26/02/2016 08:03 GMT+7

Làm hết sức vì mong đợi của người bệnh

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Người dân mong đợi gì ở ngành y tế TP.HCM? Ngành y tế TP sẽ làm gì, mỗi cơ sở y tế, mỗi cán bộ y tế cần làm gì để biến mong đợi của người dân thành hiện thực?

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết:
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: "Sản phụ có người vẫn phải nằm hành lang, nằm ghế bố. Tôi thật sự rất đau lòng" - Ảnh: Duyên Phan

“Không hẳn cứ gặp bệnh nhân là phải cười. Cười mà không thương yêu người bệnh, nụ cười cũng vô nghĩa. Chỉ cần một lời thăm hỏi, cử chỉ chăm sóc, thái độ thông cảm, người bệnh sẽ hài lòng hơn

Bác sĩ TRƯƠNG XUÂN LIỄU

Sau đây là ý kiến của các bác sĩ chia sẻ tại tọa đàm “Mong đợi của người dân với ngành y tế TP.HCM” do báo Tuổi Trẻ tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc VN 27-2.

Đau lòng với bệnh nhân nằm hành lang

Bác sĩ Phan Thanh Hải - chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM - khẳng định mong đợi, tâm tư của người dân với ngành y tế TP.HCM là muốn gặp được bác sĩ giỏi, muốn bác sĩ phải giỏi. Để có bác sĩ giỏi, bác sĩ Hải đề nghị hệ thống tổ chức, đào tạo bác sĩ phải rõ ràng, chuẩn hóa chứ không để vàng thau lẫn lộn.

Cùng quan điểm phải chuẩn hóa bác sĩ như bác sĩ Hải, bác sĩ Trương Xuân Liễu - chủ tịch Hội Y học TP.HCM, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói: “Tôi rất băn khoăn về việc giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên y khoa cứ tăng dần mỗi năm trong khi điều kiện trường lớp, số lượng thầy cô, cơ sở thực tập không phát triển thêm. Có những trường phải đi mượn thầy mà vẫn được đào tạo bác sĩ, điều dưỡng. Đào tạo thầy thuốc như thế không thể chấp nhận được”.

Quá tải bệnh viện, theo bác sĩ Liễu, cũng là vấn đề người dân mong được giải quyết sớm. Để giải “bài toán khó” này, bác sĩ Liễu đề nghị: “Người dân không tin tuyến y tế cơ sở mới chạy hết vào bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM. Phải tạo dựng niềm tin của dân với tuyến cơ sở, xây dựng hệ thống bác sĩ gia đình trên cơ sở tổ chức mạng lưới trạm y tế phường, xã và phòng mạch tư sẽ giải quyết được nhiều vấn đề thiết thực”.

“Chúng ta tự hào tay nghề bác sĩ cao, tự hào điều trị khỏi được những căn bệnh rất đặc biệt, nhưng người bệnh vào bệnh viện phải nằm ghế bố, hành lang, thậm chí phải nằm gầm giường. Sản phụ sinh xong như cua mới lột xác, cần nằm nơi kín gió, không có ánh mặt trời nhiều nhưng có người vẫn phải nằm hành lang, nằm ghế bố. Tôi thật sự rất đau lòng” - TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, đại biểu HĐND TP.HCM, giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, rưng rưng nói.

Theo bà Tuyết, người dân có ba mong đợi lớn: một là điều trị khỏi bệnh và có thêm nhiều bệnh viện mới; hai là có biện pháp hiệu quả cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm; ba là bảo hiểm y tế thật sự là phao cứu sinh cho người dân khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ.

Theo bà Tuyết, hơn 40 năm đất nước thống nhất nhưng số bệnh viện được xây dựng mới rất ít so với các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn. Cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện xuống cấp quá nhiều nhưng để có được một công trình xây mới, nâng cấp một bệnh viện, thời gian phải tính bằng năm, thậm chí 5-10 năm vẫn chưa động thổ được.

Những yêu cầu chính đáng

Là bác sĩ công tác ở xã đảo Thạnh An cách trung tâm TP.HCM 70km, bác sĩ Luân Thanh Trường - trưởng trạm y tế xã Thạnh An, H.Cần Giờ - kể lại những khó khăn, vất vả của người dân xã đảo và người dân Cần Giờ mỗi khi đi khám chữa bệnh.

“Giờ đò chạy sớm nhất ở xã Thạnh An là 6g30, phải mất một giờ người dân mới vào được đất liền để đến Bệnh viện Cần Giờ khám bệnh. Nếu bệnh nhân cần lên tuyến trên điều trị, phải đợi lấy giấy chuyển viện rồi đến chiều mới được khám” - bác sĩ Trường chia sẻ. Bác sĩ Trường đề nghị có chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút được bác sĩ về làm việc ở vùng sâu vùng xa phục vụ người dân.

Bác sĩ Lê Bích Liên - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cũng tâm sự: “Niềm tin và kỳ vọng của người dân đặt vào ngành y tế, vào bệnh viện rất lớn. Người dân mong muốn không phải chờ đợi lâu khi đi khám chữa bệnh. Chỉ mong bác sĩ hiểu những lo âu, trăn trở và lắng nghe cha mẹ kể bệnh tình của con mình. Người bệnh cũng mong được điều trị chất lượng, hiệu quả, an toàn, không bị biến chứng, hết bệnh về nhà sớm. Đó là những yêu cầu chính đáng. Ngoài ra, người dân còn nhiều mong đợi đơn giản nhưng rất thiết yếu, nhiều bệnh viện chưa có đủ là có giường nằm, nhà vệ sinh sạch sẽ, ăn ở, giặt giũ thuận tiện...”.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Hòe - ủy viên Mặt trận Tổ quốc VN quận 1 - cho rằng vừa qua dù ngành y tế TP.HCM có nhiều nỗ lực, đạt nhiều thành tích nhưng chưa ngang tầm với sự phát triển của một đô thị lớn.

Trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân còn lệch về điều trị. Niềm tin của người dân vào ngành y tế bị giảm sút do sự xuống cấp y đức của một bộ phận thầy thuốc. Ngành y tế còn thụ động, lúng túng trong việc chống quá tải bệnh viện. Việc quản lý các cơ sở y tế có yếu tố người nước ngoài chưa chủ động. Quản lý y tế tư nhân chưa đầy đủ, phòng mạch còn bán thuốc.

Việc đấu thầu, quản lý giá thuốc còn gây hoài nghi trong dư luận nhân dân và giới chuyên môn. Cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện chưa rõ ràng, kéo dài...

TS.BS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM:
TS.BS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Toàn ngành phải thấy được mong đợi của người dân" - Ảnh: Duyên Phan

Làm hết sức

“Làm hết sức” là những từ được bác sĩ Nguyên Minh Quân - giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức - nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về những việc Bệnh viện Thủ Đức đã làm để đáp ứng mong đợi của người dân với ngành y tế, với bệnh viện.

Bác sĩ Quân quan niệm: “Chứng kiến cảnh người dân phải chạy lên bác sĩ tuyến trên khổ như thế nào, chờ đợi vất vả ra sao nên tôi luôn tâm niệm trong khả năng của mình làm được gì cho dân mình sẽ làm hết sức, hết khả năng của mình. Những thủ tục hành chính gì bỏ được là bỏ, cải tiến được là cải tiến để dân đỡ khổ, để dân hài lòng”.

TS.BS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định quan điểm lãnh đạo của Sở Y tế là phải xuất phát từ người dân. Ngành y tế đã đúc kết sáu vấn đề thiết thực mà người dân mong đợi nhất như không phải chờ đợi lâu, có giường nằm, chất lượng điều trị được đảm bảo, hạn chế thấp nhất tai biến xảy ra, đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ em, đảm bảo quyền lợi và không phân biệt đối xử với người bệnh bảo hiểm y tế, TP sớm có thêm bệnh viện mới...

Ông Thượng nói ngành y tế TP.HCM đã đưa ra 10 hoạt động trọng tâm của ngành từ nay đến năm 2020, trong đó có đẩy nhanh tiến độ các công trình cải tạo, xây mới các bệnh viện; phát triển nguồn nhân lực; giải quyết quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm...

“Toàn ngành phải thấy được mong đợi của người dân. Mỗi cơ sở, mỗi cán bộ y tế hãy cố gắng vì dân và nỗ lực tối đa bằng khả năng của cá nhân mình, của đơn vị mình và của toàn ngành y tế TP” - ông Thượng kết luận.

Chung sức, chung lòng nâng cao sức khỏe nhân dân

Sáng 25-2 tại Hà Nội, các ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân - chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN; Võ Văn Thưởng - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đã đến thăm, chúc mừng Bộ Y tế nhân Ngày thầy thuốc VN (27-2).

Gửi gắm niềm tin của nhân dân cả nước, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng ngành y tế thực hiện tốt các chương trình giám sát trong năm qua: về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các doanh nghiệp; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân... và sắp tới là công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng thời gian qua Ban Tuyên giáo và Ban cán sự Đảng Bộ Y tế luôn có sự phối hợp, trao đổi ý kiến, tạo được những kết quả tốt trong việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông đề nghị thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp công tác; chúc đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên ngành y tế luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, Ban Tuyên giáo trung ương tiếp tục quan tâm, phối hợp tốt hơn nữa với ngành y tế để cùng chung sức, chung lòng thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

TTXVN

Phát triển bác sĩ gia đình để giảm bớt quá tải

Tôi đã từng đề xuất hai vấn đề lớn cho ngành y tế TP.HCM: một là đầu tư đào tạo chuyên khoa sâu, hai là phát triển bác sĩ gia đình. Nhìn chung ngành y tế TP.HCM được đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, siêu đẳng nhưng cái siêu đẳng hơn phải là bác sĩ giỏi chứ không phải máy móc.

Ngoài ra cần quan tâm phát triển, mở rộng mạng lưới bác sĩ gia đình. Đây là giải pháp nhằm giải quyết tận gốc tình trạng quá tải, bác sĩ gia đình gắn bó trực tiếp và lâu dài với người dân. Người dân cũng không thích gì hơn là được theo dõi sức khỏe thường xuyên từ lúc mới sinh đến lúc tuổi già.

Nếu phát triển được hệ thống bác sĩ gia đình, khi người dân có bệnh, bác sĩ gia đình sẽ là người đầu tiên và trực tiếp theo dõi, thăm khám, biết được tình trạng bệnh, điều trị hoặc tư vấn để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nào. Từ đó sẽ giải quyết triệt để tình trạng người dân cứ có bệnh là tới bệnh viện, gây quá tải.

Tại Mỹ, bác sĩ gia đình đóng vai trò 35% chứ không phải bác sĩ chuyên khoa sâu. Tại Canada, tỉ lệ này là 50%. Do đó không bao giờ có tình trạng quá tải bệnh viện. TP.HCM hiện đi đầu trong mô hình này nhưng vẫn hơi chậm. Cần đi nhanh hơn nữa bằng cách đào tạo chuyên ngành y học gia đình tại Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Hiện nay, theo quy định, bác sĩ chuyên khoa I mới được học về bác sĩ gia đình. ĐH Y dược TP.HCM mới mở chuyên khoa I về bác sĩ gia đình, đào tạo trong hai năm. Tôi cũng đang tham gia giảng dạy và cố gắng làm sao để 1/3 số bác sĩ của cả nước là bác sĩ gia đình, có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề quá tải.

GS.TS.BS Trần Đông A (Anh hùng lao động, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2)

KIM SƠN ghi

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên