30/11/2020 16:21 GMT+7

Làm sao tăng chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn?

HOÀNG THI thực hiện
HOÀNG THI thực hiện

TTO - Chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn tăng lên sau 10 năm triển khai đề án đào tạo nghề. Tuy nhiên, số lao động giỏi trong các ngành nghề chất lượng cao còn thấp.

Làm sao tăng chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn? - Ảnh 1.

Người dân làm nghề đan lục bình sau đào tạo ở Đồng Tháp - Ảnh: NGỌC TÀI

Đó là chia sẻ của TS Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ LĐ-TB&XH - sau 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Học để ứng dụng vào sản xuất

* Một thập kỷ triển khai đề án, nguồn nhân lực ở các làng quê Việt Nam đã có những sự thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Sau 10 năm đào tạo nghề đã có hơn 9,6 triệu lao động nông thôn học nghề các cấp trình độ. Trong đó trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người. 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề. Trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Trong giai đoạn 2016-2020, theo tổng hợp từ các địa phương, có trên 81% người học nghề có việc làm, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập. Hơn 23% số người nghèo được thoát nghèo nhờ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Số lao động nông thôn được đào tạo và có việc làm đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Ở góc độ khác, nhận thức của các cấp các ngành và người lao động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thay đổi rõ rệt. Từ việc học khi có chính sách hỗ trợ hoặc học để nhận tiền ăn, tiền đi lại, người dân chuyển sang học để ứng dụng vào sản xuất, có việc làm, tăng thu nhập,…

Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả được triển khai nhân rộng, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với doanh nghiệp. Điển hình như Công ty May 10 kết hợp đào tạo và giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn, gắn với tạo việc làm bao tiêu sản phẩm ở Vĩnh Phúc, cùng nhiều mô hình hiệu quả khác cả nước…

* Theo đánh giá của Tổng cục GDNN, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn tăng lên sau 10 năm triển khai đề án đào tạo nghề. Điều này góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn còn chưa cao. Số lao động giỏi trong các ngành nghề chất lượng cao còn thấp. Lao động nông thôn được đào tạo nghề nghiệp chủ yếu là trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn thấp.

Lao động nông thôn tham gia học nghề và tham gia thị trường lao động sau học nghề chủ yếu là lao động phổ thông. Lao động nông thôn khó tìm việc được ở các vị trí đòi hỏi kỹ năng nghề cao hơn.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp còn hạn chế. Một bộ phận lao động được tuyển dụng vẫn phải được đào tạo lại để đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp.

Thu hút lao động địa phương vào doanh nghiệp 

Làm sao tăng chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn? - Ảnh 2.

TS Đỗ Năng Khánh - Ảnh: HOÀNG THI

* Trong thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ có những giải pháp hay đề xuất nào để tiếp tục nâng chất lao động nông thôn?

- Trong thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ trình cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn như xây dựng trình Chính phủ các chiến lược, đề án về GDNN, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, đề án đào tạo, đào tạo lại cho người lao động,…

Tổng cục sẽ tổ chức nhân rộng mô hình hiệu quả gắn quy hoạch xây dựng nông thôn mới, gắn doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp linh hoạt, gắn với nhu cầu thực sự vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp cũng như phục vụ xuất khẩu lao động.

Tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện GDNN trong các khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động.

Các tỉnh sẽ mở rộng chính sách khuyến khích doanh nghiệp về địa phương tổ chức hoạt động nhằm thu hút lao động tại địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp.

Hằng năm các địa phương tổ chức rà soát lại danh mục nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế ở địa phương, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tập trung nguồn lực để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt mục tiêu đề ra. Tăng cường đầu tư trang thiết bị đào tạo để phù hợp với tiến bộ khoa học, công nghệ hiện nay. Tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả nhằm đạt chất lượng, hiệu quả,...

* Riêng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số cho lao động nông thôn được quan tâm ra sao, thưa ông?

- Việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số cho lao động nông thôn hiện nay Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề án "Chuyển đổi số, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp" và đề án "Phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong cho lực lượng lao động".

Dự kiến sẽ trình Chính phủ và triển khai từ năm 2021, phù hợp với lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Dạy nghề nông thôn: Những người truyền cảm hứng Dạy nghề nông thôn: Những người truyền cảm hứng

TTO - Những năm qua, không ít lao động nông thôn (LĐNT) sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã có công việc và thu nhập ổn định. Không dừng lại, nhiều người còn chủ động chỉ dẫn học nghề và kiến tạo cơ hội việc làm cho người khác.

HOÀNG THI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên