PGS.TS Phạm Ngọc Phương - trưởng bộ môn đường ô tô và đường thành phố, khoa xây dựng cầu đường, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online.
"Trong bối cảnh cao tốc chưa hoàn chỉnh do đầu tư phân kỳ thì việc lưu thông trên đường cũng phải liệu cơm gắp mắm, đừng đòi hỏi di chuyển tốc độ cao, mà cần tuân thủ hệ thống cảnh báo trên đường để đảm bảo an toàn" - ông nói.
Giảng viên giao thông chỉ cách phòng tránh tai nạn khi vượt xe trên cao tốc
Không nên vội hiểu đường cao tốc là đường có tốc độ cao
* Cao tốc là một loại hình giao thông còn tương đối mới với nhiều người, việc phân cấp đường cao tốc như thế nào, thưa ông?
- Phân loại phân cấp đường nói chung trên thế giới sẽ chủ yếu dựa vào chức năng của đường, thể hiện qua tính cơ động (tốc độ) và tính tiếp cận. Tính cơ động tăng thì tính tiếp cận giảm và ngược lại.
Từ đó, đa số các nước, mà điển hình như Mỹ, đường được phân thành các loại: đường địa phương, đường gom, đường trục chính, đường cao tốc
Ở nước ta, có 4 tiêu chuẩn thiết kế đường riêng: đường giao thông nông thôn, đường ô tô, đường đô thị và đường cao tốc. Đường cao tốc ở nước ta thiết kế theo tiêu chuẩn hiện hành TCVN 5729:2012. Theo tiêu chuẩn này thì đường cao tốc có 4 tốc độ thiết kế là 60km/h, 80km/h, 100km/h và 120km/h.
* Như vậy đường cao tốc không nhất thiết phải có tốc độ cao hơn các loại đường ô tô thông thường khác?
- Đúng! Không vội hiểu đường cao tốc là đường có tốc độ cao và càng không nên nghĩ khi vào đường cao tốc thì chạy với tốc độ nào cũng được. Đường ô tô cấp II đồng bằng được thiết kế với tốc độ 100km/h đấy!!!
Với 4 tiêu chuẩn ở nước ta thì tốc độ thiết kế là tốc độ dùng để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu của đường trong điều kiện khó khăn. Còn tốc độ khai thác trên đường sẽ tùy thuộc vào điều kiện đường, điều kiện giao thông và điều kiện tổ chức và điều khiển giao thông mà sẽ được cơ quan quản lý khai thác đường quy định riêng.
* Có thể thấy theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, tuyến đoạn Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ chưa phải là cao tốc. Cần định nghĩa thế nào để có nhận thức đúng?
- Về cơ bản, TCVN 5729:2012 nêu rõ đường cao tốc có tối thiểu 2 làn cho mỗi chiều xe chạy, dải phân cách và làn dừng khẩn cấp cũng như hệ thống đảm bảo an toàn giao thông trên đường. Tuy nhiên, trong trường hợp địa hình rất khó khăn thì có thể giảm bề rộng mặt đường xuống.
Tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ được thiết kế trong điều kiện địa hình rất khó khăn, hầu hết các đoạn chỉ có 2 làn xe. Điều này có nhiều nguyên nhân như điều kiện xây dựng khó khăn do địa hình, nguồn vốn…. Mặc dù vậy, nhưng khi đối chiếu với định nghĩa đường cao tốc thì có phần chưa đạt.
Do đó có thể tạm gọi cao tốc này là "cao tốc chưa hoàn chỉnh". Những đoạn chưa hoàn chỉnh thì có thể xem như đường trục chính "2-lane highways" trên thế giới, như đường Great Ocean Road, tốc độ cho phép đến 100km/h, nối từ Adelaide đi Melboure ở Úc, nơi tôi từng làm việc ở đây.
Hiểu về đường lái xe an toàn hơn
* Để đường nâng đủ chuẩn cao tốc sẽ mất thời gian rất lâu, cần làm gì để hạn chế những tai nạn?
- Tôi cho rằng nhấn mạnh đến yếu tố ý thức chấp hành giao thông, tôi dùng từ "kỷ luật giao thông". Và đường này thì cơ quan chuyên môn cần nhấn mạnh khái niệm về đường "cao tốc chưa hoàn chỉnh".
Cần đẩy mạnh truyền thông để người tham gia hiểu được các tình hình và đặc điểm khai thác của đường cao tốc hiện tại, góp phần đảm bảo an toàn xe chạy.
Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc xảy ra, cần kiểm tra lại việc bố trí các công trình đảm bảo an toàn giao thông và phòng hộ trên đường cao tốc.
Thông tin cần rõ ràng, chi tiết và đặc biệt thông tin quan trọng cần được lặp đi lặp lại và cảnh báo sớm đến người lái xe, đặc biệt các biển báo kết thúc đoạn được vượt hoặc cấm vượt nên được bố trí sớm hơn ở các đoạn chuẩn bị nhập làn.
Về phía cơ quan chức năng cần lắp camera theo dõi việc chấp hành tốc độ và đi đúng làn. Có thể phạt nặng các trường hợp vi phạm để nâng cao kỷ luật giao thông.
* Qua vụ tai nạn vừa rồi, ông có khuyến cáo gì đến lái xe trên tuyến "cao tốc chưa hoàn chỉnh"?
- Đối với đường cao tốc chưa hoàn chỉnh, chưa có dải phân cách cần tuyệt đối kiên nhẫn khi lái xe, làm chủ được tốc độ xe chạy, đi đúng làn đường, vượt đúng vị trí và đảm bảo an toàn khi vượt, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. Khi vượt xe cần đảm bảo "tầm nhìn vượt xe" trước khi vượt và đảm bảo an toàn trong quá trình vượt và trở về làn đường cũ sau khi vượt xe.
Lái xe cần có "khái niệm" về đường
Người tham gia giao thông cần có "khái niệm" về con đường mình đang đi và môi trường xung quanh. Tức cần quen đường, biết tốc độ cho phép, số làn, vị trí nút giao, đoạn nhập tách dòng/ làn, vị trí nguy hiểm/tai nạn, tình hình xe cộ, điều kiện mặt đường… Nếu chưa có "khái niệm" về tuyến đường thì cần đặc biệt cẩn thận khi lái xe trên đường, nhất là khi di chuyển trên đường có tốc độ cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận