Người dân khu phố 2, P.10 (Q.5, TP.HCM) quét rác, don dẹp đường phố mỗi ngày - Ảnh: N.PHONG |
Nhiều cán bộ thực thi pháp luật kêu rằng khó thực hiện việc xử phạt, quy định kém khả thi.
Thế nhưng cũng có nơi tự thân người dân làm được, tạo nên những khu phố xanh - sạch - đẹp. Nhưng quan trọng hơn cả là đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi: “Phạt ai? Ai phạt?”. Bởi, người vi phạm quá nhiều, còn lực lượng đi phạt thì lại quá ít.
Nếu tiểu tiện nơi công cộng, chúng tôi yêu cầu người vi phạm phải tìm nước giội sạch nơi đó. Với hành vi xả rác, ngoài đóng phạt còn phải dọn sạch rác |
Ông TRƯƠNG QUAN TIẾN (phó chủ tịch UBND P.6, Q.5, TP.HCM) |
15 phút quét rác mỗi ngày
Nhiều năm qua, trên địa bàn TP.HCM có một số khu phố áp dụng thành công mô hình “Khu phố không rác”. Như khu phố 2, P.10 (Q.5) sáu năm liền đạt danh hiệu “khu phố không rác”.
Trên các con đường Phan Phú Tiên, Trần Hưng Đạo, Tân Hàng... thuộc khu phố, hầu như không thấy rác thải bừa bãi.
Ông Nguyễn Anh Phong, trưởng ban vận động khu phố 2, cho biết: “Từ khi phường triển khai mô hình xuống khu phố, chúng tôi phổ biến đến từng hộ dân để họ hiểu rằng vệ sinh môi trường là để bảo vệ sức khỏe của chính họ”.
Khu phố có những chương trình như quét rác 15 phút mỗi ngày (mỗi hộ dành ra 15 phút quét dọn rác trước nhà mỗi ngày), một nhà biết ba nhà (nếu nhà bên cạnh đi vắng thì nhà kế bên sẽ quét rác giúp).
“Phải tạo ra ý thức tự dọn dẹp rác thải chứ không phải chỉ sạch khi có đoàn kiểm tra. Mỗi 3 tháng khu phố đều họp tổng kết, biểu dương các hộ thực hiện tốt. Ai chưa tốt thì nhắc nhở” - ông Phong nói.
Rác vung vãi tại Quảng trường Lâm Viên (nằm bên hồ Xuân Hương, Đà Lạt) sau khi du khách rời đi - Ảnh: facebook dalattrongtoi |
Tương tự, khu phố 4, P.6 (Q.5) cũng là một trong những địa bàn thí điểm mô hình “Khu phố không rác”, nhiều năm liền cũng giữ được vẻ sạch sẽ, thông thoáng.
Ông Trương Nhuận Tòng, tổ trưởng dân phố 32 thuộc khu phố 4, cho biết ban đầu việc phổ biến mô hình “Khu phố không rác” cũng gặp một số khó khăn.
“Lúc đó người dân cũng chưa ý thức được về tác hại của việc để rác bừa bãi. Chúng tôi phải nhắc nhở thường xuyên, giải thích cặn kẽ cho từng hộ về việc giữ vệ sinh nơi ở. Thông tin về việc không xả rác còn được dán rất nhiều ở bảng tin khu phố” - ông Tòng nói.
Còn bà Nguyễn Thị Lệ, trưởng ban vận động khu phố 4, chia sẻ mô hình “Khu phố không rác” được thực hiện từ năm 2009.
“Hiểu đơn giản mô hình này là người dân không để rác trước cửa nhà. Mỗi hộ phải thống nhất với người thu gom rác lấy rác đúng giờ, đúng quy định. Cụ thể là 8h sáng mỗi ngày người dân phải bỏ túi rác ra trước cửa nhà”.
Sau khi phổ biến mô hình, ý thức người dân ở khu phố tăng rõ rệt, không còn cảnh bỏ rác bừa bãi.
Để đạt được “khu phố không rác”, ngoài việc vận động nhằm tăng ý thức người dân, mỗi năm “lãnh đạo” các khu phố trên đều yêu cầu người dân ký cam kết không xả rác, không để rác bừa bãi. Nếu vi phạm, khu phố sẽ áp dụng những biện pháp từ nhắc nhở đến phạt hành chính tùy mức độ.
“Từ đó người dân sẽ có ý thức hơn, thấy nhà khác sạch mà nhà mình dơ thì cũng xấu hổ” - ông Phong cho biết.
Trong việc giữ cho khu phố sạch đẹp, các cán bộ ở đây còn quan tâm tới cả hành vi của khách vãng lai như xả rác, làm mất vệ sinh công cộng.
Ông Trương Quan Tiến, phó chủ tịch UBND P.6 (Q.5), cho biết ngoài thưởng nóng cho lực lượng phát hiện, xử phạt khách vãng lai vi phạm, ông còn yêu cầu người bị phạt phải khắc phục hậu quả.
“Nếu tiểu tiện nơi công cộng, chúng tôi yêu cầu người vi phạm phải tìm nước giội sạch nơi đó. Với hành vi xả rác, ngoài đóng phạt còn phải dọn sạch rác. Nếu không chấp hành đóng phạt, chúng tôi yêu cầu dọn rác ở những điểm có rác bừa bãi. Không thực hiện thì chúng tôi tạm giữ phương tiện...” - ông Tiến nói.
Nhiều nơi than khó
Nhưng những khu phố sạch đẹp trên còn rất hiếm hoi.
Trái ngược với hình ảnh xanh, sạch, văn minh tại các khu phố trên, tại khu vực cầu bắc ngang rạch Xuyên Tâm nối P.2 và P.15 (Q.Bình Thạnh) vẫn còn tình trạng lén lút bỏ rác thải xuống kênh.
Ông Võ Văn Ba, trưởng khu phố 2, P.15, cho biết dù phường và tổ dân phố đã nhiều lần tuyên truyền vận động nhưng việc người dân vô ý thức vẫn bỏ rác bừa bãi.
“Chúng tôi không thể hằng ngày ngồi canh tại các điểm nóng được nên việc này phải dựa vào ý thức người dân. Tôi nghĩ nên thực hiện việc xử phạt thật nặng đối với một vài trường hợp nhằm răn đe những người dân khác thì tình trạng này mới mong giảm xuống” - ông Ba nói.
Khi được hỏi về các quy định và trách nhiệm xử phạt được giao về phường như vậy có thuận tiện, một phó chủ tịch phường ở Q.1 cho rằng không đủ lực lượng để thực thi.
“Với việc giao cho UBND phường (xã) và công an phường (xã) trực tiếp xử lý các hành vi nêu trên, tôi cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là về lực lượng xử lý và trang thiết bị quay phim, chụp ảnh” - vị cán bộ nói.
Rồi ông cũng phân bua: Quá trình xử lý các hành vi này khá phức tạp. Đối với người buôn bán xả rác còn dễ vì hiện trường họ không xử lý kịp, còn hút thuốc họ chỉ búng nhẹ, thậm chí búng ngay trước mặt mình, nếu không ghi lại hình ảnh hành vi này làm bằng chứng thì họ sẽ chối, rất khó để xử lý.
Còn đối với những trường hợp tiểu bậy do say xỉn khi xử lý họ cự cãi, không xuất trình giấy tờ thì cán bộ phường cũng bó tay.
Trường hợp này buộc phải có cán bộ công an đi theo mới có đủ thẩm quyền yêu cầu họ làm việc. Chưa kể nhiều trường hợp làm không khéo rất dễ phát sinh những vụ kiện tụng không đáng có.
Riêng đối với trách nhiệm xử lý của công an, trung tá Phạm Văn Dương - trưởng Công an P.13 (Q.3) - cho rằng việc xử phạt những hành vi trên cần giao cho một lực lượng chuyên biệt để tập trung xử thì mới mong thực hiện được. Bởi theo trung tá Dương, lực lượng công an do bị chi phối nhiều việc đặc thù nên có thể về hiệu quả công việc sẽ có phần hạn chế.
“Theo tôi, ngoài việc xử phạt để răn đe thì phương pháp tuyên truyền là hiệu quả nhất. Chủ trương tuyên truyền cần phải có, tuy nhiên phương pháp tuyên truyền phải làm sao “thấm” cho một đại bộ phận người dân từ đó thay đổi thói quen xấu của họ, để làm sao họ tự thấy xấu hổ mỗi khi vứt rác, tiểu bậy...” - trung tá Dương đề xuất.
Thừa nhận địa phương còn lúng túng trong việc xử lý những sai phạm đối với các quy định trên, ông Trần Văn Dũng - phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức - cũng cho rằng thời gian vừa qua Q.Thủ Đức chưa biết triển khai các quy định xử phạt như thế nào.
Theo ông Dũng, nguyên nhân lớn nhất để chưa triển khai được các quy định trên là do lực lượng thực thi còn mỏng, thiếu.
“Thẩm quyền xử phạt ngoài thanh tra chuyên ngành còn có chủ tịch UBND các cấp... Tuy nhiên ở cấp độ quận, cán bộ chuyên về môi trường chỉ có 4 người phải đảm trách lĩnh vực môi trường rất rộng không riêng gì các hành vi xả rác, tiểu tiện bừa bãi... nên rất khó đáp ứng nhu cầu kiểm soát tốt vấn đề này.
Cái khó thứ hai là trong vấn đề đôn đốc việc xử phạt. Ví dụ khi lập biên bản vi phạm hành chính việc vứt rác nơi công cộng, đối với người dân cư ngụ tại địa phương còn tiến hành xử phạt được, còn trường hợp người dân vãng lai thì rất khó để họ trở lại đóng phạt” - ông Dũng nói.
Chú trọng yếu tố nhân sự phụ trách Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), nghị định 155/2016 có mức chế tài cao hơn quy định cũ. Tuy nhiên để nghị định này đi vào thực tiễn, cần tăng cường đội ngũ cán bộ phụ trách và trang thiết bị phục vụ việc phát hiện và xử phạt hành vi làm mất vệ sinh nơi công cộng. Trong các giải pháp, yếu tố nhân sự phụ trách sẽ là yếu tố giúp luật được thực tiễn hóa. Khi phát hiện vi phạm, người phụ trách cần làm rõ vấn đề và có quyết định xử phạt kịp thời, giúp việc thực thi pháp luật hiệu quả hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận