"Kiệt Nam bộ"
![]() |
Sau ngày giải phóng, ngôi biệt thự của nhà tư sản Ưng Thi ở góc đường Tú Xương, Trương Định (Q.3, TP.HCM) được phân cho ông Võ Văn Kiệt làm nhà ở. Nhưng ông đã nhường lại cho chính quyền địa phương để làm trường mầm non |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Kỳ 1:Những ngày thơ ấuKỳ 2: Một cái tên bắt đầu một sự nghiệpKỳ 3: Gặp những người ấn tượngKỳ 4: Phải giữ đất, giữ dânKỳ 5:Để lại dấu ấn trên khắp mọi miền
Ông Nghĩa từng làm quận trưởng công an đặc biệt, bảo vệ An toàn khu (ATK) hồi ông Kiệt ra Việt Bắc, rồi cùng dự Đại hội Đảng lần II, cùng học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc III với ông. Thỉnh thoảng, khi cần nghe những lời nói thật, ông Kiệt lại gọi đại tá Nghĩa tới, hỏi: "Ngoài phố họ nói tao thế nào, mày?". Ông Kiệt cũng chỉ mới gặp lại đại tá Nghĩa vào một ngày cuối năm 1991.
Hôm đó, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới nhậm chức Võ Văn Kiệt đang chuẩn bị đi đón một vị khách quốc tế thì bảo vệ đưa cho ông một lá thư. Mở ra đọc, ông thấy cái giọng thư không lẫn vào đâu được: "Tao biết mày ở đây. Người xưa nói "giàu đổi bạn, sang đổi vợ". Không biết mày có thế không. Tao về hưu rồi, không tìm mày để nhờ vả, kiếm chác gì nữa. Tao già, người già thích gặp bạn cũ, thế thôi. Mày biết tao "giang hồ quen thói vẫy vùng" rồi". Ký tên: "Nghĩa, Trần Tấn Nghĩa". Kèm theo lá thư là một tấm hình nhỏ chụp ông Kiệt thời trẻ, trong bộ quân phục "Bát lộ quân". Phía sau tấm ảnh ghi nắn nót: "Mến tặng Nghĩa để kỷ niệm những ngày học tập ở Trường Đảng và cũng là những ngày không thể quên nhau. VB (Việt Bắc) ngày 13-2-1952". Ký tên: "Kiệt, Kiệt Nam bộ".
Lo cứ là lo bạc mái đầu Mà lòng nào có thấy yên đâu Nên lòng dân nặng ơn non nước Tên anh đồng nghĩa chữ đồng bào. (Trích bài thơ Thủ tướng của nhân dân của Nguyễn Minh Nhị viết tặng chú Sáu Dân năm 1998) |
Tối hôm đó về nhà, bà Phan Lương Cầm - vợ ông Kiệt - đã chuẩn bị một bữa tiệc: đùi bê non thui chấm tương, cá thu kho... Ông Kiệt bảo: "Mày cứ bốc tay như dạo trước". Rồi nhân lúc bà Cầm đi xuống bếp, ông hạ giọng: "Mày nhớ cô Hạ quán Cây Đa Nước Chảy không?". Ông Nghĩa: "Cô Hạ "máy chém" chứ gì. Tao nhắc mày là cổ bây giờ có chắt rồi đấy nhé”. Cả hai cùng cười thoải mái, sống lại những ngày của 40 năm cũ. Ngày đó, cạnh Trường Nguyễn Ái Quốc có một quán nước. Cô Hạ, chủ quán, rất xinh nhưng giá bán thì mắc như "máy chém". Học viên, toàn là cán bộ cao cấp, vẫn hay "lượn lờ" ở đấy dù chẳng ai có nhiều tiền.
Ngày 23-11-1997, bảy năm sau ngày gặp lại, ông Kiệt nói với đại tá Nghĩa: "Tao trả cái chức thủ tướng rồi mày ạ”. Ông Kiệt rủ đại tá Nghĩa về lại Việt Bắc. Họ cùng ghé "Cây Đa Nước Chảy", cùng ghé nơi ngày xưa có bà Mé hay cho sắn và hỏi ông Kiệt: "Mày là người dân tộc ở trong Nam à?". Hai người ôn lại rất nhiều kỷ niệm Việt Bắc. Rồi ông Kiệt hỏi đại tá Nghĩa: "Mày nhớ những gì học hồi ở trường không? Thế giới ngày nay phải được hiểu theo cách mới, mày ạ”.
Về lại Sài Gòn
![]() |
Nghỉ hưu nhưng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nào có ngơi nghỉ. Trong ảnh: ông Võ Văn Kiệt thị sát khu cụm cảng số 5 TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2005 - Ảnh: Đ.Đại |
Rời ngôi biệt thự công vụ trên phố Phan Đình Phùng, ông nhận ra là mình sẽ để lại một khoảng trống nho nhỏ nơi anh lái xe, anh bảo vệ, chị bếp…, những người "làm nhiệm vụ nhà nước" nhưng cuộc đời đã mấy chục năm gắn bó với ông.
Ông thu xếp để họ được bố trí một công việc mới, ổn định. Ông về quê những sĩ quan cận vệ, những người đã đi với ông hàng chục năm, cảm ơn những "gia đình đã sinh ra họ, những người con tận tụỵ với ông, với công việc". Theo bác sĩ Đinh Trần Nhưng - bác sĩ riêng của ông, ông sống với nhóm phục vụ như với những người trong gia đình. Ông chia sẻ mọi thứ với họ, trừ… "chức vụ”. Họ cho đến bây giờ vẫn như những "người nhà chú Sáu", vẫn tự hào vì đã từng được làm việc, chiến đấu bên ông. Họ giờ đây cũng là một mối quan tâm của ông Kiệt khi ông "về nhà”, trở lại Sài Gòn.
Lần đầu tiên ông Võ Văn Kiệt lên Sài Gòn là năm 1940, sau Nam kỳ khởi nghĩa. Lần đó, khi người chỉ huy của ông, bí thư Liên khu ủy Quảng Trọng Hoàng, nói với những đồng đội sống sót: "Thôi tụi bay về nhà”. Trong những ngày chưa bắt được liên lạc với tổ chức, ông Kiệt theo ghe cá lên bến Bình Đông, Sài Gòn, rồi từ đó theo những người bán cá lên Thủ Dầu Một.
Lần thứ hai, vào khoảng năm 1956, lúc ông Kiệt đang là xứ ủy viên kiêm phó bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang, ông được xứ ủy gọi lên Sài Gòn làm việc. Thay mặt xứ ủy, ông Lê Toàn Thư và ông Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) tiếp ông. Làm việc xong, ông Mười Cúc giao nhiệm vụ cho người phụ trách giao liên của xứ ủy chở ông Kiệt bằng xe gắn máy đi tham quan thành phố. Đó là lần đầu tiên ông xuống đến bến Bạch Đằng, ra ngã tư Hàng Xanh, vào trung tâm thành phố…
Hôm đó, lần đầu tiên trong đời, ông Kiệt được ăn món thịt bê non thui còn tươi rói, chấm với nước tương gừng dậy mùi ở phố thợ mộc, nơi cư ngụ của những bà con người Bắc. Món bê thui do ông Mười Cúc, người 30 năm sau đó trở thành tổng bí thư, đãi. Mấy năm sau, ông Kiệt được điều về làm bí thư Khu ủy Sài Gòn thay ông Mười Cúc. Từ Củ Chi, ông đi thẳng vô thành bằng một chuyến xe du lịch sang trọng do ông Sáu Hoa lái, chạy theo đường công khai.
Lần đó, ông Kiệt ở lại Sài Gòn ba tháng, đóng vai thư ký cho nhà thầu khoán Sáu Hoa. Ngày 30-4-1975, ông có mặt ở Sài Gòn, và sau đó trở thành người lãnh đạo cao nhất của một thành phố kể từ đó mang tên Hồ Chí Minh. Một thành phố kể từ đó lưu lại không ít dấu ấn Võ Văn Kiệt. Một thành phố kể từ đó trải qua những năm tháng đầy biến động, được ghi sâu trong ký ức của mỗi con người.
__________________
Đón đọc số tới: Những người bán báo dạo
2g sáng, họ bắt đầu đến nhận báo từ các "chợ báo" nửa đêm về sáng. Rồi ôm chồng báo trên tay, suốt ngày họ rảo khắp các con đường, dù nắng đổ hay mưa dầm, để bán từng tờ báo. Đêm về, trong giấc ngủ chập chờn là những giấc mơ cơm áo.
Mời bạn đọc cùng phóng viên Tuổi Trẻ theo chân họ. Cuộc đời những người bán báo dạo mở ra với nhiều nỗi niềm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận