21/11/2024 08:59 GMT+7

Làm sống lại các dự án 'đắp chiếu'

B.NGỌC
và 1 tác giả khác

Từ thực tế gỡ vướng cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, những dự án ngàn tỉ đồng hiện đang còn vướng mắc có cách nào để giải quyết?

Làm sống lại các dự án 'đắp chiếu' - Ảnh 1.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (TP Phủ Lý, Hà Nam) sau hơn 10 năm khởi công vẫn chưa đi vào hoạt động - Ảnh: NAM TRẦN

Trong các ý kiến được nêu ra, thậm chí có việc phải chấp nhận thiệt hại với những sai sót đã xảy ra để làm đúng, trúng lại từ đầu.

Nhiệt điện Long Phú 1: tách việc tranh kiện và triển khai tiếp

Đến nay, PVN đã rót khoảng 14.000 - 15.000 tỉ đồng vào Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1. Nhiều năm qua dự án dở dang và PVN đã chấm dứt hợp đồng với tổng thầu Power Machines (PM) của Nga.

Báo cáo của PVN ghi nhận hiện còn khoảng 20.000 tấn thiết bị đang lưu kho bãi, chưa thể lắp đặt do tổng thầu PM cấp không đầy đủ vật tư phụ hoặc không cung cấp đúng trình tự để lắp đặt khoảng 6.500 tấn thiết bị. Bên cạnh đó còn có khoảng 14.000 tấn thiết bị của Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 không thể lắp đặt vì không có giám sát kỹ thuật của PM/các nhà thầu phụ. Đáng lưu ý, đến nay PVN chưa thể xác định được tiến độ khả thi dự án Nhiệt điện Long Phú 1 do tổng thầu PM không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC.

Ông Hưởng nói để tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vận hành vào năm 2027 đúng như kế hoạch thì phải tìm nhà thầu mới để làm dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Bên cạnh đó phải đánh giá lại hiện trạng dự án về chất lượng, khối lượng, đồng thời đánh giá lại mô hình triển khai dự án, chi phí, tiến độ dự án, gắn chặt phương án thực hiện với chi phí, tiến độ dự án.

"Có thể làm sống lại dự án Nhiệt điện Long Phú 1 trong thời gian tới, vấn đề là chi phí bao nhiêu và thời gian bao lâu. Điều quan trọng nhất là phải tách hai việc tranh kiện với việc triển khai dự án", ông Hưởng nhấn mạnh.

Làm sống lại các dự án 'đắp chiếu' - Ảnh 2.

Nhiệt điện Long Phú 1 được Chính phủ giao PVN làm chủ đầu tư từ năm 2010, dự kiến phát điện vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành - Ảnh: LILAMA

Xây bệnh viện, chấp nhận đập ra, sửa lại

Làm sống lại các dự án 'đắp chiếu' - Ảnh 3.

Dương Liễu tổng hợp

Với hai dự án ngàn tỉ đồng khác là cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, theo TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý và đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư), việc tách hai dự án bệnh viện ngàn tỉ đồng thành hai hạng mục xây lắp tòa nhà riêng, mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế riêng cho thấy năng lực của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế) có vấn đề.

Năng lực của chủ đầu tư rất quan trọng, đáng ra các gói thầu xây hai cơ sở này phải là gói thầu hỗn hợp, vừa cung cấp thiết bị, vừa xây lắp thì nhà thầu họ tự phối hợp để làm đồng bộ. Với những gói thầu bệnh viện có tính đặc thù cao, gắn xây lắp với lắp đặt thiết bị khám, chữa bệnh cần thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC vì có những cái từ thiết bị mới ra xây lắp, ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, một trong những lỗ hổng triển khai các dự án đầu tư công hiện nay, đặc biệt những dự án lớn quy mô nhiều ngàn tỉ đồng là không có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng về năng lực chủ đầu tư. Ai cũng có thể làm chủ đầu tư được, bất cập nằm ở đây.

Về giải pháp, ông Hùng khuyến nghị hiện giờ khi đã xây xong phần vỏ của hai bệnh viện rồi cần lựa chọn một tổng thầu đủ năng lực cả về xây lắp và lắp đặt thiết bị để họ đưa ra những điều chỉnh tổng thể nhằm có thể thực hiện cải tạo phần đã xây dựng để có thể lắp đặt được các thiết bị y tế phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh, chứ không thể tách rời được.

Đối với các dự án bệnh viện nhiều khi thiết bị quyết định các hạng mục xây lắp chứ không thể làm ngược lại. Vì thế lúc này cần chọn một nhà thầu thực hiện hai công việc đồng thời để cải tạo, hoàn thiện hai bệnh viện. 

Tất nhiên trong quá trình này phải chấp nhận một số lãng phí khi buộc phải đập đi làm lại cho phù hợp. Giờ phải mời các nhà cung cấp thiết bị y tế, trong đó có những thiết bị đặc chủng cho bệnh viện, lên để xem yêu cầu của họ thế nào, từ đó mới đưa ra quyết định cải tạo, hoàn thiện cơ sở hiện có của hai bệnh viện, ông Hùng cho biết thêm.

TP.HCM rà soát xử lý dự án, công trình tồn đọng, lãng phí

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả. Việc này nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.

Sau khi rà soát, đến 25-11, TP sẽ phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối xử lý vướng mắc. Xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc trong tháng 12. TP.HCM xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan...

TS Ngô Trí Long (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính):

Lãng phí còn hơn tham nhũng

Hai bệnh viện xây xong phần thô và bỏ không nhiều năm là một lãng phí rất lớn. Lúc này chủ đầu tư phải xem lại những gì vướng mắc cần sớm trình cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Đối với người đứng đầu ban quản lý dự án cần quy trách nhiệm rõ ràng vì lãng phí còn hơn tham nhũng, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Đây là bài học để cảnh tỉnh, vì thế phải tìm nguyên nhân và có chế tài xử phạt để răn đe, làm bài học cho các dự án khác chứ không thể để chìm xuồng vì có địa chỉ rõ ràng xảy ra rồi.

PGS.TS Trần Chủng (nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng):

Đánh giá lại toàn bộ công năng dự án bệnh viện

Công trình xây dựng, đặc biệt những công trình liên quan đến công nghệ của nhà máy, việc vận hành các thiết bị khám, chữa bệnh trong bệnh viện thì các dây chuyền công nghệ, thiết bị sẽ quyết định giải pháp kiến trúc, bố trí không gian, mặt bằng, kết cấu công trình. Nên thông thường các thiết bị công nghệ phải đi trước, đối với dây chuyền khám, chữa bệnh của bệnh viện nó có mối liên hệ từ phòng nọ qua phòng kia, sau phòng mổ phải là phòng hậu phẫu, các khoa khác nhau cũng có quy trình khám chữa bệnh khác nhau.

Tuy nhiên một công trình làm xong phần thô, để một thời gian dài (4 - 5 năm) không vận hành thì có mấy việc lớn phải làm. Đó là xem xét toàn bộ giải pháp công trình về mặt không gian, chiều cao, tòa nhà có phù hợp với dây chuyền khám, chữa bệnh không. Thứ hai, phải xem cải tạo để lắp đặt thiết bị khám, chữa bệnh cho phù hợp. Thứ ba, việc tái khởi động công trình trở lại cần đánh giá lại công trình xem có tồn tại, hư hỏng không, chứ không làm xong lại hư hỏng sẽ khó sửa chữa hơn.

Ông Lê Đức Luận (thứ trưởng Bộ Y tế):

Gỡ 2 năm nhưng vẫn chưa ra

Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã vướng mắc 6 năm, đã dừng lại 4 năm, 2 năm qua bộ đã rà soát nghiên cứu nhưng đến nay việc gỡ vướng cho dự án chưa đến đích cuối cùng. Hai dự án vướng nhiều thứ và rất khó tháo gỡ.

Nhiều người nhìn vào cứ hỏi tại sao không đưa vào sử dụng nhưng đưa vào sử dụng đâu có dễ. Nó hỏng, nó sai rồi giờ muốn làm đúng cũng khó. Có những cái làm không đúng quy định, đúng luật nên tạo vướng mắc. Giờ muốn làm đúng phải xin cơ chế và được cấp có thẩm quyền quyết định.

Làm sống lại các dự án 'đắp chiếu' - Ảnh 4.Ca 'thoát hiểm' của Nhiệt điện Thái Bình 2

Sự hồi sinh Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ... thời gian qua cho thấy có thể chặn đứng lãng phí ở những đại dự án ngàn tỉ đồng "đắp chiếu" nhiều năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên