29/01/2015 09:20 GMT+7

Làm đám cưới: sao mà quá đỗi gian truân

NGUYỆT MINH
NGUYỆT MINH

TTO - Bắt tay vào việc lo chuyện cưới hỏi thời nay sao mà giống như Đường Tăng muốn đến được Tây Thiên phải vượt qua bảy mươi hai kiếp nạn vậy.

Tranh minh họa

Xin liệt kê những nỗi nhọc nhằn mà chúng tôi phải vượt qua.

Chụp hình cưới

Vừa thông báo tin sắp cưới cho đám bạn, câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi nhận được nhiều nhất là "định chụp hình cưới ở đâu?".

Album nào của bạn bè đã cưới nhìn cũng được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng: cô dâu chú rể ai cũng xinh đẹp rạng ngời còn khung cảnh trong hình thì lúc nào cũng long lanh như trong cổ tích. Chủ đề thì đủ cả, từ biển xanh lãng mạn, Tây Bắc đậm đà bản sắc, công tử Bạc Liêu cưới tiểu thư Hà Nội cho đến hồi teen nhí nhảnh, trường xưa yêu dấu … Số tiền chi cho khoản hình ảnh này cũng khoảng chục triệu đồng trở lên chưa kể đến công sức trèo đèo lội suối, chọn lựa phục trang…

Chúng tôi nói chỉ muốn có một hai bức ảnh giản dị chụp trong studio để treo ở nhà vậy thôi nhưng bạn bè nào đâu có hiểu, hết đoán già đoán non chắc là anh chồng khô khan không chiều vợ rồi lại tặc lưỡi tội nghiệp cô dâu mới không được có những "kỷ niệm niệm đẹp".

Vàng cưới, tiền cưới

Mối bận tâm này lại đến từ áp lực hai bên nhà trai nhà gái ở quê. Nhắc đến cưới xin là thể nào trong họ cũng có một chú một thím có thể kể vanh vách chuyện đám cưới con ông X bà Y trong xóm, nhà trai tặng cho cô dâu bao nhiêu trang sức, bỏ quả bao nhiêu cây vàng, tiền nạp tài bao nhiêu triệu đồng … Rốt cuộc là phát sinh một cuộc chạy đua ngầm giữa các gia đình với nhau.

Nhiều trường hợp cô dâu chú rể phải đi thuê vàng cưới, dùng vài ngày rồi trả lại, phí đi thuê hết mấy triệu đồng. Hoặc dốc tiền tiết kiệm ra mua trang sức cưới, lễ xong lại tất tả đem bán để có tiền chi cho những khoản khác cần thiết hơn khi xây dựng gia đình mới, thiệt là mất công.

Bản thân chúng tôi thì thấy việc này sao mà nặng tính hình thức quá.

Phải làm bao nhiêu buổi tiệc?

Quê chồng ở miền Đông Nam Bộ, quê vợ miền Trung, cả hai đều làm việc ở Sài Gòn. Trước mắt đã thấy phải đãi hai tiệc lớn, một vu quy ở quê vợ, một tân hôn ở quê chồng và một tiệc vừa vừa cho bạn bè đồng nghiệp ở thành phố. Đó là chưa kể thêm hai tiệc "nhỏ nhỏ" khác: một tiệc cho lễ ăn hỏi, một tiệc ngay sau khi kết thúc nghi lễ hôn phối trong nhà thờ. Vị chi là chúng tôi phải chuẩn bị năm buổi tiệc ở ba địa điểm cách nhau xa lắc lơ.

Biết mời ai bỏ ai?

Hai vợ chồng đều đi học xa nhà từ nhỏ nên coi như không có bạn bè hay mối liên hệ công việc nào ở quê nhà. Vậy mà, tính sơ sơ hai tiệc ở quê mỗi tiệc đã năm mươi mấy bàn, tiệc ở thành phố ba mươi bàn, đám hỏi và tiệc sau lễ nhà thờ mỗi buổi ngót nghét mười lăm bàn. Tổng số khách mời lên đến trên một nghìn người trong đó có những người phải đi dự cả năm buổi tiệc của chúng tôi. Nhìn danh sách đó không khỏi chóng mặt.

Đưa mắt cầu cứu các đấng sinh thành xem có thể rút ngắn bớt không thì các bậc trưởng thượng cũng chỉ biết bó tay cảm thán: Mình sống trên đời có phải từ cục đá chui ra đâu con, toàn là bà con thân thích, chòm xóm, đồng nghiệp bao nhiêu năm nay của ba má cả. Đám con nhà người ta cũng mời như vậy, giờ đến lượt mình làm khác đi coi sao được.

Giải pháp nào cho đám cưới của chúng tôi?

Nghĩ tới những viễn cảnh trên mà hai vợ chồng hãi hùng. Thủ tục đăng ký kết hôn đã hoàn tất từ lâu, hợp đồng mua nhà cũng đã ký xong mà ngày cưới vẫn chưa thể ấn định.

Một mặt, chúng tôi muốn đám cưới của mình diễn ra trang trọng, ấm cúng, thân mật chứ không phải là một tổ hợp các hoạt động ồn ào đông đúc người tham dự, nặng tính hình thức nhưng lại thiếu mất phần hồn.

Mặt khác, tổ chức hôn lễ còn phải cân đối với túi tiền, không phải chuyện gì cũng có thể thuê dịch vụ làm từ A đến Z nhưng lại không được mất quá nhiều thời gian, năng lượng cho việc chuẩn bị, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc cơ quan.

Sau một hồi bàn bạc với gia đình hai bên, cũng như trình bày hết những băn khoăn, lo lắng của hai vợ chồng cho người lớn trong nhà biết.

Chúng tôi thống nhất với nhau là sẽ tổ chức cưới trên tinh thần tôn trọng nguyện vọng của hai vợ chồng trẻ, hạn chế việc mời khách và các hình thức rườm rà không cần thiết.

Điều quan trọng nhất là người trong nhà thống nhất ý kiến với nhau và kiên định làm theo điều đó chứ đừng chạy theo trào lưu để rồi tự chuốc thêm gánh nặng cho bản thân và gia đình.

Nếu nghe ai bàn tán gì thì cả nhà sẽ dùng những lý lẽ như đã trao đổi trước với nhau trong lúc bàn bạc để ôn tồn giải thích cho người ta biết.

Sau này trong cộng đồng mình sống sẽ còn nhiều đám cưới khác nữa, mình đơn giản được một chút thì những đám sau này người ta cũng đỡ khổ (giống mình bây giờ) hơn, mình cũng đỡ lâm vào cảnh méo mặt vì chuyện được mời đi ăn cưới liên tù tì.

Ông bà ta từ xưa đã có câu "ma chê, cưới trách", mình nên biết như vậy để đừng trở nên quá căng thẳng, tránh làm mất niềm vui của việc cưới xin - vốn dĩ là một sự kiện vui vẻ được tổ chức để chúc phúc cho chặng đường mới trong cuộc đời của cô dâu chú rể.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Mời bạn tham gia ý kiến, chia sẻ câu chuyện của mình qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

Liên quan đến loạt bài về chủ đề tổ chức đám cưới, TTO đã nhận được bài viết của các tác giả sau: Tuyết Phan, Nguyễn Thanh Hùng Hai, Phạm Đỗ Bình An, Nguyễn Thanh Dũng, P.T.T, Bích Phượng, Nguyệt Minh, Hồng Việt, Phạm Văn Trung, Ba  Hưng, Sơn Khôi....

 

 

NGUYỆT MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên