23/07/2024 09:02 GMT+7

Làm sao để không còn tình trạng trì hoãn công việc?

AN CA
và 1 tác giả khác

Bộ Nội vụ đề xuất tạm đình chỉ công tác với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đó là một thông tin đáng chú ý, cũng là điều được mong chờ thay đổi nhanh hơn nữa.

Làm sao để không còn tình trạng trì hoãn công việc?- Ảnh 1.

Cán bộ công chức UBND quận Tân Phú (TP. HCM) giải quyết hồ sơ cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Đây chính là một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng rất nhiều công việc bị chậm trễ, kéo dài từ ngày này qua tháng khác mà báo chí đã phản ánh.

Thực tế này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân. Một, từ bản thân người thực hiện công việc cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Hai, nhiều khả năng từ chính việc giao việc không rõ ràng, chỉ đạo còn chung chung, hoặc vướng nhiều thứ mà chưa biết gỡ từ đâu nên cách tốt nhất là tìm cách trì hoãn, người được giao công việc không được sự hỗ trợ cần thiết để hoàn thành công việc.

Một nguyên nhân khác là chính người được giao thiếu động lực thực hiện công việc này. Người nhận công việc chưa thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của công việc được giao để sốt sắng giải quyết.

Chị Như Trang, nhân viên ở một ủy ban phường, đã nói: Một số trường hợp việc được giao không thể hoàn thành là vì quá nhiều việc khác chen ngang, việc nào cũng gấp, cũng quan trọng... dẫn tới tình trạng sự sắp xếp ưu tiên bị ảnh hưởng.

Hoặc có cả trường hợp tự thấy năng lực bản thân chưa đủ sức đáp ứng công việc được giao nên sẽ cố tình trì hoãn, ưu tiên chọn những việc khác để hoàn thành.

Ông Trần Trung Dũng cho rằng việc Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất này là rất đáng hoan nghênh, bởi việc trì hoãn các công việc sẽ dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực.

Ví dụ như sự lãng phí, những công việc bị kéo dài gây lãng phí thời gian hoặc là để giờ chót mới làm khiến công việc không đạt kết quả tốt mà dễ mang tính chất đối phó. Ngoài ra, việc này chậm trễ có thể khiến việc kia bị chậm trễ theo, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Khi một cá nhân trì hoãn công việc, những cá nhân khác vì thế cũng sẽ có tâm lý tương tự, nhất là khi những trường hợp trì hoãn công việc đó không bị chế tài, nhắc nhở.

Chị Như Trang chia sẻ: Việc đùn đẩy trách nhiệm cũng là điều thường thấy vì có những việc khi được giao còn chung chung, và khi không ai làm thì cũng có thể lấy lý do tại người nọ người kia.

Việc này dần thành một lề lối quan liêu trong làm việc và mọi người thỏa hiệp với điều đó.

Chị Trang cũng chỉ ra một thực tế: Những công việc mà thời hạn kéo dài sẽ thường là những việc bị trì hoãn nhất bởi tâm lý đến gần đó hẵng hay, và khi đến gần thời hạn phải xử lý, lại có những việc khác phát sinh.

Người ta thường có xu hướng ưu tiên những việc ngắn hạn hơn dài hạn, ưu tiên giải quyết những việc trước mắt hơn việc có tính lâu dài.

Bình luận về việc này, bà Thái Thu, hiện là giám đốc Học viện đào tạo 3T chia sẻ: Khi giao việc nên đặt mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Chia nhỏ tiến trình công việc với các mong đợi cụ thể ở từng giai đoạn.

Những sự trì hoãn công việc trong doanh nghiệp cũng tương tự như trong các đơn vị nhà nước. Các đơn vị nhà nước bên cạnh việc ra quy định chế tài, cũng có thể học hỏi cách các doanh nghiệp trong việc phân công công việc, ủy thác và tạo động lực trong công việc.

Cần tạo nên một môi trường không còn sự trì hoãn, né tránh trách nhiệm, trước tiên cần xây dựng một môi trường nói không với trì hoãn mà chính người đứng đầu phải làm gương.

Người giao việc cần thường xuyên kiểm tra tiến độ công việc cũng như hiểu được các khó khăn mà người nhận việc đang gặp phải để cùng tháo gỡ. Đặc biệt cần phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp trì hoãn, chây ỳ công việc, đùn đẩy trách nhiệm... để không lây lan thói hư này.

Đừng để sự trì trệ cản trở việc công

Cùng với các căn cứ tại Luật Cán bộ, công chức, trong dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất 5 trường hợp xem xét tạm đình chỉ công tác với công chức. Trong đó có các trường hợp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà trong quá trình thực thi công vụ; cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc được giao.

Có thể thấy, với đề xuất này, vấn đề đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm với việc công được nâng cao với hình thức xử lý là tạm đình chỉ công tác.

Tương tự việc này, các đơn vị doanh nghiệp tư nhân lâu nay làm nhanh gọn, dứt khoát. Nhân viên làm trễ tiến độ hay quản lý làm việc thiếu hiệu quả đều có thể bị chế tài hoặc sa thải. Quy định này giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm về sự năng động, hiệu quả ở từng vị trí công việc.

Trong công cuộc số hóa các loại thông tin và từng bước giải quyết công việc trên môi trường điện tử, cán bộ công chức sẽ phải thay đổi, không thể (vô tình hay cố ý) trì hoãn công việc hay làm khó công dân vì tư lợi hay vì thiếu trách nhiệm. Mọi việc đều có quy trình, ai xử lý việc gì đều thứ có thể lưu vết.

Những thiệt hại do chậm tiến độ việc công bao năm qua khó có thể thống kê hết. Cần lọc và xử lý những trường hợp "chậm vận động" trong bộ máy nhân sự ở cơ quan nhà nước.

Đất nước rất nhiều người tài giỏi. Đừng để những sự trì trệ như "cố tật" của một bộ phận thành cản ngại cho việc chung, gây khó cho công dân.

Ít ngày nữa, Luật Đất đai mới có hiệu lực, tôi bảy tỏ mong muốn đề xuất mới này sẽ đi vào thực tế sớm, nhất là ở lĩnh vực nhà đất.

Bộ Nội vụ đề xuất tạm đình chỉ công tác với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệmBộ Nội vụ đề xuất tạm đình chỉ công tác với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Cùng với các căn cứ tại Luật Cán bộ, công chức, trong dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất 5 trường hợp xem xét tạm đình chỉ công tác với công chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên