Người dân xem tranh được ký tên tác giả Nguyễn Tư Nghiêm ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu - Ảnh: Hữu Khoa |
Vài năm gần đây các bảo tàng Việt Nam có thêm hoạt động cho thuê địa điểm để tổ chức trưng bày các sưu tập tranh hoặc tranh của những họa sĩ mới sáng tác. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập cần nói từ những cuộc trưng bày này.
Việc tăng cường công năng và thu nhập cho bảo tàng là điều đáng khen ngợi. Bảo tàng Việt Nam trước đây luôn nằm trong tình trạng vắng khách tham quan đến thê thảm trong khi chi phí để bảo trì và hoạt động là một khoản không nhỏ hằng năm lấy từ ngân sách.
Tiền thuế của nhân dân đã không được quay lại phục vụ nhân dân. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là việc sưu tầm, trưng bày còn khá nhiều hạn chế. Đồ thật bày lẫn với đồ phục chế, thậm chí đồ giả.
Con dấu “củ khoai”
Thời kỳ chiến tranh phá hoại trên miền Bắc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có sáng kiến sao chép lại tranh tượng để mang ra trưng bày nhằm hạn chế thiệt hại đến bản chính do bom đạn.
Hàng loạt họa sĩ danh tiếng còn sống có tranh tượng trưng bày trong bảo tàng được đặt hàng làm lại tác phẩm của mình. Với những họa sĩ quá cố đành phải thuê người khác chép lại.
Những tưởng đó là công việc của thời chiến mà không phải. Sau năm 1975 người ta vẫn tiếp tục rầm rộ cho đến gần đây mới chấm dứt.
Họa sĩ tự chép lại tác phẩm của mình là không có gì sai. Thế giới cũng nhiều nơi làm như vậy, chỉ khác ta ở chỗ trong tấm biển khắc đồng treo cạnh bức tranh người ta ghi rõ năm sáng tác để phân biệt nó với bản chính, hoặc kích thước đã được thay đổi cho khác với bản chính.
Tất nhiên, với con mắt nhà nghề, người xem có thể thấy rõ bản chép lại (phó bản) không bao giờ có thể so với bản chính dù là cùng một người vẽ.
Vật liệu khác, kích thước khác, sức khỏe khác và quan trọng nhất là cảm xúc hiện ra dưới từng nhát bút là điều khó lòng sao chép lại.
Bảo tàng Việt Nam không làm thế. Nghiễm nhiên người ta cho khán giả xem những Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân hay Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh mà không hề có một chú thích cho những tác phẩm sao chép này.
Và cũng nghiễm nhiên, người xem luôn tin tưởng tuyệt đối vào những thứ trưng bày đã được dán nhãn hiệu bảo tàng. Một thứ con dấu “củ khoai” ảo mà tác dụng còn lớn hơn cả con dấu thật.
Không khó lắm để suy luận ra động cơ của việc vì sao người ta thích bày sưu tập của mình ở những bảo tàng nhà nước như thế.
Trong khi những địa điểm trưng bày khác trên cả nước là nhiều, rất nhiều, và đẹp hơn, hiện đại hơn, giá thuê mặt bằng cũng rẻ hơn. Nhưng người thuê nắm chắc đặc điểm tâm lý tin cậy của đám đông khán giả, thứ không thể mua được bằng tiền ở vị trí khác.
Tranh sơn mài Nét duyên dáng được xem là của Dương Bích Liên tại triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh Hữu Khoa. |
Thiệt hại không nhỏ về tài chính
Người thuê địa điểm trưng bày nắm được tâm lý ấy nhưng bảo tàng thì lại không nắm được tâm lý người thuê. Thế nên sinh chuyện.
Mà không phải lần đầu Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM gặp chuyện rắc rối như ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu. Ta có thể nhớ lại bộ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont (Thái Lan) lần trước được bày cũng ở địa điểm này.
Đã có vài bức tranh giả của họa sĩ Bùi Xuân Phái được công chúng và gia đình họa sĩ phát hiện. Lần này công chúng yêu mỹ thuật cả nước đã nhận được lời xin lỗi đầu tiên của những người phụ trách bảo tàng sau khi nhóm họp được một hội đồng mỹ thuật gồm đương sự bị làm giả chữ ký trên tranh, Cục Mỹ thuật và nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Quy trình này không sai nhưng hơi bị ngược. Tức là có chuyện rồi mới lập hội đồng thẩm định!
Và điều này gây ra thiệt hại không nhỏ về tài chính cho bảo tàng vì việc hội đồng này nhóm họp chắc chắn không có trong điều khoản nào của hợp đồng cho thuê địa điểm.
Trưng bày tác phẩm xuất sắc cho công chúng xem là trách nhiệm và vinh dự của bảo tàng. Tuy nhiên, nếu nắm được tâm lý của người sưu tập thì câu chuyện sẽ diễn ra rất khác.
Chẳng khó khăn gì khi giá tiền cho thuê trưng bày sưu tập được cộng thêm vào một khoản dành để tổ chức hội đồng thẩm định. Phải kiên quyết với những người thuê địa điểm và giải thích cho họ hiểu được tiền ấy không phải bảo tàng được hưởng, có như thế mới giữ được uy tín lâu dài của bảo tàng.
Và như vậy bảo tàng sẽ là địa điểm luôn được thèm muốn khát khao.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM gửi lời xin lỗi Theo chia sẻ của ông Trịnh Xuân Yên - phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu sẽ tiếp tục mở cửa đến ngày 21-7 theo đúng thời gian ban đầu khi mở cửa triển lãm. Trong bản thông cáo gửi đến các báo sau cuộc họp vào sáng 19-7 tại TP.HCM với các chuyên gia đầu ngành về mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng ghi rõ: “Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm diễn ra tại bảo tàng khi các thông tin chưa đủ tính xác thực”. Ngoài ra, phía bảo tàng cũng cho biết sau khi triển lãm đóng cửa, bảo tàng sẽ tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận cho vấn đề này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận