Do đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên bắt buộc phải lấy tên chồng cũ.
Tôi có gửi đơn đến tòa án xin xác nhận cha con giữa con tôi và ông K. để làm khai sinh lần đầu cho bé nhưng tòa án bắt buộc phải có giấy khai sinh của con, mà giấy khai sinh của con phải có tên chồng cũ.
Nay tôi với ông K. đã kết hôn. Tòa án có thể xác nhận cha con khi trẻ chưa có giấy khai sinh, để tôi có thể đăng ký khai sinh cho con lấy tên tôi và ông K. được không?
- Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Mặc dù thực tế đứa trẻ là con riêng giữa bạn với ông K. nhưng đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên vẫn là con chung bạn và người chồng trước.
Do vậy, thủ tục khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân không khác gì thủ tục khai sinh thông thường. Họ, chữ đệm, tên của người chồng sẽ được ghi vào giấy khai sinh ở mục họ, chữ đệm, tên người cha.
Tuy nhiên, vẫn có cách để bạn đăng ký khai sinh cho trẻ mà thể hiện được tên cha mẹ trong giấy khai sinh là tên bạn và ông K.
Theo khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình.
Do đó, sau khi hoàn tất việc khai sinh cho trẻ mang tên bạn và chồng cũ, ông K. có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án (nơi ông K. thường trú hoặc tạm trú) xác định đứa con sinh ra là con mình.
Quy định tại khoản b Điều 5 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn về chứng cứ chứng minh cha con như sau: Khi có người yêu cầu tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ. Do đó, về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gene.
Sau khi có quyết định về việc yêu cầu công nhận cha cho con của tòa án, bạn và ông K. tiến hành yêu cầu thay đổi hộ tịch tại UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây theo quy định tại Điều 27 Luật Hộ tịch 2014.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận