28/11/2020 10:52 GMT+7

Dạy nghề nông thôn: Những người truyền cảm hứng

KHOA NAM - TRỌNG NHÂN
KHOA NAM - TRỌNG NHÂN

TTO - Những năm qua, không ít lao động nông thôn (LĐNT) sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã có công việc và thu nhập ổn định. Không dừng lại, nhiều người còn chủ động chỉ dẫn học nghề và kiến tạo cơ hội việc làm cho người khác.

Dạy nghề nông thôn: Những người truyền cảm hứng - Ảnh 1.

Tổ hợp tác đan ghế nhựa ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận - Ảnh: K.NAM

Hành trình truyền cảm hứng học nghề cho LĐNT ở các tỉnh miền Tây gần giống nhau. Ban đầu chỉ một, hai người đi học nghề, những người này sẽ dạy lại nghề cho các thành viên khác, rồi bà con rủ nhau tham gia người đi trước dạy người đi sau.

Lập nhiều tổ hợp tác

Nhiều năm qua, một số địa phương trong tỉnh Kiên Giang làm cầu nối đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là với phụ nữ. Tổ hợp tác đan giỏ nhựa ở xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) là một ví dụ. Dù hiện thời ít có đơn hàng do ảnh hưởng dịch COVID-19, tổ vẫn có khoảng 5-6 phụ nữ tranh thủ làm việc.

Bà Sử Thị Út - tổ trưởng tổ đan giỏ cho hay: khoảng 2 năm trước, bà được chi hội phụ nữ xã giới thiệu học lớp đan giỏ bằng dây nhựa và sợi lục bình. Ban đầu tưởng học cho vui, nhưng khi đan xong chiếc giỏ đầu tiên, bà Út được trả công 90.000 đồng nên thích lắm. Công việc cũng khá đơn giản, bà Út "rủ rê" thêm nhiều người gần nhà cùng đi học nghề rồi thành lập tổ hợp tác.

Bà cũng giúp đỡ nhiều phụ nữ tham gia mô hình. Tổ hiện có khoảng 50 người, hầu hết ở tuổi trung niên trở lên. Theo bà, ở nông thôn, phụ nữ lớn tuổi khó kiếm việc làm ổn định, ngoài đồng áng và chăm sóc nhà cửa. Có nghề đan giỏ, bình quân mỗi người kiếm thêm từ 80.000-120.000 đồng mỗi ngày, mức thu nhập "ổn" với mức sống ở nông thôn.

Tổ của bà Út chủ động liên kết với một cơ sở lớn ngoài chợ huyện. Cơ sở này sẽ cung cấp nguyên phụ liệu, kiểu dáng rồi lo khâu tiêu thụ. "Mấy tháng nay do ảnh hưởng dịch nên đơn hàng ít đi, chứ bình thường ngày nào nhà tui cũng nhộn nhịp người làm vui lắm" - bà Út nói.

Ở Kiên Giang, ngoài huyện Tân Hiệp có nghề đan giỏ nhựa, tại các huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Biên... còn có hàng chục tổ hợp tác đan ghế nhựa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu bằng cây lục bình. Tại xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận), từ một tổ hợp tác đan ghế nhựa ban đầu với vỏn vẹn 5 thành viên, đến nay đã hình thành cả một làng nghề với gần 400 lao động, làm ra gần 100.000 sản phẩm mỗi năm. Thu nhập bình quân của thành viên tham gia các tổ hợp tác đan ghế, đan giỏ dao động từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Bà Trần Thị Cẩm Vân (ngụ ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao) chia sẻ, bà tham gia tổ đan ghế nhựa ở địa phương từ năm 2016. Được coi là thợ "thâm niên" nhất, bà cũng từng được học nghề rồi sau đó chỉ lại hoặc giới thiệu cho những người trong xóm đi học. Bà Vân có hai người con trước đây phải rời quê đi làm ở tỉnh Bình Dương, nay cả hai đều đã trở về quê vừa chăm sóc con cái, làm ruộng, rồi tranh thủ đan lục bình cải thiện thu nhập.

Nhiều hỗ trợ cho người học nghề

Ông Võ Văn Hiền - trưởng phòng dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang - cho biết giai đoạn từ năm 2010-2019, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 109.000 người. Tỉ lệ lao động trong các ngành nghề giai đoạn này có sự chuyển dịch từ nông - lâm - thủy sản sang công nghiệp và dịch vụ.

Đào tạo 1,5 triệu lao động mỗi năm

Cũng theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay cả nước có khoảng 37,1 triệu LĐNT. Tỉ lệ thất nghiệp khoảng 69% và lao động đã qua đào tạo khoảng 24%. Con số này còn khá khiêm tốn, do đó bài toán tiếp tục nâng cao chất lượng lao động vẫn còn ở phía trước.

Định hướng từ năm 2021-2025, tổng cục sẽ xây dựng dự án "Đào tạo nghề, tạo việc làm cho LĐNT, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững" trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Một trong nhiều nội dung quan trọng là đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu LĐNT mỗi năm và khoảng 1 triệu lao động phổ thông được hỗ trợ đào tạo nghề.

Trong tổng số lao động được đào tạo nghề, có hơn 97.000 người tốt nghiệp (89,15%), số có việc làm khoảng 87.000 người (89,5%), được doanh nghiệp tuyển dụng khoảng 9.200 người, được bao tiêu sản phẩm 4.300 người. 

Đặc biệt, có hơn 1.100 người tự thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Từ đó họ tạo thêm cơ hội cho những LĐNT khác.

Ông Hiền cho biết thêm tỉnh còn có những sự hỗ trợ cho người LĐNT học nghề. Chẳng hạn, người khuyết tật được hỗ trợ mức tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học. 

Đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn nhận mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học...

Ngoài ra, LĐNT là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc... tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng còn được thêm nhiều hỗ trợ như: tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, hỗ trợ đi lại 200.000 đồng/người/khóa nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

80% số người được đào tạo có việc làm

Tháng 12-2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tổng kết Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT. Qua báo cáo của các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, những mục tiêu chính của đề án đã đạt được, đặc biệt là chỉ tiêu 1 triệu lao động qua đào tạo mỗi năm, và có việc làm khoảng 80%. Trong năm 2020, mục tiêu là đào tạo nghề các cấp trình độ cho 1,43 triệu LĐNT, trong đó 350.000 người học nghề nông nghiệp, 640.000 người học nghề phi nông nghiệp. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.

Dạy nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm Dạy nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm

TTO - Sáng nay 12-11, báo Tuổi Trẻ phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tọa đàm 'Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0?'.

KHOA NAM - TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên