![]() |
Lúc bấy giờ, hệ thống đường sắt, đường bộ bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên việc đi lại giữa hai miền chủ yếu dựa vào đội tàu của đoàn 125 hải quân (tiền thân là đoàn 759) - lực lượng tạo nên kỳ tích “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Thời kỳ này tàu của đoàn 125 đi biển khá nhộn nhịp với 25-26 tàu thường xuyên hoạt động.
Ngoài các tàu lớn dùng vận tải chi viện cho các đảo xa, đoàn 125 còn mở các tuyến nối các hải cảng như Hải Phòng - Đà Nẵng, Hải Phòng - Cam Ranh, Cam Ranh - Đà Nẵng... đặc biệt là tuyến Hải Phòng - Sài Gòn. Nhưng nhu cầu đi lại của đồng bào hai miền là rất lớn, đội tàu của quân đội không thể nào đáp ứng. Đúng thời điểm đó tàu khách Thống Nhất xuất hiện.
Chuyến “xuất ngoại” dài ngày và bài học mới trên biển
Tàu khách Thống Nhất có tên cũ là Kronprins Harald (tức “Hoàng tử Harald”, con tàu sinh đôi với tàu Princesse Ragnhild - “Công chúa Ragnhild”), được đóng vào tháng 4-1961 tại CHLB Đức. Ban đầu tàu thuộc sở hữu của Công ty Jahre Line (Na Uy) chuyên chở mỗi chuyến gần 600 du khách trên tuyến Oslo (Na Uy) - Kiel (Đức). Tại VN, tàu vận chuyển mỗi chuyến tới 1.000 hành khách. Năm 1991, tàu được bán lại cho Công ty Oriental Glory Maritime Co. Ltd (Valletta, Malta) và đổi tên thành Panagia. Đến năm 1996 bán cho Công ty Global Union Maritime (San Lorenzo, Honduras). Năm 1997 lại bán cho Công ty Med Cruise Maritime SA (Panama) và đổi tên là Medousa. (Nguồn: tổng hợp từ Internet) |
Năm 1975, Công ty Vận tải ven biển (Vinaship) được Cục Vận tải (Bộ GTVT) giao nhiệm vụ mua tàu của Na Uy. Đoàn cán bộ, sĩ quan, thuyền viên được cử đi nhận tàu gồm 38 người. Họ chưa từng có kinh nghiệm đi biển xa mặc dù trước đó đã làm việc trên các tàu nhỏ như Giải Phóng, Tự Lực, tàu kéo biển (VTB1, VTB2).
Cục điều động ông Nguyễn Cấp, thuyền trưởng của Công ty Vận tải biển (Vosco), làm thuyền trưởng chuyến tàu sắp nhận và ông Cao Quang Sản làm chính ủy.
Ngoài ra anh Thuận, thuyền trưởng tàu VTB1, từng du học Liên Xô, được bố trí làm thuyền phó thứ nhất; ông Nguyễn Bá Trí, thuyền trưởng tàu Giải Phóng, làm “phó hai”; một người tên Lưu, nguyên thuyền trưởng tàu Giải Phóng, làm “phó ba”; một người tên Thức, từng học kỹ thuật máy tàu ở Trung Quốc, làm máy trưởng.
Do tính chất “nghiêm trọng” của chuyến đi nên hầu hết cán bộ, thuyền viên khác đều đã tốt nghiệp ĐH hàng hải trong và ngoài nước, nay đảm nhận các chức danh thủy thủ, thợ máy....
Ngoài đoàn đi nhận tàu của Vinaship còn có đoàn mua tàu do thuyền trưởng Đặng Văn Qua - cục phó Cục Vận tải và chuyên gia kỹ thuật Võ Cận thực hiện đàm phán trước và chuẩn bị mọi vấn đề liên quan để hỗ trợ đoàn nhận tàu. Lúc bấy giờ đất nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh nên còn nghèo lắm. 38 người đi xuất ngoại dài ngày mà chỉ được cấp 10.000 USD mang theo dự phòng.
Mỗi người được mượn một bộ comlê, một cà vạt, một đôi giày da, một áo len và một mũ bông. Riêng các thuyền viên được cho may thêm một bộ đồng phục mùa đông và một bộ mùa hè để “ăn nói” với các tàu bạn. Lúc bấy giờ tàu biển VN mới đi tuyến Hải Phòng - Hong Kong nên Bộ Tài chính mới chỉ qui định tiền tiêu vặt 6 đôla Hong Kong/ngày cho tuyến này, đoàn này vì đi tuyến khác không được hưởng gì cả.
Đoàn nhận tàu rời Hà Nội vào sáng 30-9-1975, bay tới sân bay Nam Ninh làm thủ tục, sau đó bay tiếp tới thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngủ lại một đêm, hôm sau lại bay tiếp đến thủ đô Matxcơva (Liên Xô). Ông Chu Quang Thứ - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải - nhớ lại: “Ở Bắc Kinh chúng tôi rất đói vì… không có tiền”.
Sau 13 ngày tham quan Matxcơva, đoàn đi Berlin (thủ đô Đông Đức cũ) bằng tàu hỏa, sau đó ngồi ôtô đến nơi nhận tàu - cảng Kiel của Tây Đức cũ. Hồi ấy, khi đi nước ngoài, các đại sứ quán có trách nhiệm lo ăn ở, đi lại... cho đoàn. Ở Berlin, giá thuê phòng tối thiểu là 70 mac/đêm nhưng tiêu chuẩn của mỗi người chỉ có 14 mac/đêm, cho nên họ chỉ dám vào ngủ khách sạn hai đêm, hai đêm còn lại phải đứng vất vưởng ở nhà ga giá lạnh chờ trời sáng.
Đoàn lưu lại Kiel ba ngày để hoàn tất mọi thủ tục giao nhận tàu với bên bán - một hãng tàu Na Uy, sau đó rời bến treo cờ đỏ sao vàng trong hành trình về VN. Lúc này trên tàu còn có thêm 11 sĩ quan, thuyền viên người Na Uy cùng vận hành tàu vượt biển Bắc, qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Hồng Hải, vượt Ấn Độ Dương đến Singapore trước khi về Hải Phòng.
Khi đến Hồng Hải, tàu nhận được bức điện từ Vinaship yêu cầu đổi tên tàu “Hạ Long” - tên gọi hàm ý định hướng phát triển kinh tế sau chiến tranh (vì vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng) thành tàu “Thống Nhất”. “Trước đó tàu VN chỉ treo cờ phương tiện thuê của nước ngoài. Giờ có cờ của mình, chúng tôi rất tự hào” - ông Thứ kể.
Tại cảng Kiel, một thanh niên tên Sơn xưng là con của một tỉnh trưởng chế độ cũ, khi thấy cờ VN đã lên tàu hỏi thăm tin tức quê nhà và cho biết sẵn sàng giúp đỡ. Rõ ràng sự xuất hiện của lá cờ Tổ quốc đã tạo nên sự hòa hợp dân tộc ngay ở nước ngoài.
Khi tàu đến Ấn Độ Dương, một buổi sáng nọ dù không hẹn trước nhưng tất cả mọi người (trừ số đi ca) đều tề tựu ở phòng câu lạc bộ để chờ nghe tín hiệu từ… Đài Tiếng nói VN. Đó chỉ là một chương trình phát thanh nông nghiệp - nông thôn nhưng mọi người thấy hay ơi là hay vì sau mấy chục ngày lênh đênh trời Tây ai cũng da diết nhớ quê hương.
Theo yêu cầu của các sĩ quan Na Uy, trừ những người đi ca, số còn lại phải thực tập cứu hỏa. Một số anh em thuyền viên VN cảm thấy quá quen vì ở nhà làm mãi rồi nên có vẻ chây ì. Nhưng các sĩ quan nước ngoài tỏ ra rất nghiêm khắc: “Dù các ông thắng Mỹ trong chiến tranh, các ông rất giỏi, nhưng cứu hỏa trên tàu khách rất quan trọng. Nó quyết định sinh mạng của hàng nghìn người nên không bao giờ được sao nhãng”. Sự kiên quyết của họ là một bài học ban đầu thật quí giá cho các sĩ quan, thuyền viên Việt.
Kỷ niệm cuộc đời của một người đàn ông Na Uy
Con tàu này trước đây phục vụ du khách xứ lạnh nên có một hệ thống sưởi ấm dẫn tới tận các buồng khách. Khi về VN, hệ thống này được cải tiến thành hệ thống thông gió, nhưng do không đủ làm mát nên có những hành khách ra nằm bên ngoài buồng, đến khi say sóng thì nôn mửa nên thuyền viên dọn rất cực. Một lần, tàu bị cháy buồng cách ly (dùng khi có bệnh dịch, người chết). Các thủy thủ đã bơm nước dập tắt đám cháy. (Ông Nguyễn Bá Trí - nguyên thuyền phó tàu Thống Nhất) |
Sĩ quan điện trưởng người Na Uy (không nhớ rõ tên tuổi) là người gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông Chu Quang Thứ. Ông là người duy nhất làm việc liên tục trên con tàu này từ khi nó mới được đóng, chở khách cho đến khi bàn giao cho phía VN. Người đàn ông này dường như rất có tình cảm với con tàu và với VN nên ông rất tận tâm hướng dẫn ông Thi - điện trưởng của phía VN.
Khi bàn giao xong ở Hải Phòng, ông đã chủ động nhờ các đồng nghiệp phía VN mua giúp một vài bức ảnh “Bác Hồ bế thiếu nhi”. Ông nói chưa từng thấy nguyên thủ quốc gia Na Uy có ảnh bế trẻ em. Lục tung ở các hiệu sách cuối cùng cũng tìm được một bức thiếu nhi vuốt râu Bác. Người đàn ông Na Uy nói rằng chuyến đi này có được ảnh Bác Hồ bế trẻ em là kỷ niệm quan trọng trong cuộc đời ông.
Mãi đến năm 2001, ông Thứ mới có dịp gặp lại vị thuyền trưởng Na Uy ngày xưa trong một chương trình hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn hàng hải cho phía VN. Lần đó, người đàn ông tóc bạc phơ đã chủ động tự giới thiệu là thuyền trưởng tàu khách đi từ Kiel về Hải Phòng năm 1975.
Người đàn ông này cứ nhắc đi nhắc lại, kể về một thuyền trưởng thông thạo chuyên môn và giỏi tiếng Anh lẫn tiếng Pháp mà ông từng gặp khi giao tàu Thống Nhất tại Hải Phòng. Người mà vị khách nước ngoài nói tới chính là thuyền trưởng Nguyễn Văn Quế, người thầy của nhiều thuyền trưởng VN.
Kể ra, trên chuyến tàu hành trình nửa vòng trái đất năm xưa có tới bốn thuyền trưởng tàu viễn dương, trong đó có ba người Việt (Nguyễn Cấp, Đặng Văn Qua và Ngô Văn Thuận) và một người Na Uy. Sau một tháng mang lá cờ VN đi nửa vòng Trái đất, tàu Thống Nhất đã về đến quê hương, bắt đầu một nhiệm vụ mới...
------------
* Kỳ tới: “Chuyện đời” trên hành trình vượt biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận