16/09/2022 15:00 GMT+7

Làm sao để bảo vệ người suy giảm miễn dịch trước COVID-19?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - V2K (vắc xin, khẩu trang và khử khuẩn) là biện pháp phòng dịch bệnh COVID-19 được Bộ Y tế khuyến cáo. Tuy nhiên với những người không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với vắc xin COVID-19 thì cần làm gì để có thể phòng bệnh?

Làm sao để bảo vệ người suy giảm miễn dịch trước COVID-19? - Ảnh 1.

Khẩu trang và khử khuẩn rất quan trọng trong thời điểm hiện nay và cũng như trong thời gian tới để phòng chống COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Không phải tất cả mọi người đều đã được vắc xin bảo vệ

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, GS.TS.BS Phạm Văn Bùi, chủ tịch Hội Thận - Lọc máu TP.HCM, cho rằng bên cạnh tuân thủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều, đúng thời hạn thì khẩu trang và khử khuẩn rất quan trọng trong thời điểm hiện nay và cũng như trong thời gian tới.

"Đây cũng là khuyến cáo của thế giới. Hiện nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ... đã yêu cầu người dân mang khẩu trang trở lại. Khẩu trang cực kỳ quan trọng bởi vì thời điểm hiện nay không còn cách ly nữa, người dân đi lại, tiếp xúc bình thường", GS Bùi nhấn mạnh.

Theo GS Bùi, vắc xin ngừa COVID-19 có hiệu quả, đáp ứng trên hầu hết mọi người trong độ tuổi tiêm chủng. 

Tuy nhiên ở những nhóm người thuộc đối tượng nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch như: bệnh nhân ung thư đang dùng thuốc hóa trị, người mắc các bệnh lý liên quan miễn dịch (lupus ban đỏ...), người dùng thuốc ức chế miễn dịch, người ghép tạng hoặc người không thể tiêm vắc xin vì lý do khác... thì cơ thể họ thường không đáp ứng được hoặc đáp ứng kém với vắc xin ngừa COVID-19. Khi họ nhiễm vi rút thì sẽ có nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc dẫn đến tử vong cao hơn.

Vì vậy nên dù nhóm người bị suy giảm miễn dịch chỉ chiếm 2% dân số người trưởng thành nhưng chiếm đến hơn 40% ca nhập viện do COVID-19 dù đã tiêm vắc xin đầy đủ, theo ghi nhận tại Mỹ. 

Dù đã tiêm vắc xin nhưng người suy giảm miễn dịch vẫn đối mặt với nguy cơ nhập viện, bệnh trở nặng, phải dùng đến thuốc vận mạch, và nguy cơ tử vong đều cao gấp nhiều lần so với người bình thường.

Để những đối tượng nêu trên có thể dự phòng COVID-19 dù không thể tiêm được vắc xin hoặc có đáp ứng miễn dịch kém, thì kháng thể đơn dòng có thể giải quyết được "bài toán" này. 

Với những đặc tính chuyên biệt và là kháng thể được tổng hợp sẵn trong phòng thí nghiệm rồi tiêm trực tiếp vào cơ thể (theo cơ chế miễn dịch thụ động), nên chúng sẽ có hiệu quả nhanh, thường sau khoảng 6 tiếng. 

Trong khi đó, đối với vắc xin thì cần nhiều thời gian hơn, khoảng 1 - 2 tuần, để cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại vi rút.

Tương tự, TS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên là giảng viên khoa vi sinh ĐH Y dược TP.HCM - cho hay, đối với những người suy giảm miễn dịch, không thể tiêm vắc xin COVID-19 thì vẫn còn phương án khác là tiêm kháng thể đơn dòng để có kháng thể chống lại vi rút. 

Kháng thể đơn dòng này có hiệu quả nhanh chóng và đã được cấp phép lưu hành nhưng có chi phí khá cao do quy trình sản xuất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. 

"Loại này chỉ cần cho những người có hệ thống miễn dịch kém, chứ người trong độ tuổi tiêm chủng, có đáp ứng với vắc xin phòng COVID-19 thì không cần thiết" - TS Hùng Vân chia sẻ.

Lá chắn miễn dịch cho người suy giảm miễn dịch

"Chia sẻ rõ hơn về kháng thể đơn dòng, GS Bùi cho biết đến nay có nhiều nghiên cứu và nhiều kháng thể đơn dòng khác nhau, chủ yếu cho điều trị, nhưng cũng được sử dụng cho dự phòng bệnh nhằm bổ sung cho vắc xin. Chẳng hạn, hiện trên thế giới có bộ đôi kháng thể đơn dòng phòng ngừa COVID-19 là Tixagevimab/Cilgavimab, đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận và cấp phép sử dụng. Tại nước ta cũng có kháng thể đơn dòng được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Nhìn chung, việc sử dụng kháng thể đơn dòng sẽ do bác sĩ đánh giá và chỉ định".

Làm sao để bảo vệ người suy giảm miễn dịch trước COVID-19? - Ảnh 2.

Vắc xin ngừa COVID-19 có hiệu quả, đáp ứng ở hầu hết mọi người trong độ tuổi tiêm chủng. Tuy nhiên ở những nhóm người thuộc đối tượng nguy cơ cao thì cơ thể họ thường không đáp ứng được hoặc đáp ứng kém với vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bên cạnh có hiệu quả trong phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cho những người suy giảm miễn dịch, kháng thể đơn dòng còn hỗ trợ trong việc điều trị những bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Một bác sĩ từng điều trị những bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện dã chiến số 13 tại TP.HCM (đã ngừng hoạt động) cho hay trong phác đồ Bộ Y tế có đề cập đến kháng thể đơn dòng. Chúng được chỉ định cho những bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình khi bệnh khởi phát dưới 10 ngày (bamlanivimab, etesivimab) và cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, khởi phát dưới 3 ngày (Tocillizumab). 

"Tuy nhiên việc chỉ định sử dụng kháng thể đơn dòng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nước ta còn rất hạn chế", bác sĩ này cho biết thêm.

Vào tháng 10-2021 - thời điểm đỉnh dịch COVID-19 tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có đưa ra khuyến nghị về phương pháp điều trị COVID-19 bằng thuốc, bao gồm các kháng thể đơn dòng.

WHO khuyến nghị có điều kiện việc sử dụng kháng thể đơn dòng (casirivimab và imdevimab) để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng hoặc nghiêm trọng.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên