26/05/2024 12:30 GMT+7

Kỳ vọng mang tên... sâm

Sáng ngồi nhâm nhi cà phê, thấy dòng người đổ về đường Lê Lợi mà vui. Mọi người hào hứng tới dự lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đang diễn ra từ ngày 24 đến 26-5.

Người dân TP.HCM trầm trồ trước những bình sâm cỡ khủng cùng rừng sâm bạc tỉ thu nhỏ giữa lòng thành phố - Ảnh: NHẬT XUÂN

Người dân TP.HCM trầm trồ trước những bình sâm cỡ khủng cùng rừng sâm bạc tỉ thu nhỏ giữa lòng thành phố - Ảnh: NHẬT XUÂN

Sự kiện hấp dẫn bởi sự góp mặt của nhiều loại sâm ở các độ tuổi khác nhau, từ sâm Ngọc Linh đến sâm Lai Châu, sâm Bố Chính... Điều đó chứng tỏ Việt Nam là quốc gia có lượng sâm rất lớn và sâm là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Sâm được quan tâm vì là dược liệu quý, có công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Về giá trị, sâm Ngọc Linh là cây trồng số 1 ở Việt Nam. Xét về tổng thể thì chưa có loại cây trồng nào có thể sinh lợi lớn như cây sâm. Hình dung 1ha rừng trồng sâm xen kẽ dưới tán lá sau 5 đến 7 năm thu về 30 đến 60 tỉ đồng, tương đương 2 triệu USD.

Bên lề hội thảo nằm trong chuỗi chương trình của lễ hội, ông Trương Đình Kiểm - tổng giám đốc Công ty TNHH KTC Quảng Nam - cho biết thị trường sâm ở Việt Nam hiện doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ông Kiểm cho rằng đây là sự thiệt thòi ngay trên sân nhà. Sự thiệt thòi này không dừng lại ở đây, doanh nghiệp trồng và chế biến sâm ở tỉnh Quảng Nam còn kể một nỗi buồn hai năm trước khi sang Trung Quốc nghiên cứu về thị trường sâm.

"Các nơi trên thế giới nhìn sâm Trung Quốc, Hàn Quốc như "anh cả"; còn sâm Việt là "đàn em" chưa có tên tuổi.

Khoa học nghiên cứu sâm Việt Nam có nhiều hoạt chất saponin cao hơn và không có trong các loại sâm khác.

Nhưng chính phủ các nước rất biết cách bảo hộ chất lượng sâm. Từ sản phẩm đa đạng, cách làm thương hiệu chuyên nghiệp, hướng tới hầu hết người tiêu dùng. Trong khi ở ta nghĩ về dùng sâm chỉ có người giàu", ông Kiểm trăn trở.

Chuyện trăn trở của ông Kiểm như câu hỏi cần nhiều lời giải đáp làm sao cho sâm Việt Nam có thương hiệu quốc gia, được quốc tế thừa nhận, trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Bởi thực tế, sâm Việt Nam đang xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng bản chất sản phẩm chỉ mang tính thương mại, thương hiệu quốc gia còn yếu trong việc định vị sâm trên thị trường quốc tế.

Với Chương trình phát triển sâm đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, cả nước phấn đấu đạt 21.000ha diện tích trồng sâm với sản lượng khai thác đạt khoảng 300 tấn/năm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn, nghĩa là sản lượng sẽ tăng theo thời gian với nhiều kỳ vọng.

Kỳ vọng này cần nhiều việc phải làm. Khi lượng tăng, đòi hỏi phải đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi; đầu tư công nghệ, hạ giá thành cũng như chế biến nhiều sản phẩm phù hợp với đa số người tiêu dùng, tăng nhu cầu để sâm đến với mọi nhà.

Việc này tạo tiền đề cho một "nền công nghiệp sâm" với thương hiệu quốc gia. Và tất nhiên phải gạn lọc, phải kiểm soát được thị trường trong nước.

Vì hàng hóa có giá trị và khó kiểm định chất lượng như sâm Ngọc Linh chắc chắn sẽ có buôn gian bán dối. Sau đó mới tính chuyện nâng hạng sâm Việt Nam ở thị trường quốc tế.

Khi sâm Việt Nam có thương hiệu rõ ràng thì những vườn sâm như sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn là quốc kế dân sinh.

Vùng trồng sâm nhân lên cũng đồng nghĩa hy vọng đổi đời của bà con càng thêm rộng mở. Nhiều nông dân vụt lên thành tỉ phú chỉ qua vài mùa lá rụng sẽ không còn là chuyện viển vông.

Thi tìm món ngon nấu với sâm ở chân núi Ngọc LinhThi tìm món ngon nấu với sâm ở chân núi Ngọc Linh

Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tổ chức Hội thi ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh nhằm tìm thêm các món ăn dinh dưỡng từ đặc sản cây sâm dây.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên