Theo bạn Ngô Thùy Ngọc Tú (cựu sinh viên ĐH Stanford, Mỹ, từng tham gia nhiều hoạt động quốc tế như Hội nghị lãnh đạo trẻ toàn cầu, Mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á...), không nhất thiết phải đi nhiều quốc gia mới được gọi là công dân toàn cầu (global citizen).
Quan trọng là sự cởi mở trong suy nghĩ, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đa chiều từ đại diện các nền văn hóa khác nhau. Tất nhiên vốn ngoại ngữ và tri thức xã hội là không thể thiếu. Am hiểu tin tức thế giới, đi du lịch kết hợp làm thêm hoặc làm tình nguyện viên cho các hội thảo quốc tế, tìm cơ hội tham gia các khóa học ngắn hoặc dài hạn... đều giúp bạn trẻ nhích gần đến hình ảnh công dân toàn cầu.
Còn với bạn Tô Minh Ngọc (ĐH Kỹ thuật Auckland, New Zealand, từng học, du lịch và hoạt động ngoại khóa ở Mỹ, Canada, New Zealand, Pháp, Anh...), công dân toàn cầu không chỉ là người giỏi ngoại ngữ, có kiến thức xã hội rộng mà còn biết quan tâm, có trách nhiệm với quê hương và lợi ích quốc tế. công dân toàn cầu sẽ không phân biệt đối xử theo chủng tộc, màu da hay tôn giáo... và có khả năng thích ứng nhanh với những khó khăn ngoại cảnh khi đến vùng đất mới. Quan trọng nhất, công dân toàn cầu phải hiểu rõ về đất nước mình để có thể là một đại sứ văn hóa cho quốc gia mọi lúc, mọi nơi.
Việc trở thành công dân toàn cầu giúp người trẻ linh hoạt hơn, có vốn sống đa dạng, có điều kiện tích lũy kiến thức, kỹ năng sống không có trong sách vở. Để trở thành công dân toàn cầu, bạn trẻ nên bắt đầu bằng việc tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa hoặc đơn giản là vác balô du lịch nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận