Các cổ đông lâu năm của Eximbank trao đổi với ông Nguyễn Cảnh Vinh (trái), tổng giám đốc Eximbank, sau khi thông báo hoãn đại hội cổ đông thường niên lần 1 ngày 30-6 vừa qua - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Mới nhất, ông H.Đ.H. - đại diện theo ủy quyền của một cổ đông sở hữu hơn 1,8 triệu cổ phần Eximbank - đã gửi đơn lên thống đốc Ngân hàng Nhà nước và chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng Eximbank có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông thường niên và công bố thông tin.
Cụ thể, Eximbank yêu cầu cổ đông phải xuất trình bản chính thông báo mời họp, nếu không, việc đăng ký tham dự sẽ do Ban kiểm tra tư cách cổ đông xem xét.
Trường hợp cổ đông ủy quyền thì người được ủy quyền cũng phải xuất trình được bản chính thông báo mời họp và giấy ủy quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank.
Ông H.Đ.H. khẳng định các yêu cầu này của Eximbank trái pháp luật, điều lệ ngân hàng, ngăn cản việc dự họp - quyền và lợi ích căn bản nhất của cổ đông.
Ngoài ra, trong đơn, ông H.Đ.H. cũng cho rằng một số thành viên HĐQT Eximbank đã bị cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử phạt do không tôn trọng quyền của cổ đông nước ngoài SMBC, nhưng thông tin này không được công bố công khai theo quy định.
Người này cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán buộc Eximbank phải công bố công khai thông tin này, đồng thời đề nghị bỏ quy định yêu cầu cổ đông phải xuất trình bản chính thông báo mời họp, thay vào đó chỉ cần có tên trong danh sách chốt ngày 10-3 và xuất trình giấy tờ tùy thân.
Eximbank là ngân hàng duy nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay vẫn chưa tổ chức thành công đại hội cổ đông năm 2019 và năm 2020.
Liên quan đến lá đơn tố cáo của ông H.Đ.H., cuối ngày hôm nay, 28-7, Eximbank đã phát đi thông cáo khẳng định việc triệu tập họp đại hội cổ đông thường niên và công bố thông tin của ngân hàng là đúng quy định.
Ngân hàng này cũng viện dẫn các quy định để khẳng định việc Hội đồng quản trị Eximbank gửi thông báo mời họp, ban hành mẫu giấy ủy quyền và thông báo trước cho các cổ đông về các thủ tục đăng ký dự họp là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cổ đông, phù hợp theo quy định của pháp luật, điều lệ và các quy định nội bộ.
Về vấn đề hội đồng quản trị, Eximbank khẳng định vẫn đang hoạt động có hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời cho biết "đang từng bước tạo sự đồng thuận cho sự ổn định và phát triển lâu dài của ngân hàng".
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 1 tổ chức sáng ngày 30-6, tỉ lệ cổ đông Eximbank tham dự chỉ đạt 17,54%, trong khi yêu cầu tối thiểu phải đạt 65% nên Eximbank không thể tổ chức đại hội.
Còn đại hội cổ đông bất thường năm 2019 vào buổi chiều cùng ngày, tỉ lệ tham dự cũng chỉ ở mức 51,92%, nên Eximbank phải hoãn cả hai đại hội trong vòng một ngày.
Sau đó, Eximbank công bố thời điểm họp đại hội cổ đông lần 2. Ngay sau thông tin này, cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đang nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank - có văn bản yêu cầu ngân hàng này tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước đại hội cổ đông thường niên lần 2.
Lý do SMBC nêu ra là đại hội cổ đông bất thường giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Do vậy, đại hội cổ đông bất thường phải diễn ra trước, để giải quyết xong tất cả vấn đề của năm tài chính 2019, trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm tài chính 2020 và nhiệm 2020 - 2025.
Mới đây vào ngày 25-7, HĐQT Eximbank đã có nghị quyết miễn nhiệm chức danh phó chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Anh Mai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận