Để rồi cuối cùng... ôm nợ.
Phóng to |
Theo Luật doanh nghiệp, thủ tục lập doanh nghiệp khá thông thoáng. Trong ảnh: người dân đến đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương - Ảnh: A.Thoa |
Phóng to |
Lợi ích được các “nhà đầu tư” nước ngoài cam kết chia phần chưa thấy đâu nhưng nhiều vị giám đốc hờ phải gánh cả đống nợ vì “nhà đầu tư” đột ngột mất hút, hoặc khi làm ăn đổ bể mới hay mình phải chịu trách nhiệm pháp lý, còn “nhà đầu tư” phủi sạch trách nhiệm. Hiện tượng này đang rộ lên ở tỉnh Bình Dương.
"Khi hợp tác kinh doanh hay liên kết mở công ty với người nước ngoài, người hợp tác cần nắm vững thông tin của đối tác, phải biết đối tác là ai, tiềm năng kinh tế như thế nào và phải có ràng buộc kinh tế để tránh rước họa vào thân" Bà Phan Lê Diễm Trang (phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương) |
Bà Nguyễn Thanh Liên, chủ cơ sở giấy in Nam Tiến (Bình Dương), cho biết hai năm trước hợp tác với hai người Đài Loan mở cơ sở sản xuất giấy. Về mặt giấy tờ bà Liên đứng tên, đồng thời quản lý phân xưởng. Lúc đó hai bên thỏa thuận miệng khi nào có lợi nhuận chia 6/4 (bà Liên hưởng 60%).
Để có vốn làm ăn, hai “nhà đầu tư” người Đài Loan bàn với bà Liên đứng ra vay ngân hàng mở thêm nhà xưởng, còn họ sẽ lo phần khách hàng, đầu ra sản phẩm.
Tin tưởng đối tác nên bà Liên bắt tay vào tuyển công nhân, sản xuất các đơn hàng. Ban đầu cơ sở chỉ có năm công nhân, sau đó tăng lên 20, rồi 30 công nhân. Có những lúc khách đặt hàng dồn dập, thấy làm ăn được nên cơ sở tiếp tục vay thêm ngân hàng để mua nguyên vật liệu.
“Năm đầu kinh doanh suôn sẻ, có lợi nhuận. Song sang năm thứ hai khách hàng liên tục nợ tiền, thanh toán chậm. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng nhưng khổ nỗi tôi không biết tiếng nước ngoài nên tất cả đơn hàng đều trông cậy vào họ. Trong cuộc họp với đối tác, tôi đã nhiều lần nhắc việc đốc thúc trả nợ nhưng họ bảo đang khủng hoảng kinh tế nên doanh nghiệp nào cũng khó khăn” - bà Liên bức xúc.
Một ngày cuối tháng 4, bà Liên điếng người khi nghe hai người Đài Loan gọi điện báo họ đã về nước. Họ còn nói thêm: “Các khách hàng đã ngưng hợp đồng”. Ngay ngày hôm đó, điện thoại của hai “nhà đầu tư” này không liên lạc được.
Họ chỉ gửi email cho biết chấm dứt hợp tác làm ăn, trong khi đó khách hàng còn nợ 106 triệu đồng, cơ sở nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng. “Tôi nghĩ từ đầu họ không có ý định lừa lọc gì nhưng chính sự ràng buộc tài chính không rõ ràng trong quá trình làm ăn nên khi gặp khó khăn họ đã nghĩ cách rút lui. Họ chạy trốn để lại khoản nợ hơn 100 triệu đồng mà đến nay tôi cũng chưa trả nổi” - bà Liên buồn bã.
Đứng tên nên phải gồng mình trả nợ
Thông qua bè bạn, ông N.V.T. (Bình Dương) được giới thiệu hợp tác với hai người Trung Quốc. Ông T. làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đứng tên trong vai trò giám đốc Công ty N (Bình Dương). Theo thỏa thuận, khi làm ăn được ông T. và hai đối tác người Trung Quốc sẽ cùng chia lợi nhuận.
Vốn để mở mang nhà xưởng là vốn vay ngân hàng. “Khi công ty bắt đầu gặp khó khăn thì họ lấy cớ làm ăn không hợp rồi bỏ về nước luôn. Toàn bộ giấy tờ tôi đều đứng tên nên phải gồng mình trả nợ” - ông T. vẫn không khỏi bàng hoàng khi kể lại câu chuyện và thừa nhận đã quá dại dột hợp tác như vậy.
Chung cảnh ngộ, bà T.T.L., chủ tịch hội đồng quản trị Công ty LP (Bình Dương), cho biết: “Tôi từng bị một đối tác người Hàn Quốc mời đứng tên giùm để thành lập công ty may. Sau một thời gian cả hai vợ chồng người Hàn Quốc cuốn gói về nước để lại khoản nợ hơn 180 triệu đồng.
Giấy tờ đăng ký kinh doanh do mình đứng tên nên phải bỏ tiền túi ra trả nợ”. Biết bị lừa nhưng không có thông tin về đối tác và ràng buộc trách nhiệm nên bà L. đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Sau vụ việc phải ôm nợ thay cho hai vợ chồng người Hàn Quốc, bà L. còn nhận được lời chào hợp tác với ba nhà đầu tư nước ngoài để mượn tên mở doanh nghiệp ngành gỗ và may mặc.
Một lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương cũng kể về trường hợp một người trong nước đứng tên thành lập cùng lúc bốn công ty mang tên ML cho người nước ngoài. Sau một thời gian, “nhà đầu tư” nước ngoài cuốn gói bỏ trốn biệt tăm khi đang nợ lương công nhân và tiền của 42 nhà cung cấp. Ngân sách địa phương đã phải ứng hàng trăm triệu đồng trả lương cho công nhân. Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng vị lãnh đạo này cho biết hiện tượng bị lừa như trên khá phổ biến.
Cần nắm vững thông tin khi hợp tác
Lý giải nguyên nhân của tình trạng nhà đầu tư nước ngoài núp bóng công dân VN để thành lập doanh nghiệp, bà Ngô Thị Hồng Thu, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng một phần vì nhà đầu tư nước ngoài không thường xuyên ở VN, phần khác do quá trình thành lập, triển khai dự án nhà đầu tư trong nước có lợi thế am hiểu môi trường kinh doanh và các thủ tục hơn.
Ông Lê Việt Dũng, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương, cho rằng do thủ tục đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư trong nước vẫn thông thoáng hơn. Do vậy, ông Dũng cảnh báo việc đứng tên giùm cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là khi không nắm vững thông tin về đối tác.
Theo bà Phan Lê Diễm Trang - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, nhiều người không có kiến thức về hoạt động doanh nghiệp, pháp luật kinh doanh nhưng lại suy nghĩ đơn giản là không phải bỏ vốn mà lại được làm chủ doanh nghiệp, làm chủ nhà xưởng, máy móc và nếu có thua lỗ cũng không phải tiền của mình, khi có lợi nhuận thì được chia... nên dễ dàng bị lợi dụng. Họ không hề biết rằng số vốn mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra đầu tư được vay từ ngân hàng mà đơn vị vay là doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm pháp lý là người đứng tên.
Có thể bị xử lý hình sự nếu tiếp tay đầu tư chui Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), pháp luật, cụ thể là Luật doanh nghiệp, luôn ủng hộ các tổ chức, cá nhân có đủ tư cách pháp nhân đứng ra thành lập doanh nghiệp và tổ chức hoạt động kinh doanh tại VN. Các quy định liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh rất thông thoáng. Việc đứng tên thay cho người khác trong đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, đầu tư chui... Với trường hợp này, pháp luật có quy định xử phạt rất rõ ràng. Không những phải chịu trách nhiệm hành chính mà còn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản, tài chính và trường hợp gây ra thiệt hại lớn, người đứng tên có thể bị xử lý hình sự. Theo phân tích của luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP.HCM, việc công dân VN đứng tên giùm cho nhà đầu tư nước ngoài để thành lập doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1-5 triệu đồng, ngoài ra còn phải lập lại hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ông Huỳnh cho biết hiện VCCI đang cùng một số cơ quan ban ngành rà soát Luật doanh nghiệp. Theo nghiên cứu sơ bộ, có khoảng 50 điểm tại Luật doanh nghiệp không còn phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có các vấn đề về đăng ký kinh doanh, thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, tên doanh nghiệp, con dấu... Sau khi hoàn tất rà soát, VCCI sẽ trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi cho phù hợp. B.HOÀN - A.T. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận