Bộ Công Thương cho rằng cần có chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp trọng điểm - Ảnh: N.A.
Theo ông Hoài, trong khi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có hệ thống hỗ trợ đến cấp huyện và chính sách đồng bộ thì bộ máy hỗ trợ ngành công nghiệp ở các địa phương tại Việt Nam rất mỏng, lại chưa quan tâm đến công nghiệp mà chỉ tập trung cho ngắn hạn, nguồn lực gần như chưa có gì.
Năng lực doanh nghiệp Việt Nam lại yếu, không đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu là sự đóng góp của doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp địa phương đóng góp rất ít.
Nguyên phụ liệu sản xuất cũng chủ yếu nhập khẩu rất lớn. Thực tế này dẫn tới tình trạng tồn tại hai nền kinh tế trong một quốc gia.
Một số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thì chỉ tham gia 1 phần chuỗi toàn cầu nhưng chưa có giá trị gia tăng cao, làm từng công đoạn theo yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu mà chủ yếu theo sự phân công của doanh nghiệp lớn, chưa xây dựng được thương hiệu.
"Lãi suất 12% thì không ai làm công nghiệp. Một số doanh nghiệp số làm công nghiệp thành công rồi thì chuyển qua làm bất động sản.
Cả nước có 80.000 doanh nghiệp làm chế biến chế tạo, chỉ bằng một tỉnh của Nhật, trình độ rất hạn chế. Về lâu dài không tăng được số lượng doanh nghiệp và chất lượng thì rất khó" - ông Hoài nhấn mạnh.
Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Phạm Châu Giang cho biết trong 6 tháng đầu năm có 160 vụ kiện chống bán phá giá, chủ yếu là sản phẩm hàng công nghiệp.
Trong khi doanh nghiệp FDI rất chủ động, nắm vững pháp luật thì doanh nghiệp thuần Việt Nam lại không hợp tác, lo ngại tốn kém khi ứng phó với phòng vệ thương mại nên không tham gia vào các vụ phòng vệ thương mại.
Ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết một số chính sách thời gian qua đã tác động đến một số ngành công nghiệp như nghị định 116 về ôtô, giúp ngành khởi sắc và lần đầu có thương hiệu ôtô Việt, giá giảm để kéo sự thúc đẩy của công nghiệp phụ trợ.
Tới đây sẽ tổ chức hội nghị cơ khí do Thủ tướng chủ trì nhằm đưa ra các chính sách thúc đẩy lĩnh vực này.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm là 7,5% nhưng một số ngành có cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt ở nhóm hàng chính như cao su, thủy sản… bị suy giảm.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực, mặc dù tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.
Việc tồn tại hai nền kinh tế trong một quốc gia theo bộ trưởng, đặt ra yêu cầu cho công nghiệp hỗ trợ, cần phải xem hoạt động sản xuất của ta phụ thuộc yếu tố nào, tìm dư địa, khai thác ở đâu để điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tăng giá trị gia tăng, phục vụ tăng trưởng.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc thu hút đầu tư cho ôtô, dệt may, điện tử có cơ hội nhưng đối mặt tranh chấp thương mại, gian lận xuất xứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận