04/04/2011 04:08 GMT+7

Làm ăn kiểu mới: Nông dân lãi lớn

VÂN TRƯỜNG - THANH TÚ
VÂN TRƯỜNG - THANH TÚ

TT - Là “vựa lúa” của cả nước, thế nhưng ít có nông dân nào ở ĐBSCL cầm trong tay hàng chục, hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ lúa. Vậy mà hàng trăm nông dân trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đầu tiên ở An Giang đã có được niềm vui đó.

Wdutc0pP.jpgPhóng to
Nông dân Nguyễn Văn Bé Năm hồ hởi thu hoạch lúa trong cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Bình. Ông biết chắc chắn vụ này sẽ thu lãi tới 200% - Ảnh: T.TÚ

Chúng tôi đến xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) vào một ngày đầu tháng 4-2011. Cánh đồng bạt ngàn hơn 1.000ha của xã đã thu hoạch gần xong. Máy gặt đập liên hợp đang chạy ầm ầm trên những thửa ruộng cuối cùng.

Dưới kênh ghe tàu xuôi ngược chở lúa từ ruộng về Nhà máy chế biến gạo Vĩnh Bình trực thuộc Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang. Tại văn phòng nhà máy, nhiều nông dân ngồi chờ đến lượt nhận tiền vừa bán lúa cho Công ty BVTV An Giang.

Run tay vì quá nhiều tiền

11 giờ. Cầm trong tay một cọc tiền 88 triệu đồng, ông Đoàn Văn Kết run run nói: “Hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui mới bán lúa lời được số tiền lớn như thế này. Nãy giờ mừng quá nên đếm sau quên trước, phải đếm lại nhiều lần. Thật không thể tin được trồng lúa vẫn có nhiều tiền thế này”.

Ông Kết có 2,6ha đất trồng lúa thơm xuất khẩu. Vụ đông xuân này ông thu hoạch đạt 8 tấn/ha. Công ty BVTV An Giang mua hết với giá 6.300 đồng/kg. Tính ra ông Kết bán lúa được tổng cộng 131 triệu đồng. Trừ hết chi phí, phân bón, thuốc BVTV và mấy chục giạ lúa để lại ăn trong bốn tháng tới, ông Kết cầm về nhà 88 triệu đồng đưa cho vợ.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - giám đốc Nhà máy chế biến gạo Vĩnh Bình, tất cả 485 hộ nông dân trong cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Bình đều đạt lợi nhuận cao như ông Kết. Ông Dũng giải thích: “Chi phí sản xuất 1kg lúa trong cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Bình chỉ có 2.200 đồng, trong khi những nơi khác chi phí sản xuất lên tới 3.200-3.500 đồng/kg. Khi thu hoạch nông dân bán cho công ty giá cao (từ 6.300-6.700 đồng/kg,) nên lợi nhuận đạt 200% là bình thường”.

Làm ăn tập thể kiểu mới

Ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc Công ty BVTV An Giang, cho biết sau nhiều năm triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, ông thấy nông dân ĐBSCL hiện đã làm chủ được khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa. Vấn đề mà nông dân lo lắng nhất chính là đầu ra của sản phẩm, làm sao bán được giá cao để có lợi nhuận cao. Phía Công ty BVTV An Giang cũng muốn có được sản lượng lúa lớn, chất lượng đồng đều để xuất khẩu nên đã nghĩ ra mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và thí điểm tại xã Vĩnh Bình trong vụ đông xuân vừa rồi.

Tại cánh đồng này công ty xây dựng nhà máy xay xát công suất đạt tới 1.000 tấn/ngày, lau bóng, tách màu và đóng gói xuất khẩu để chuẩn bị sẵn sàng cho cánh đồng rộng hàng chục ngàn hecta trong tương lai.

Ngay khi triển khai dự án, hầu hết hộ dân trong vùng quy hoạch đồng tình ngay. Diện tích trong mô hình vụ rồi đạt tới 1.070ha. Công ty đầu tư ứng trước giống, phân bón, thuốc BVTV không tính lãi và cử cán bộ kỹ thuật xuống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân.

Tất cả nông dân cùng xuống giống một ngày, chăm sóc lúa theo quy trình “sạch” của Công ty BVTV An Giang. Đến khi thu hoạch công ty đưa bao đến tận ruộng cho nông dân đựng lúa, đưa ghe đến chở lúa về nhà máy sấy khô miễn phí. Nông dân chỉ việc kiểm tra quá trình cân lúa rồi chờ lấy tiền ngay tại nhà máy. “Thậm chí nếu người nào cảm thấy giá lúa lúc đó thấp cần dự trữ chờ giá thì công ty cho mượn kho trữ một tháng không tính chi phí” - ông Thòn nói.

Do sản xuất lúa theo quy trình “chất lượng và an toàn thực phẩm”, nên đã có doanh nghiệp cam kết mua gạo của Công ty BVTV An Giang cao hơn giá thị trường cùng thời điểm 20USD/tấn. Công ty cũng mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường. “Vụ này vẫn chưa kết thúc, chưa biết công ty tôi lời lỗ thế nào. Tuy nhiên tôi chắc chắn một điều là mình đã chọn được hướng đi đúng. Hiện đang có rất nhiều nông dân bên ngoài làm đơn xin vô cánh đồng ở Vĩnh Bình, vui lắm!” - ông Thòn cho hay.

Tháng 5-2011, Công ty BVTV An Giang sẽ triển khai tiếp hai cánh đồng mẫu lớn nữa ở huyện Vĩnh Hưng (Long An) và huyện Thoại Sơn (An Giang). Mỗi cánh đồng cũng có quy mô khoảng 1.000ha và sau đó sẽ tiếp tục mở rộng ra hàng chục ngàn hecta. Mỗi nơi cũng sẽ có nhà máy, kho chứa lúa quy mô lớn như ở xã Vĩnh Bình.

Sẽ nhân rộng mô hình

Từ mô hình sản xuất lúa quy mô lớn của Công ty BVTV An Giang, cuối tháng 3-2011 Bộ NN&PTNT đã phát động chương trình “cánh đồng mẫu lớn” trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL. Ngay từ vụ hè thu này mỗi tỉnh sẽ thực hiện thí điểm một mô hình, sau đó nhân rộng với mục tiêu tập hợp nông dân vào những tổ chức sản xuất lớn. Theo ông Phạm Văn Dư, cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với diện tích lúa mỗi hộ nông dân ở ĐBSCL sở hữu như hiện nay (trung bình 0,5ha/hộ) thì không thể giúp họ khá được với nghề trồng lúa.

Ông nói: “Làm ăn riêng lẻ thì nông dân phải tự bỏ tiền thuê làm đất, thu hoạch, phải mua thiếu và trả lãi phân bón, thuốc BVTV. Đến khi bán lúa cũng không bán được giá cao do có quá nhiều tầng nấc trung gian. Khi làm ăn tập thể sẽ không còn vật vã bởi những chuyện đó nữa”.

VÂN TRƯỜNG - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên