Xin hỏi, nếu tôi và 16 căn cùng lô muốn làm sổ hồng đồng sở hữu thì thủ tục như thế nào? Hiện hộ khẩu tôi ở tỉnh và nếu chưa có sổ hồng tôi có thể nhập hộ khẩu TP được không? Nếu bên bán đồng ý làm sổ hồng đồng sở hữu thì chúng tôi cần cung cấp những giấy tờ gì? Thủ tục ra sao?
Sau khi có sổ hồng đồng sở hữu, tôi muốn bán căn nhà trên thì thủ tục thế nào? Nếu tôi không muốn làm sổ hồng đồng sở hữu nữa mà muốn bán căn nhà trên thì có được không? Thủ tục ra sao? Khi ra sổ hồng đồng sở hữu thì 17 chủ hộ sẽ nhận được 17 sổ hồng đồng sở hữu (bản chính), mỗi sổ hồng sẽ có danh sách tên của 17 chủ hộ hay 1 chủ hộ đại diện giữ sổ hồng bản chính, 16 hộ còn lại giữ bản photo có công chứng?
Mong được Tư vấn nhà đất giải đáp giúp. Trân trọng cảm ơn.
tham thamle (tham7279@... )
- Trả lời:
Chúng tôi lần lượt trả lời những vấn đề bạn quan tâm theo từng đề mục sau:
1. Quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại TP.HCM
Bạn có thể đăng ký thường trú tại TP.HCM nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
(1) Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP.HCM từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
(2) Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
e) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;
(3) Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
(4) Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp đăng ký thường trú tại TP.HCM theo điều kiện (1) nêu trên, bạn phải đáp ứng 2 yêu cầu sau:
• Đã tạm trú liên tục tại TP.HCM liên tục từ 1 năm trở lên;
• Có chỗ ở hợp pháp.
Chỗ ở hợp pháp có thể là nhà ở thuộc sở hữu của bạn hoặc nhà được cho ở thuê, mượn hoặc cho ở nhờ. Trường hợp nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
2. Đứng tên chung trên sổ hồng:
Tại địa bàn quận 12, diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa đối với đất có nhà ở là 50m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m. Nhà với diện tích 3mx7m hoàn toàn không đủ chuẩn tách thửa theo quy định.
Trên thực tế, việc đứng sổ hồng chung được coi như một giải pháp để lách quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa.
Trong trường hợp được cấp sổ hồng chung thì sổ hồng chung sẽ được cấp riêng cho từng người sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, hiện tại UBND quận 12 đã ngưng thụ lý những hồ sơ xin cấp sổ hồng chung đối với những trường hợp như bạn nêu.
Trân trọng.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: diaoc@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. Địa ốc Tuổi Trẻ Online |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận