Bị cáo Phạm Công Danh sau phiên tòa - Ảnh: GIA MINH |
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc chi nhánh VNCB Sài Gòn) khẳng định nhóm bà Bích là khách hàng lớn, giao dịch nhiều lần nên khi được anh Tuấn (nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát) đề nghị cho nợ chứng từ giao dịch thì Khương đồng ý.
Vi phạm pháp luật
Bà Bích gửi tiền vào, ngay sau đó đề nghị vay nên phải giữ lại sổ tiết kiệm nhằm phong tỏa, thế chấp cho khoản vay.
Toàn bộ quá trình giao dịch vay tiền đều do ông Tuấn thực hiện, bà Bích không có mặt. Việc chuyển tiền khỏi tài khoản của bà Bích cũng do ông Tuấn yêu cầu thực hiện.
Các giao dịch này đều có chứng từ kèm theo, nhưng vì là khách hàng lớn, thường xuyên nên bị cáo Khương tin tưởng, chỉ đạo phòng kế toán cho nợ chứng từ.
Do đó, nói giao dịch không có chứng từ là không chính xác, mà có chứng từ, chỉ nợ chữ ký, chờ nhóm bà Bích ký, bàn giao lại nhưng sau đó không bàn giao.
Bản thân bị cáo Khương, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) và bị cáo Phạm Công Danh đã tới tận trụ sở công ty của bà Bích tại Bình Dương để yêu cầu trả lại chứng từ.
Ông Trần Quý Thanh đã khẳng định chứng từ giao dịch của ngân hàng phải trả cho ngân hàng, nếu không trả là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, phía bà Bích vẫn không trả.
Không đồng tình với trình bày của bị cáo Khương, ông Tuấn khẳng định ông không có quyền để yêu cầu thực hiện việc chuyển tiền trong tài khoản của người khác. Do đó, không thể nói ông yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản của nhóm bà Bích đi được.
Người đại diện theo ủy quyền của nhóm bà Trần Ngọc Bích khẳng định tất cả các giao dịch giữa nhóm bà Bích và VNCB đều có mặt tại ngân hàng theo quy định.
Giao dịch nào cũng phải có chứng từ chứ không có việc không có mặt như trình bày của các bị cáo. Người đại diện theo ủy quyền của nhóm bà Bích cũng cho rằng ý định vay tiền là có, nhưng cần phân biệt rõ ý định vay tiền và việc có vay tiền là khác nhau, không thể nhập nhằng.
Theo người đại diện này, số tiền của nhóm bà Bích vay hơn 5.000 tỉ đồng để trong tài khoản, không có chứng từ yêu cầu chuyển khỏi tài khoản mà ngân hàng tự ý chuyển đi nên ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) phản bác lại người đại diện của nhóm bà Trần Ngọc Bích: “Đại diện cho nhóm bà Bích trình bày không chính xác. Trong suốt quá trình giao dịch, bà Bích chỉ một lần có mặt. Sau đó, toàn bộ chứng từ và giao dịch đều thông qua ông Tuấn. Thời điểm bị cáo bị bắt, chứng từ bà Bích vẫn chưa trả. Sau khi biết bị cáo bị bắt mới trả chứng từ, có ký giao nhận, thể hiện trong hồ sơ vụ án nên khẳng định người đại diện trả lời sai”.
Đồng quan điểm của bị cáo Quyết, bị cáo Mai Hữu Khương cũng khẳng định việc nợ chứng từ của bà Bích và sau đó đòi không trả.
Theo lời bị cáo Quyết, việc cho nợ chứng từ giao dịch là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy mà bị cáo chỉ báo cáo miệng với những người có trách nhiệm chứ không có văn bản.
"Trong nhiều lần tới đòi chứng từ, chúng tôi đã nói việc nợ nần giữa anh Danh và bà Bích là chuyện khác, không thể lợi dụng việc nợ chứng từ để “đá” rủi ro cho ngân hàng. Chính vì bà Bích không trả, bị cáo cho nợ chứng từ mà bị truy tố hôm nay” - bí cáo Quyết nói.
Lòng vòng tiền trả lãi ngoài
Cũng trong phần xét hỏi sáng 11-8, luật sư và HĐXX đã hỏi các bị cáo và những người có liên quan về nguồn tiền, bằng chứng của việc trả lãi ngoài cho nhóm bà Bích. Theo lời khai của các bị cáo và người có liên quan, khoản tiền trả lãi ngoài này là hơn 2.700 tỉ đồng.
Theo luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nhóm bà Bích, có rất nhiều khúc mắc trong việc các bị cáo và người liên quan khai đã chi trả lãi ngoài cho nhóm bà Bích.
Theo vị luật sư này, thời điểm có giao dịch gửi tiết kiệm và thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại, nếu phía VNCB còn phải chi trả lãi suất ngoài thì số tiền phải lên tới 6.200 tỉ đồng chứ không chỉ là 2.700 tỉ đồng. Thêm vào đó, nếu nói trả lãi suất ngoài thì phía ngân hàng chịu thiệt thòi rất nhiều, vì sao phía VNCB lại làm như vậy?
Ngoài ra, vị luật sư này hỏi bà Nguyễn Thị Thu Hương - nhân viên kế toán tập đoàn Thiên Thanh về nguồn tiền bà Hương khai ông Danh đưa để trả cho nhóm bà Bích từ đâu, có cơ sở nào để nói đó là tiền trả lãi ngoài?
Bà Hương từ chối trả lời hầu hết câu hỏi của luật sư. Riêng việc vì sao biết đó là tiền trả lãi ngoài, bà Hương nói nghe các thành viên nguyên là lãnh đạo VNCB báo nên biết.
Một nội dung quan trọng, gây căng thẳng trong phần chất vấn được lặp đi lặp lại nhiều lần là trong các chứng từ giao nhận tiền giữa bà Hương và nhóm bà Ngọc Bích có phần ghi chú sau khi hai bên giao dịch, ký tên.
Phần chi chú đó có nội dung ghi thêm là “tiền lãi”, theo trình bày của bà Hương là: “Để lưu hồ sơ và xác định rõ đó là tiền gì”.
Luật sư hỏi lại: “Vì sao không ghi rõ đó là tiền lãi trước hoặc trong lúc giao nhận tiền, mà lại ghi sau khi giao nhận? Và vì sao không giao cho cơ quan điều tra khi được triệu tập lấy lời khai, mà sau đó tự ý ghi thêm chữ “tiền lãi” rồi nộp tại phiên tòa?” - bà Hương từ chối trả lời.
Luật sư bảo vệ cho nhóm bà Bích trích dẫn các bút lục, hồ sơ trong vụ án khẳng định trước đó, tại cơ quan điều tra, bà Hương khai nhận không biết tiền đó là tiền gì. Nhưng sau đó, lại ghi chú vào 31 chứng từ giao nhận tiền, trong đó có cả các chứng từ của người khác thực hiện là “tiền lãi”, luật sư đề nghị HĐXX xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận