22/10/2018 10:36 GMT+7

Làm gì để hạn chế bắt nạt trong trường học?

HỒNG VÂN - HÀ MY ghi
HỒNG VÂN - HÀ MY ghi

TTO - Trường học vốn được coi là nơi an toàn, nhưng trên thực tế, do nhiều tác động ngoài xã hội, trên mạng xã hội, và ngay trong trường học, trẻ em cũng gặp phải việc xấu, mà phổ biến nhất là bị bắt nạt.

Làm gì để hạn chế bắt nạt  trong trường học? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) được nghe về kỹ năng chống bạo lực học đường và xâm hại - Ảnh: NHƯ HÙNG

Câu chuyện dưới đây được kể bởi hai người trong cuộc - một là chị của nạn nhân và một là giáo viên ở một trường THCS tại TP.HCM.

Nhà trường đừng quá chú trọng danh tiếng mà không chịu thừa nhận những hành vi bạo lực xảy ra trong trường mình. Vì càng giấu giếm, bưng bít, càng làm cho học sinh hoang mang, không biết bấu víu vào đâu khi gặp nạn và những em vi phạm có thể nương vào đó mà ngày càng tác oai, tác quái hơn.

Cô Lâm Minh Trang

* Bạn đọc Lê Vy: 

Phải chuyển trường để tránh bị bắt nạt

Khi em gái tôi mới học lớp 1, trong lớp có một bạn nam phát triển trước tuổi nên cao to hơn những bạn khác đồng trang lứa. Các bạn trong lớp đều sợ do bạn này hay có hành vi hung hăng, ra lệnh người khác, và hay dọa đánh nhau.

Mỗi ngày em tôi đi học, mẹ tôi cho vài cái bánh vào cặp để em tôi ăn giữa giờ cho đỡ đói. Tuy nhiên, nhiều hôm em tôi về nhà kể: "Bạn T. lấy mất bánh của con". Thời gian đầu mẹ tôi tưởng bạn nam cùng lớp chỉ lấy một vài cái bánh hay chỉ trêu đùa nên mẹ bỏ vào cặp nhiều bánh hơn cho em. 

Một phần do gia đình tôi nghĩ là trẻ con, nhiều khi thằng bé chỉ nghịch ngợm chọc ghẹo em tôi, hay thấy bánh lạ mà muốn thử nên nếu nói cô giáo sợ cô có ấn tượng không tốt, ảnh hưởng đến thằng bé. Nhưng sau nhiều lần em tôi méc: "Bạn T. ăn mất bánh của con", mẹ tôi bắt đầu đặt vấn đề với giáo viên. Dù vậy, cô giáo cũng chỉ nhắc nhở bạn nam trước lớp là "không được chọc ghẹo các bạn nữ" rồi thôi...

Bên cạnh bánh kẹo, bạn nam này không có bút chì, cục gôm, hay thước kẻ nên khi cần bạn đều lấy của những bạn khác. Rồi dụng cụ học môn thủ công và những món đồ chơi của các bạn trong lớp cũng bị bạn nam này "tịch thu". Trong giờ ăn cơm, nếu cô giáo không có mặt, bạn nam này sẽ đi chửi mắng những bạn chưa ăn cơm "thay cô" và "giúp cô" nhắc nhở mấy bạn trong những chuyện khác.

Ngoài bạn nam này, em tôi còn bị những học sinh lớp trên la mắng, chửi bới, và "tịch thu" đồ đạc. Khi được hỏi vì sao không nói với thầy cô về chuyện này thì em tôi giải thích do "anh chị đó là sao đỏ" hoặc "anh chị lớn hơn con".

Hết năm lớp 1, gia đình tôi quyết định chuyển em tôi vào một trường khác với mong muốn sẽ không gặp phải những tình huống như kể trên. Tuy nhiên, việc chuyển trường không phải là lý do chính khiến em tôi không còn bị bắt nạt. 

Bố mẹ tôi đã phải dành ra nhiều thời gian để dạy em ấy biết những gì các bạn được làm, và làm gì thì mình nên nói với cô. Đồng thời, bố mẹ đã rút kinh nghiệm nên quan tâm em tôi nhiều hơn trước mặt giáo viên để em tôi được giáo viên chú ý nhiều hơn.

Cô giáo Lâm Minh Trang: 

Xây dựng nguồn tin từ học sinh

Trẻ bị bắt nạt thường là những em có phong cách thụ động, ít bạn, sống khép kín nên khi bị bắt nạt, bị bạo hành, các em tiếp tục thu mình lại, im lặng chịu đựng mà ít khi có ý định phản kháng hay bày tỏ với ai, đặc biệt với thầy cô và cha mẹ lại càng không.

Những hình thức bị bắt nạt dễ thấy nhất là các em thường bị trấn lột tiền hoặc dụng cụ học tập. Với một số em khác thì lại hay bị kiếm chuyện va quệt để có cớ gây gổ và đánh nhau... Mới đây, chúng tôi vừa phải xử lý trường hợp "trấn lột tiền tập thể" ở một lớp 8, khi có một em "chị cả" tự đứng ra quy định "đóng tiền quỹ" để tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp, nhưng không phải bạn nào cũng được tổ chức. 

Khi thông tin đến với thầy cô thì sự việc đã diễn ra gần một tháng. Kiểm tra, xác minh thông tin chính xác xong, nhà trường đã mời phụ huynh của em "chị cả" vào làm việc và cho em cam kết không tái phạm. 

Trong quá trình xử lý một cách nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng, chúng tôi đã tư vấn cho phụ huynh không nên trách phạt nặng nề mà phải giáo dục cho em hiểu việc làm sai để sửa đổi.

Sau sự việc này, nhiều em thấy xử lý của thầy cô hiệu quả, đã mạnh dạn tìm đến để cung cấp thông tin hoặc trình bày tình trạng của mình. Bài học rút ra sau sự việc này là trong trường học nên xây dựng được nhiều nguồn cung cấp thông tin từ học sinh. 

Các em khi gặp chuyện ít chịu thưa với thầy cô hay cha mẹ mà thường tâm sự với nhau. Vì vậy nếu có nhiều kênh thông tin từ các em học sinh, việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn những vụ bạo hành, bắt nạt trong học sinh sẽ được xử lý nhanh hơn, không để lại hậu quả đáng tiếc.

* Ông Charlie Oakes (người Mỹ):

Cần chú ý đến bắt nạt trên mạng xã hội

charlie



Khi bắt nạt xảy ra ở trường học, học sinh bị cô lập, tổn thương nhưng có thể vẫn có những bạn bè khác an ủi, giúp đỡ, hoặc giáo viên sẽ can thiệp và nạn nhân ít nhiều cũng cảm thấy được bảo vệ. Tuy nhiên, việc bắt nạt qua mạng xã hội mà chúng ta biết thì thường là nạn nhân chỉ có một mình.

Như một trường hợp được báo chí viết đầu năm nay là một bé gái 12 tuổi ở Florida đã treo cổ tự tử vì bị bạn bè xúc phạm, bôi nhọ từ lớp học đến nhà riêng bằng các tin nhắn độc địa. Thủ phạm cũng là bạn cùng tuổi, nhưng đã liên tục làm nạn nhân khủng hoảng với những lời nói và tin nhắn khủng bố, phao tin bịa đặt, dọa tung các thông tin cá nhân bí mật, nói xấu, đặt cho nạn nhân các biệt danh tệ hại... Cô bé nạn nhân không tâm sự với người lớn nào về việc này. Đúng vào ngày định mệnh, em tâm sự với một bạn trai rằng mình có một ngày tồi tệ và định tự tử. Không an ủi, cậu bé còn khích: "Cứ làm thế nếu cậu muốn" và cúp máy.

Câu chuyện này khiến nước Mỹ bàng hoàng vì bắt nạt học đường đã không ngừng truy đuổi các nạn nhân cô đơn về tận nhà thông qua điện thoại, mạng xã hội, mà thủ phạm và nạn nhân đều còn rất nhỏ tuổi. Vì vậy, các phụ huynh ở Mỹ cũng được khuyên nên lưu tâm việc sử dụng điện thoại, mạng xã hội của con và cũng thảo luận với con về những ảnh hưởng và tác động của mạng xã hội đến trẻ.

Có nhiều sáng kiến mà nhiều trường đã áp dụng để chống lại vấn đề bắt nạt học đường như: cam kết không bắt nạt bạn dành cho học sinh; có ngày tìm hiểu về bắt nạt học đường, cơ chế báo cáo bí mật các vụ bắt nạt; chuyên gia và phòng tư vấn hỗ trợ học sinh có các buổi nói chuyện giúp tăng cường lòng tự trọng cho học sinh, cho học sinh thảo luận và nhận diện những hành vi và ngôn từ có tính bắt nạt.

* Anh MICHAEL DOLAN (người Ireland):

Người lớn nên can thiệp từ xa

Thời niên thiếu tôi đã từng bị bắt nạt, nhưng bản thân tôi cũng đi bắt nạt người khác. Điều để lại ấn tượng to lớn nhất với tôi là sự cô lập và cô đơn. Phụ huynh cần nhớ rằng bạn bè đồng trang lứa luôn có ảnh hưởng đến nhau lớn hơn là phụ huynh hay giáo viên. Tôi còn nhớ trong trường tôi, một bạn nữ bị ám ảnh về cân nặng của mình và những bạn khác trong lớp trêu chọc cô ấy vì điều này. Nhiều giáo viên đã nói chuyện với lớp nhưng không thật sự có tác dụng. Ngay cả khi tôi bị bắt nạt, không lần nào giáo viên can thiệp mà hiệu quả. Việc đó chỉ chấm dứt khi có một bạn cùng lớp được nhiều người yêu thích lên tiếng bảo vệ tôi.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi sự việc đáng tiếc này xảy ra, người lớn cần tìm đến những đứa trẻ có tầm ảnh hưởng lớn trong trường học để nhờ khuyên bảo bạn bè, còn giáo viên và phụ huynh chỉ nên điều phối từ xa, thay vì trực tiếp can thiệp.

* Anh KEVIN LU (người Đài Loan):

Dạy con không bắt nạt người khác

bullying1

Dạy con cách để không bị bắt nạt rất khó, nhưng nếu cha mẹ dạy con cái không được bắt nạt người khác thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, nhà trường cần có những chuẩn mực rõ ràng để có quy định: điều gì không được nói và những hành vi nào sẽ được quy kết vào tội bắt nạt người khác. Quy định như vậy để các em hiểu rõ đó không phải là một điều được phép làm.

Tại Đài Loan, nạn bắt nạt trong trường học cũng phổ biến trước khi chính quyền can thiệp vào vấn đề này. Hiện nay, việc này rất được các giáo viên và phụ huynh chú ý. Họ có chuẩn mực rõ ràng, khi xuất hiện một số hành vi và một số cách nói chuyện biểu hiện sự bắt nạt thì người lớn có cách can thiệp.

HỒNG VÂN - HÀ MY ghi

Bị bắt nạt qua mạng: đừng sợ Bị bắt nạt qua mạng: đừng sợ

TTO - Từng bị bắt nạt qua mạng, một sinh viên đã thực hiện công trình nghiên cứu về biện pháp ứng phó hiện tượng bắt nạt qua mạng ở lứa tuổi học sinh gửi về chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2018.

HỒNG VÂN - HÀ MY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên