
Ông Nguyễn Lộc Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - trao đổi với các đại biểu trước tọa đàm sáng 17-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ sáp nhập đến "phân vai" liên vùng
Tại tọa đàm "Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động" do UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở Công Thương phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan tổ chức sáng ngày 17-7, đã thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu là lãnh đạo bộ ngành trung ương, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đầu ngành.
Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng hiến kế để trả lời câu hỏi lớn: làm gì để công nghiệp TP.HCM thực sự trở thành trụ cột tăng trưởng bền vững trong bối cảnh địa giới hành chính mở rộng?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - trình bày tham luận Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM: Từ tiềm năng đến hành động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, TP.HCM sau hợp nhất vẫn giữ vị thế dẫn dắt công nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "muốn phát triển bền vững, không thể tiếp tục phát triển theo chiều rộng mà phải tái cấu trúc và phân vai rõ ràng giữa các vùng để tối ưu hóa chuỗi giá trị".
Cụ thể, TP.HCM cũ nên giữ vai trò là "bộ não" vùng công nghiệp - nơi tập trung R&D, tài chính, kiểm định chất lượng và điều phối sản xuất. Bình Dương, Đồng Nai là cực sản xuất công nghệ cao, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu đảm nhận vai trò đầu mối xuất nhập khẩu và năng lượng. Long An được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản kết nối ĐBSCL.
Còn Tây Ninh và Bình Phước đóng vai trò vùng vệ tinh, cung cấp nguyên liệu, năng lượng và logistics biên giới.

Toàn cảnh tọa đàm Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động sáng 17-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Huỳnh Thanh Điền - giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, gọi mô hình này là "trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp" TP.HCM, với khả năng dẫn dắt từ thiết kế, R&D đến sản xuất, logistics và xuất khẩu. Đây là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, có thể lan tỏa đến cả vùng Đông và Tây Nam Bộ.
Tuy nhiên, để điều phối hiệu quả mô hình này, ông Điền đề xuất cần có một "chủ xị" liên kết vùng, một cơ quan đủ thẩm quyền điều phối chính sách, quy hoạch không gian và đầu tư hạ tầng mang tính liên tỉnh.
"Nếu không, hệ lụy đã thấy rõ như cảng Cái Mép chờ hàng xuất đi nhưng kẹt xe, chi phí logistics cao, đường kết nối yếu làm giảm năng lực cạnh tranh toàn vùng", ông Điền nói.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - phát biểu khai mạc tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - thẳng thắn nhìn nhận công nghiệp TP.HCM đóng góp 30% GRDP và giữ vai trò đầu tàu nhưng vẫn đối mặt nhiều điểm nghẽn.
Chi phí logistics chiếm tới 16-20% giá thành sản phẩm, cao hơn mức trung bình khu vực. Quỹ đất công nghiệp sạch hạn chế, chi phí thuê đất cao.
Công nghệ sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu, tự động hóa thấp. Tác động từ chính sách thương mại quốc tế, như việc Mỹ áp thuế với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao chất lượng và đổi mới.
Trước yêu cầu tái cấu trúc phát triển, Sở Công Thương TP.HCM đã xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm để định hướng quy hoạch công nghiệp trong không gian phát triển mới.
Thứ nhất: Phát triển hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng đồng bộ. Cần ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, công viên công nghệ, cụm logistics tích hợp quy mô lớn, sử dụng năng lượng xanh.
Thứ hai: Đổi mới công nghệ - chuyển đổi số - tự động hóa, đẩy mạnh sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, gắn với đô thị thông minh, chuyển đổi xanh và số hóa toàn diện.
Thứ ba: Thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư cho vật liệu mới, linh kiện chiến lược, thúc đẩy nội địa hóa sản xuất.
Thứ tư: Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao nhằm kết nối doanh nghiệp với các trung tâm đào tạo, hình thành mạng lưới kỹ năng công nghiệp và logistics thông minh.
Thứ năm: Công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, giảm phát thải carbon, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0".
Hướng đến trung tâm công nghiệp, đổi mới, logistics của khu vực
Theo các chuyên gia, việc TP.HCM mở rộng không chỉ là mở địa giới, mà còn mở một tầm nhìn mới đến năm 2045 trở thành trung tâm sản xuất, đổi mới sáng tạo, logistics của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất TP.HCM nên xây dựng "trung tâm thương mại không biên giới" để làm một nền tảng cho doanh nghiệp Việt kết nối trực tiếp với thị trường toàn cầu. Đồng thời phát triển các trung tâm tài chính, chuỗi trung tâm R&D, logistics số và công nghiệp thông minh.

KTS trưởng Nguyễn Hồng Hải - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) trình bày tham luận Quy hoạch Hệ sinh thái Khoa học Công nghệ - Động lực mới cho phát triển - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Nguyễn Hồng Hải - kiến trúc sư trưởng Tổng công ty Becamex IDC (vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM) - giới thiệu về quy hoạch hệ sinh thái khoa học công nghệ. Theo đó, quy hoạch khu vực phía Bắc TP.HCM (khu vực tỉnh Bình Dương cũ) được tỉnh Bình Dương làm rất kỹ, chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm các giải pháp để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình".
Ông Hải cho biết từ hơn 25 năm trước, Bình Dương đã hợp tác với các đối tác Singapore để phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Khu vực phía Bắc TP.HCM (Bình Dương cũ) được quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp, các giải pháp năng lượng thông minh, xử lý rác bảo vệ môi trường, hình thành các TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng)…
Ông Hải nhấn mạnh ngay từ nhiều năm trước, Bình Dương đã có tầm nhìn, quy hoạch không chỉ riêng cho Bình Dương mà luôn gắn với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Với quy hoạch đã được thông qua, khi sáp nhập Bình Dương, hình thành TP.HCM mới sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển, biến các ý tưởng, quy hoạch thành hiện thực, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình...
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Sở Công Thương TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ phát động chương trình "Hiến kế phát triển công nghiệp TP.HCM", mời gọi các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và người dân cùng góp ý kiến, giải pháp để xây dựng một ngành công nghiệp hiện đại, xanh và bền vững.
"Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm và khát vọng đổi mới, TP.HCM sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng trưởng công nghiệp mới, không chỉ là "đầu tàu" trong nước mà còn là động lực của cả khu vực", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: kinhte@tuoitre.com.vn

Các chuyên gia tại tọa đàm Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM từ tiềm năng đến hành động sáng 17-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều ý kiến đóng góp để khai phá tiềm năng phát triển vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận