13/09/2014 09:47 GMT+7

​Lại bù đầu với tiền trường

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Cả phụ huynh và nhà trường cùng loay hoay với những khoản tiền đầu năm học.

Những khoản thu đầu năm  mà các trường thông báo cho phụ huynh - Ảnh: Lưu Trang
Những khoản thu đầu năm mà các trường thông báo cho phụ huynh - Ảnh: Lưu Trang

Cầm “giấy báo thu và thanh toán” trên tay, chị P. - phụ huynh học sinh lớp 6 Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM - không khỏi hoang mang khi thấy ngoài các khoản thu bình thường như tiền ăn, học phí, có một khoản thu 633.500 đồng được ghi là khoản “tiền đầu năm”. Chị đặt câu hỏi: “Tiền đầu năm là tiền gì?”.

Đủ khoản thu

19 khoản thu

Một phụ huynh ở một ngôi trường bình thường (không phải trường điểm) cho chúng tôi xem danh sách 19 khoản thu vừa được thông báo trong buổi họp phụ huynh mà anh ghi lại: học bạ, học phẩm học cụ, học phí tăng cường tiếng Anh, tổ chức phục vụ bán trú, vệ sinh phí, khám chữa răng, tổ chức môn học tự chọn, bảo trợ học đường... Theo anh: “Phụ huynh phải đóng quá nhiều khoản, không nhớ hết. Đây mới chỉ là những khoản cơ bản cũng đã gần 2 triệu đồng. Đến cuối tháng 9, khi thu khoản tiền quỹ trường, quỹ lớp, quỹ xã hội hóa, đóng góp cho công trình ban đại diện cha mẹ HS, lúc đó mới lo. Nhà hai đứa con đi học là cha mẹ đã tốn kém kha khá rồi!”.

Ban giám hiệu Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM cho biết do các khoản thu khá nhiều, trong đó hầu hết là khoản thu hộ, chi hộ nên không in đủ vào tờ thông báo thu, trường đã ghi chi tiết ở bảng thông báo và đề nghị phụ huynh xem ở bảng.

Nếu ghi đầy đủ thì “tiền đầu năm” này gồm 11 khoản thu khác nhau gồm: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, trang thiết bị vật dụng bán trú, nha học đường, kiểm tra học kỳ, phù hiệu, sổ liên lạc - báo bài, phiếu báo điểm - học phẩm, phiếu mẫu vật thực hành, học bạ và học bạ lớp tăng cường tiếng Anh, ghế nhựa.

Nhà trường cũng cho biết tất cả khoản thu này đều đã được đại hội ban đại diện cha mẹ HS thống nhất thực hiện trong hai năm, kể từ năm học 2013-2014 và năm nay không tăng, không thu mới.

Trong khi đó, một phụ huynh có con học mầm non tại quận 1 phản ảnh: “Trong khi gạch hoa lát sàn vẫn còn tốt, trường gợi ý phụ huynh mua gạch nhựa thay thế. Một phòng học 70-80m2 thì chi phí lên đến 50 triệu đồng. Phụ huynh đề nghị lót miếng xốp nhưng trường không chịu. Hỏi thì nhà trường nói đây là chủ trương của sở. Trường cũng gợi ý phụ huynh mua bảng tương tác và các sản phẩm học cụ, đồ chơi, đất sét của hãng T để đồng bộ. Con tôi còn quá nhỏ, cháu chủ yếu ăn, ngủ, tôi không hiểu bảng tương tác để làm gì và những bộ học cụ, đồ chơi kia có thật sự cần hay chưa bởi chỉ riêng các khoản tiền ăn, học phí đầu năm đã quá nhiều rồi”.

Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Lý Phong, quận 5, TP.HCM thắc mắc về khoản tiền quỹ mà chị được thông báo đóng đầu năm học này: quỹ trường 200.000 đồng, quỹ lớp 300.000 đồng, quỹ khuyến học 200.000 đồng và quỹ sửa chữa nhà vệ sinh 200.000 đồng.

Cô Trần Thị Thu Ngân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường không chủ trương thông báo thu quỹ lớp mà đây là hoạt động tự phụ huynh ở các lớp đề xuất, thường dùng để photo tài liệu, hỗ trợ hoạt động.

Tuy nhiên mức thu 300.000 đồng mà phụ huynh phản ảnh là quá cao, nếu lớp nào thu mức đó thì trường sẽ bắt buộc trả lại cho phụ huynh”.

Cô Ngân cho biết các khoản quỹ trường, quỹ khuyến học đều được sử dụng hoàn toàn cho HS, như trợ cấp cho HS nghèo, học bổng, khen thưởng, tập huấn cho liên đội, hoạt động văn thể mỹ...

Khoản tiền “nhà vệ sinh” bao nhiêu cho vừa!

Riêng khoản 200.000 đồng sửa chữa nhà vệ sinh, cô Ngân nói thêm: “Một số mạnh thường quân lớp 6 khi vào trường thấy nhà vệ sinh quá cũ, HS phải ngồi xổm rất bất tiện nên đã sửa lại thành xí bệt, lát lại nền, ốp gạch men trắng cho sạch sẽ ở khu vệ sinh tầng trệt. Kết quả là HS của các tầng 1, 2, 3 mỗi giờ ra chơi đều chen chúc dùng nhà vệ sinh mới này. Đáp ứng nguyện vọng của các em nên ban đại diện cha mẹ HS đề xuất sửa các nhà vệ sinh ba tầng còn lại với kinh phí 275 triệu đồng, thu theo tinh thần tự nguyện. Đến nay phụ huynh chỉ đóng được 100 triệu đồng nên trường chỉ tạm thời sửa thêm một tầng rồi... để đó”.

Ngân sách xây sửa trường lớp bị hạn chế, thủ tục xin cấp ngân sách còn nhiêu khê, các trường than nếu chờ trên chi thì trường xuống cấp, HS thiệt thòi, còn huy động nguồn xã hội hóa thì bị phụ huynh khiếu kiện, khó có sự đồng thuận 100%.

Một hiệu trưởng trường tiểu học tại quận 10 than thở: “Nếu có ngân sách nhà nước cấp thì tốt quá. Chính các trường cũng rất mệt mỏi khi phải xã hội hóa. Không cải tạo nhà vệ sinh thì HS không dám đi, nhịn đến lúc về nhà, muốn xây sửa thì phải xã hội hóa, mà nếu thu tiền thì chắc chắn có phụ huynh phản đối”.

Tương tự, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM cho biết: “Trong cuộc họp phụ huynh đầu tháng 9, nhà trường có đề nghị phụ huynh đóng góp tiền xây dựng nhà vệ sinh mới trị giá 2 tỉ đồng”.

Một phụ huynh khác cho biết hiện nay hệ thống nhà vệ sinh ở trường vẫn còn khá tốt, nếu có thì chỉ cần sửa chữa nhỏ trong khi 2 tỉ đồng là số tiền khá lớn, HS phải trả nợ nhiều năm mới hết.

Ông Lê Kim Giang, hiệu trưởng nhà trường, giải thích: “Nhà trường có 1.900 HS, số HS của mỗi buổi là hơn 900 em, nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh rất cao.

Tuy nhiên, đã có phản ảnh việc ngại đi vệ sinh vì hệ thống bàn cầu xổm, cũ, nặng mùi dù trường đã tăng cường lao công. Vì vậy một số phụ huynh có hướng đưa ra công trình phụ huynh của năm nay là xây sửa hệ thống nhà vệ sinh cùng với việc chống dột, lắp laphông...

Đây mới chỉ là thông tin đưa ra lấy ý kiến, muốn làm hay không phải chờ đại hội cha mẹ HS, xin chủ trương của quận, được thì mới làm, nếu đồng thuận ít thì trường không làm”.

Theo ông Giang, nếu dự án này được đồng thuận thực hiện thì phương án thực hiện sẽ là HS trả dần trong khoảng ba năm với số tiền 100.000-400.000 đồng/năm/HS tùy theo khối lớp. 2 tỉ đồng chỉ là kinh phí để xây dựng, sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh nam, nữ của HS (thay bệ cầu xổm thành bệt, tăng số bồn cầu, lắp vòi rửa tay tự động), nếu thực hiện cả nhà vệ sinh cho giáo viên (cũng đã xuống cấp), kinh phí đội lên khoảng 600 triệu đồng nữa.

Tuy nhiên, nhà trường chỉ đề xuất xây sửa cho khu vực của HS để tiết kiệm. Ông Giang khẳng định: “Nếu phụ huynh không đồng thuận cao, nhà trường sẽ không thực hiện công trình này”.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (trưởng phòng mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM):

Khuyến khích làm tùy theo điều kiện

“Sở có hướng dẫn các trường khi lát nền lớp nhà trẻ cần chọn loại gạch bền, sạch sẽ, an toàn và có thể làm đẹp lớp. Gạch bông khiến các bé bị lạnh khi ngồi, bò, không tốt cho sức khỏe của trẻ, tấm simili thì không bền, dễ rách, khó vệ sinh. Từ những kinh nghiệm trong quá trình làm việc, chúng tôi khuyến khích các trường tùy theo điều kiện của trường mình làm sàn gỗ hoặc sàn nhựa để đảm bảo an toàn cho trẻ chứ không bắt buộc”.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên