của mình. Nghĩa là phụ huynh nào có đóng góp bằng hiện kim thì con mình được nhận một hộp bắp rang (popcorn) vào giờ ăn trưa tại căng tin, cho nên em nào mà gia đình không đóng tiền hay chỉ đóng góp bằng công sức thì bị "lộ" ra ngay.
"Sáng kiến" này làm nhiều cháu nhỏ phải khóc vì xấu hổ với bạn bè, cho nên phát huy tác dụng ngay tức thì, biến chữ "tự nguyện" thành "tự nguyện bắt buộc". Dư luận lên án. Nhưng đó là trường hợp hiếm khi xảy ra.
Một cô giáo người Việt đang dạy toàn thời gian tại Trường công Holroyd High School ở quận Greystanes của Sydney nói rằng trường cô không hề thu thêm một khoản phí phát sinh nào trong suốt năm học, thậm chí mỗi lần trường tổ chức cho học sinh đi xem phim còn phải chi tiền mua vé tài trợ. Ngay cả đối với các khoản phí bắt buộc như đồng phục và dụng cụ học tập, gia đình nào gặp khó khăn về tài chính thì làm đơn trình bày nhà trường sẽ hỗ trợ hoặc miễn phí hoàn toàn.
Một đồng nghiệp của cô đang dạy tại Trường tiểu học công Beecroft Public School (trường điểm nổi tiếng và xếp hàng đầu của bang New South Wales) cũng có đồng quan điểm và bổ sung thêm rằng chỉ có những chuyến đi dã ngoại khá tốn kém thì trường mới yêu cầu phụ huynh đóng tiền nhưng hoàn toàn tùy vào quyết định có tham gia hay không. Tất cả những hoạt động ngoại khóa kiểu này đều thông qua hội phụ huynh học sinh, thậm chí do hội này đứng ra tổ chức.
Vai trò và chức năng của hội phụ huynh rất quan trọng trong hệ thống trường công cũng như trường tư của Úc. Hội phụ huynh sát cánh với nhà trường, cố vấn, ủng hộ nhà trường và làm cầu nối hữu hiệu cho hầu hết mọi hoạt động, bao gồm cả các chính sách liên quan đến các khoản phí phát sinh mà nhà trường muốn đưa ra.
Mỗi thành phố, mỗi quốc gia có mỗi hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Quan trọng là sự phối hợp giữa nhà trường và các bên liên quan để làm sao chi phí phát sinh được kiểm soát và hạn chế tối đa, không thể cứ mỗi năm là mỗi leo thang và ngày càng "đa dạng".
Ở Việt Nam đã có những quy định cụ thể về những khoản phí nào được thu, những khoản phí nào không được thu nhưng vẫn còn chưa đủ hiệu quả để giải quyết bài toán khó tận gốc. Tôi cho rằng cái gốc của vấn đề vẫn là ngân sách chi cho giáo dục của Việt Nam còn quá thấp, nên bao nhiêu nỗ lực suy cho cùng chỉ là để giải quyết phần ngọn.
Một khi ngân sách nhà nước (Trung ương và các địa phương) chi cho giáo dục được nới rộng, đủ để các trường không phải thu thêm các khoản phí phát sinh hằng năm mới hoạt động được, thì nạn lạm thu sẽ tự biến mất hay được kiểm soát một cách dễ dàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận