17/11/2021 10:09 GMT+7

Lạm dụng nước rửa tay sát khuẩn có thể gây bệnh chàm tay

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Tình trạng sau khi sử dụng cồn rửa tay, nước sát khuẩn bị nổi những hạt nước li ti trên bàn tay là bệnh chàm tay, hay còn gọi là viêm da bàn tay.

Lạm dụng nước rửa tay sát khuẩn có thể gây bệnh chàm tay - Ảnh 1.

Nếu lạm dụng nước rửa tay sát khuẩn có thể gây bệnh chàm tay - Ảnh: NVCC

Mẹ của bé Mai Linh (13 tuổi, nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết sau một thời gian dùng nước rửa tay cồn khô hằng ngày, tay con gái chị bị nổi những giọt nước nhỏ li ti trong lòng bàn tay, kẽ tay. 

"Tay con tôi vừa ngứa vừa đau, da bong tróc, con nhiều lúc rất đau đớn. Tôi đưa đi khám bác sĩ ở bệnh viện da liễu, người ta nói da tay con tôi bị dị ứng nhưng xoa thuốc mãi vẫn chưa hết, tôi không hiểu vì nguyên nhân gì" - chị Nguyệt, mẹ bé Mai Linh, tâm sự. 

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM - cho biết tình trạng sau khi sử dụng cồn rửa tay, nước sát khuẩn bị nổi những hạt nước li ti trên bàn tay là bệnh chàm tay, hay còn gọi là viêm da bàn tay. 

Bệnh chàm tay có các nguyên nhân bên ngoài và bên trong. Nguyên nhân bên ngoài như tay bị ẩm ướt thường xuyên, tiếp xúc với chất kích ứng (như hóa chất có tính kiềm, tính acid, là dung môi hữu cơ, chất tẩy rửa) hoặc chất có tính gây dị ứng. 

Nhưng yếu tố bên trong như cơ địa dị ứng cũng rất quan trọng. Các nhân viên y tế phải tiếp xúc với các chất sát khuẩn và đeo găng tay nhưng không phải ai cũng bị chàm tay bởi vì mỗi người có cơ địa khác nhau. 

Vì vậy, người bị chàm tay có thể là do lạm dụng cồn rửa tay khô hay nước sát khuẩn tay, như rửa tay quá nhiều lần hoặc dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn có tính kích ứng, nhưng nguyên nhân phổ biến hơn là do cơ địa dị ứng.

Cũng theo BS Dũng, người dân nên chọn loại nước rửa tay sát khuẩn và phương pháp rửa tay phù hợp. Ví dụ, có người bị chàm tay khi rửa tay xà phòng, người khác không bị chàm tay khi rửa tay xà phòng nhưng bị chàm tay khi dùng cồn sát khuẩn. 

Có người bị dị ứng với chất benzalkonium chloride nhưng có người không. Vì vậy, nếu bị kích ứng da khi sử dụng thuốc sát khuẩn da này thì nên thử sang loại nước rửa tay sát khuẩn khác.

"Có hai loại nước rửa tay sát khuẩn: sát khuẩn cồn (có thành phần cồn ethanol hay cồn isopropanol 70%) và sát khuẩn không cồn (sử dụng hóa chất benzalkonium chloride). 

Nếu nước rửa tay sát khuẩn được chế tạo đúng thành phần thì không độc hại nhưng có thể gây chàm tay. Bởi sát khuẩn bằng cồn khô có thể làm khô da và gây kích ứng da. Sát khuẩn không cồn thì ít kích ứng nhưng lại có thể gây dị ứng với  benzalkonium chloride. 

Tuy nhiên, một số dung dịch có thể chứa các chất không cho phép. Ví dụ một số nước rửa tay sát khuẩn có chứa cồn methanol thay vì sử dụng cồn ethanol bởi vì cồn methanol rẻ tiền hơn. Vì vậy lựa chọn nguồn gốc của nước rửa tay sát khuẩn là quan trọng.

Cồn có nồng độ cao có thể gây khô da, vì vậy nên sử dụng cồn 70 độ. Một số dung dịch cồn sát khuẩn có pha chế glycerin nên giúp làm giảm khô da nên sẽ làm giảm nguy cơ chàm da. Tuy nhiên nếu có nhiều glycerin sẽ tạo cảm giác rít da tay sau khi sát khuẩn tay với cồn.

Vì vậy nên chọn loại cồn có nồng độ glycerin phù hợp với từng người", BS Dũng khuyên. 

Điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Nếu bị chàm tay nặng, cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và có thể được chỉ định bằng kem bôi da có chứa corticoid. Nếu bị chàm tay nhẹ, có thể tự điều trị bằng cách giữ ẩm da thông qua việc bôi kem chống ẩm, thoa vaseline hoặc glycerin.

Cần lưu ý đã bị chàm da do nước rửa tay sát khuẩn nào để tránh sử dụng lại nước rửa tay đó.

Lưu ý gì khi dùng nước sát khuẩn nhanh cho trẻ? Lưu ý gì khi dùng nước sát khuẩn nhanh cho trẻ?

TTO - Để phòng ngừa corona, các phụ huynh mua nước sát khuẩn cho con xài, nhưng bé còn nhỏ, vừa dùng xong nước sát khuẩn đã lấy tay bốc thức ăn. Việc này có ảnh hưởng ra sao?

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên