11/04/2009 08:12 GMT+7

Ký ức kinh hoàng về Khơme đỏ

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Ngày 10-4, tại Khu chứng tích tội ác diệt chủng Khơme đỏ thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang), ban bảo vệ khu chứng tích phối hợp cùng bổn đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức lễ giỗ tập thể lần 31 cho 3.157 nạn nhân bị bọn diệt chủng Khơme đỏ thảm sát tháng 4-1978.

Cp7bO9Ou.jpgPhóng to
Người dân thắp nhang tưởng nhớ những nạn nhân bị Khơme Đỏ thảm sát - Ảnh: Đ.V.
naIwB8QB.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

Từ mờ sáng, đông đảo người dân đã tề tựu về đây. Trong khói nhang nghi ngút giữa chốn núi rừng biên giới heo hút, hàng ngàn người đứng mặc niệm, cầu siêu cho những nạn nhân xấu số. Lời diễn văn bi ai, tiếng chuông chùa trầm mặc, những giọt nước mắt lăn dài...

Tàn sát dã man

Trong ký ức người dân Ba Chúc vẫn còn in đậm những ngày tháng hãi hùng hơn 30 năm trước. Từ 30-4-1977, quân Khơme đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam và gây ra bao tội ác dã man. Tại Ba Chúc, chúng thường xuyên bắn phá, tập trung quân đánh vào đây hàng chục lần. Mỗi lần như thế, đi tới đâu là chúng đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, hãm hiếp phụ nữ rồi thảm sát dân thường vô tội với những kiểu giết người man rợ như đập đầu, xé xác, đâm lưỡi lê, thảy vào lửa. Từ 18 đến 30-4-1978 chúng đã giết hại tổng cộng khoảng 3.157 người, trong đó có cả người Khơme.

Bà Nguyễn Thị Hoa ở khóm An Bình kể lại: do quân Khơme đỏ thường xuyên bắn phá, bà con chạy lên chùa Tam Bửu ẩn náu. Biết đấy là nơi tập trung đông người, ngày 13-4-1978 Khơme đỏ nã đạn pháo vào chùa làm chết 47 người, bị thương hơn 20 người. “Trong đó có người thân của tôi. Tiếng kêu than thảm thiết, máu đổ loang đầy chùa” - bà nghẹn ngào lau nước mắt.

Thế rồi, ngày 20-4-1978, quân Khơme đỏ tràn vào chùa Tam Bửu bắt hơn 700 người lùa ra đồng và đốt chùa. Phụ nữ bị hãm hiếp, sau đó tất cả đều bị chúng đập đầu, nã súng thảm sát. “Chỉ có tôi và một người nữa bị thương may mắn thoát chết. Máu đỏ cả đồng lúa xanh” - ông Nguyễn Văn Kỉnh (khóm Thanh Lương, Ba Chúc), một nạn nhân ngày ấy, kể lại trong đau xót.

Mấy vị sư ở chùa Phi Lai (cách chùa Tam Bửu 100m) vẫn còn nhớ như in những ngày kinh hoàng ấy. Quân Khơme đỏ pháo kích tới tấp vào các xã Vĩnh Gia, Lạc Quới, An Nông, Ba Chúc. Hàng trăm người dân chạy lên chùa Phi Lai ẩn náu, bởi họ tin ở chốn cửa Phật sẽ không ai nỡ giết hại. Thế nhưng Khơme đỏ tràn vô chùa, xả súng xuống hầm trú ẩn bắn chết hơn 50 người. Hơn 100 người còn sống sót bỏ chạy bị chúng đập đầu hoặc bắn chết. Phát hiện trẻ em, phụ nữ trốn dưới bàn thờ Phật chúng ném lựu đạn vào. Bốn chục người chỉ còn một sống sót. Thây chất thành đống, máu lai láng. Hiện trong chùa vẫn còn dấu tích vụ thảm sát rùng rợn đó.

Trước đó ngày 18-4-1978, quân Khơme đỏ tràn qua, dân chạy lên núi Tượng tìm hang để trốn nhưng vẫn không thoát. Các hang đầy thi thể người chất chồng. “Chúng cố lục lạo tìm người để giết. Dùng búa đập đầu, dùng dao cắt cổ” - ông Lương Văn Hùng, cư sĩ chùa Phi Lai, nhớ lại.

FmMbCP4S.jpgPhóng to

Một góc khu nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu trữ hài cốt các nạn nhân bị Khơme Đỏ thảm sát - Ảnh: Đ.V.

Chứng tích đau thương

Để tưởng nhớ các nạn nhân cũng như muốn lưu giữ một chứng tích về tội ác của bọn diệt chủng Khơme đỏ, năm 1980 nhân dân trong vùng xây dựng một khu nhà mồ tập thể nằm bên chân núi Tượng, Ba Chúc. Khu nhà mồ bảo quản 1.519 bộ xương sọ tìm kiếm được sau các cuộc thảm sát. Hằng năm, vào dịp tháng 4 người dân thường tổ chức lễ cúng tế tưởng niệm những nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Kỉnh, năm nay đã 99 tuổi. Tuổi già, trí nhớ giảm nhưng ký ức ông không thể nào quên cái ngày đau thương ấy. Cả gia đình, bà con của ông bị kẹt lại trong vòng vây của Khơme đỏ. Tất cả cùng nhiều người dân trong xã kéo vào chùa Tam Bửu ẩn náu, cứ nghĩ nơi cửa Phật thì bọn diệt chủng sẽ tha. “Nào ngờ vợ tôi cùng bốn đứa con và sáu đứa cháu đều bị giết. Trước khi xả súng, chúng bắt lột hết nữ trang, tài sản. Sau đó lùa từng tốp đem ra bắn chết” - ông Kỉnh ngậm ngùi. Khi loạt đạn đầu vừa nổ ông ngất xỉu ngã sấp xuống mặt ruộng, những thi thể khác chồng lên người ông. “Khi tỉnh dậy nhìn xung quanh thấy toàn thi thể. Tôi lặng người khi thấy cảnh đứa cháu ngoại mình ôm vú mẹ bú và bên cạnh là đứa con gái thân yêu nằm bất động trên vũng máu” - ông Kỉnh nghẹn lời trong uất hận.

Ông kể tiếp tối hôm đó ông trồi lên trong đống thi thể, bò về núi Tượng chui vào hang đá ẩn núp. Lúc ấy, tại đấy cũng không ngớt tiếng rên la thống thiết của những người bị Pol Pot hành hạ. “Tổng cộng gia đình, dòng họ của tôi có 79 người bị bọn khát máu tàn sát” - ông Kỉnh nói.

Ngày giỗ năm nay, bà Hà Thị Nga 70 tuổi, nhờ người dìu ra khu nhà mồ thắp nén nhang. Bà con của bà tổng cộng có trên 100 người bị quân Pol Pot cướp đi mạng sống, phần lớn đang còn rất trẻ, trong đó có 37 người thân thuộc gồm chồng, cha mẹ, anh chị em ruột và sáu đứa con. Năm đó bà 39 tuổi. Quân Khơme đỏ lùa cả nhà bà ra đồng bắn. Bà bị thương, đứa con gái nhỏ của bà bị đập đầu ba lần chưa chết vẫn cứ cố ngẩng đầu lên gọi “ba ơi, mẹ ơi cứu con!”. Tiếng kêu xé lòng. Bà vừa nhổm dậy liền bị mấy tên lính đập đầu bà tới ngất lịm. “Những thi thể người đổ ập lên tôi” - bà lau nước mắt giàn giụa.

Trong ngày giỗ cầu siêu năm nay, chúng tôi đã gặp một số nhân chứng còn sống sót trong các vụ thảm sát và cả gia đình, người thân của các nạn nhân. Tất cả đều đầm đìa nước mắt, uất nghẹn...

Cả gia đình đều bị Khơme đỏ giết sạch, bà Nguyễn Ngọc Sương (lúc ấy mới vài tháng tuổi) ôn tồn nói: “Khơme đỏ thảm sát vô số người dân vô tội, trong đó có cả đồng bào Khơme. Tội ác của bọn chúng hãy để lương tri loài người phán xử”.

Còn ông Bùi Văn Lê, cả gia đình bị Pol Pot giết hại, tâm sự: “Cha mẹ, vợ con và tất cả dòng họ tôi đều bị giết sạch. Cả dòng họ người vợ kế của tôi cũng chết sạch. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã qua. Người dân biên giới Tây Nam và cả dân tộc Campuchia đều là nạn nhân của Khơme đỏ. Chỉ cầu mong linh hồn những nạn nhân được siêu thoát”.

--------------------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những thước phim bằng chứngKỳ 2: “Lò sát sinh ”Tuol SlengKỳ 3: Những đứa trẻ sống sótKỳ 4: Chia Hua - người bị cắt cổKỳ 5: Những người chưa lên tiếngKỳ 6: Không muốn một vụ MumbaiKỳ 7: Xảo thuật “câu giờ”Kỳ 8: Lời thú tội của DuchKỳ 9: Ieng Sary - nhân vật số haiCampuchia những ngày xét xử Khơme ĐỏKhi các nạn nhân chờ đợi đến 30 năm

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên