
Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm chính thức Việt Nam, cộng đồng kiều bào và trí thức Việt Nam tại Pháp bày tỏ kỳ vọng lớn về những bước tiến đột phá trong quan hệ hai nước. Họ tin rằng chuyến thăm sẽ mở ra giai đoạn hợp tác sâu sắc hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, giáo dục và đổi mới sáng tạo.
Nhiều tiềm năng hợp tác thương mại
Doanh nhân Trần Ngọc Phú, với hơn 30 năm kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm giữa Việt Nam và Pháp, nhận định quan hệ thương mại hai nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.
Kim ngạch thương mại tăng mạnh, nhiều "điểm nghẽn" liên tục được tháo gỡ. Hàng hóa nông sản Việt Nam nhập vào châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đang ngày càng có vị thế vững chắc, không còn phải cạnh tranh khốc liệt như trước.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng các thỏa thuận song phương đã gần như đưa thuế quan về 0. Chính phủ Pháp cũng có nhiều động thái hỗ trợ nông sản Việt Nam tiến vào thị trường nước này.
Ngược lại, các mặt hàng nông sản chủ lực của Pháp như táo, nho - vốn đã khẳng định được vị thế thương hiệu hàng đầu thế giới - cũng có thể được nhập vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo ông Phú, hoạt động thương mại hiện tại vẫn chưa khai thác hết tiềm năng to lớn. Pháp đang là nền kinh tế lớn thứ hai EU, nhưng chỉ là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại khối này. Nguyên nhân một phần đến từ việc doanh nghiệp, người dân Việt Nam chưa được thông tin đầy đủ về các chính sách kiểm định hàng hóa EU.
Doanh nhân Việt kiều Pháp cho rằng cần tăng cường truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ tiềm năng kinh tế của thị trường Pháp, từng bước đáp ứng các yêu cầu kiểm định. Bên cạnh đó, việc hợp tác giáo dục cũng nên được tăng cường, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, để tạo ra nguồn nhân lực hiểu rõ thị trường và quy trình sản xuất.
Khoa học - kỹ thuật cần đột phá mới
PGS.TS Bùi Quốc Bảo, nguyên giảng viên tại Trường Polytech Annecy-Chambéry, ĐH Savoie Mont Blanc (Pháp), kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Macron sẽ mở ra giai đoạn hợp tác thực chất trong giáo dục đại học, khoa học - kỹ thuật và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc phát triển và rất cần sự hỗ trợ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao trong các ngành kỹ thuật, công nghệ xanh, năng lượng sạch và đô thị bền vững.
"Với bề dày của nền khoa học Pháp và nhu cầu đổi mới công nghệ mạnh mẽ của Việt Nam, tôi tin rằng nếu có sự kết nối đúng chỗ và được hỗ trợ từ chính phủ hai bên, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật và khoa học ứng dụng sẽ có bước phát triển vượt bậc", ông nhận định.
Một số lĩnh vực giàu tiềm năng hợp tác gồm kỹ thuật kết cấu tiên tiến và vật liệu xanh, giải pháp xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu - nước biển dâng, nghiên cứu liên ngành về thành phố thông minh và phát triển bền vững.
Đặc biệt, Pháp có kinh nghiệm hàng chục năm phát triển các hệ thống đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị (metro). Đây là mô hình Việt Nam cần học hỏi trong việc quy hoạch, xây dựng và vận hành các tuyến metro tại Hà Nội, TP.HCM cũng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Để phát huy hiệu quả những tiềm năng này, ông Bảo đề xuất đẩy mạnh các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của hai nước. Đặc biệt cần hình thành các trung tâm nghiên cứu - đào tạo liên quốc gia tại Việt Nam để quy tụ các nhà khoa học Pháp và Việt cùng làm việc, sáng tạo.
"Đa số người Việt Nam tại Pháp đánh giá rất tích cực về những chuyển biến gần đây trong quan hệ hai nước. Nếu biết tận dụng sự kết nối của cộng đồng người Việt tại Pháp, không chỉ về văn hóa, giáo dục mà cả về kinh tế - công nghệ thì quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển bền vững và thực chất hơn nữa", ông Bảo chia sẻ.
Điện hạt nhân - lĩnh vực hợp tác tiềm năng
Năng lượng hạt nhân là thế mạnh của Pháp và được nhiều kiều bào kỳ vọng trở thành điểm nhấn trong hợp tác Việt - Pháp.
TS Trần Hà Anh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nhận định hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khó đáp ứng mục tiêu net zero.
Pháp - với truyền thống phát triển điện hạt nhân từ những năm 1970 và trình độ quản lý an toàn vượt trội - hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nhân lực và tư vấn vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Tổng thống Pháp bắt đầu chuyến thăm Việt Nam
Tối 25-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân. Dự kiến hôm nay 26-5 sẽ diễn ra lễ đón chính thức.
Trả lời báo chí, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet khẳng định Tổng thống Macron đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á.
Ông nhấn mạnh Pháp đặc biệt quan tâm đến tầm nhìn trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam và những dự án hạ tầng lớn, mang tính chiến lược của mảnh đất hình chữ S.
Khi Tuổi Trẻ hỏi Pháp sẽ hỗ trợ mục tiêu 2045 của Việt Nam bằng cách nào, Đại sứ Brochet chia sẻ cách tiếp cận của Pháp là thông qua giáo dục, đào tạo nâng cao năng lực hướng tới sự tự chủ.
Ông tin rằng các dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hay điện hạt nhân một khi hoàn thành sẽ đưa đất nước Việt Nam phát triển, tạo ra sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận