20/04/2013 04:56 GMT+7

Làm người tốt dễ hay khó?

NGÔ THỊ MAI
NGÔ THỊ MAI

TT - Ngay từ nhỏ, vợ chồng tôi luôn chú trọng việc giáo dục chữ “lễ” cho con. Kết quả bước đầu chúng tôi thu được là việc cháu luôn lễ phép khi tiếp xúc với người lớn, chào hỏi mỗi khi gặp ai đó, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè và các em nhỏ tuổi hơn...

Cứ mỗi lần bắt gặp một em bé, cụ già hay người tật nguyền nào đó đi ăn xin hoặc bán vé số dạo, cháu lại năn nỉ xin tôi một ít tiền lẻ để giúp đỡ hoặc mua ủng hộ họ. Nếu vì một lý do nào đó không giúp đỡ được họ thì hôm đó con tôi chẳng vui chút nào.

Vừa rồi, sau khi tan trường, trong lúc đứng chờ tôi đến đón, con tôi có đưa một bạn học chung lớp băng sang đường. Sau khi dẫn bạn qua đường xong, trên đường quay trở lại vị trí cũ để chờ tôi thì không may cháu bị xe tông. Cú va chạm làm cho người điều khiển xe và con tôi té xuống, cả hai đều bị trầy xước ở tay, chân. Mặc dù bị đau nhưng cháu vẫn luôn hỏi: “Chú ơi, chú có sao không?” và tuy hậu quả không nghiêm trọng lắm nhưng con tôi cũng phải nẹp chân mấy tuần mới khỏi.

Trước đó mấy ngày, cũng vào lúc tan trường, con tôi bị một phụ nữ chạy xe ẩu, quàng tay lái vào quai balô kéo đi một đoạn. Rất đông phụ huynh đứng đợi đón con nhưng cũng chỉ có một phụ nữ đến đỡ con tôi dậy, hỏi han và giữ người chạy xe ẩu đó lại. Tuy nhiên, với thái độ ngoan cố và những hành vi, lời nói thiếu lịch sự của người chạy xe ẩu, kết quả người phụ nữ tốt bụng đó cũng phải để cho cô ta đi trước khi tôi có mặt. Từ những câu chuyện của con tôi, có thể nhận thấy: việc hình thành thói quen làm việc tốt ở trẻ không phải dễ dàng và cũng không thể suy diễn theo logic “nhỏ làm những việc tốt, việc có ích thì lớn lên các cháu cũng sẽ như vậy!”, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tâm sinh lý lứa tuổi, môi trường hoạt động, kết quả và đôi khi là “hậu quả” do chính những việc đó mang lại.

Giúp đỡ người khác trong các tình huống khó khăn cụ thể là việc tốt, nhưng việc tốt không chỉ đơn thuần là giúp đỡ người khác mà trong cuộc sống, có rất nhiều việc tốt cho cộng đồng cần sự góp sức từ những hành động cá nhân đơn lẻ. Nếu chúng ta có thói quen xả rác đúng chỗ, đúng quy định tức là góp phần vào việc bảo vệ môi trường; có những hành vi, hành động trong đối nhân xử thế, giúp đỡ nhau trong khó khăn... là những việc góp phần làm cho môi trường văn hóa, tinh thần nhân văn của con người được phát huy. Chính vì vậy, việc hình thành thói quen làm việc tốt cho con trẻ là điều không đơn giản.

Tôi từng chứng kiến cảnh một số phụ huynh la mắng, cáu gắt con mình bằng những ngôn từ không được thuận tai cho lắm như “lăng xăng”, “ai mượn con đâu mà con làm”... khi con họ làm hoặc có ý định làm việc tốt.

Sau những sự việc nói trên của con tôi, hầu như mọi người đều khuyên con tôi theo hướng “không nên” làm những việc đại loại như thế vì có thể sẽ vô tình đem lại hậu quả cho cháu. Riêng vợ chồng tôi, tuy cũng xót con và có phần dao động về mặt tâm lý, nhưng chúng tôi không hề nao núng, quở trách cháu. Ngược lại, chúng tôi còn khuyến khích, động viên cháu ra sức làm những việc tốt nếu thấy việc đó là cần thiết, có ích và đem lại niềm vui. Chúng tôi không quên nhắc nhở cháu cẩn trọng hơn trong mọi việc tương tự để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với mình. Thông điệp chúng tôi gửi đến cho con là “ba mẹ luôn ủng hộ con, luôn đồng hành cùng con” trong các việc tốt, việc có ích cho chính mình, cho những người xung quanh và cho tập thể, cộng đồng...

NGÔ THỊ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên