Học sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh trong chương trình tư vấn diễn ra tại Đắk Lắk sáng 18-2 - Ảnh: B.D. |
Chương trình do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Tại các chương trình, ngày hội tư vấn này, thí sinh quan tâm gì? Câu hỏi này sẽ được giải đáp qua những chia sẻ của các thầy cô trong ban tư vấn:
ThS Hứa Minh Tuấn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing): Bắt đầu quan tâm đến khởi nghiệp
Qua các chương trình tư vấn, tôi nhận thấy thí sinh quan tâm đến các nhóm vấn đề sau: Thứ nhất, các em quan tâm cách thức đăng ký, thứ tự ưu tiên trong các nguyện vọng mà mình sẽ lựa chọn năm nay.
Thứ hai, các em quan tâm đến việc sắp xếp thời gian để thi các môn trong bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Thứ ba, nhiều em lúng túng ở chỗ những năm trước có kết quả rồi mới đăng ký trường; còn năm nay, nếu đăng ký trường trước, khi có kết quả thi không như mong muốn thì đảo các nguyện vọng như thế nào?
Về xu hướng chọn ngành nghề, điều đáng mừng là nhiều em đã xác định ngành nghề cho mình từ năm lớp 10, 11. Đi tư vấn qua mấy tỉnh, không ít em đã quan tâm chuyện muốn khởi nghiệp thì nên hướng đến các ngành kỹ thuật hay kinh tế, hoặc cần lưu ý gì...
Điều này cũng dễ hiểu, vì năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm là năm khởi nghiệp. Thông điệp này cũng đã lan tỏa đến các em học sinh và đó là xu hướng tốt.
TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM): Chương trình dạy bằng tiếng Anh
Ngoài những vấn đề về thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ năm nay ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tôi thấy các em quan tâm nhiều đến nhóm ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí, ôtô...
Đáng chú ý, năm nay các em có sự chuẩn bị khá kỹ nên hỏi sâu hơn, có sự cân nhắc về ngành nghề mình sẽ chọn để theo học, xem có phù hợp hay không. Ngoài ra, một số em có điều kiện cũng quan tâm đến các chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh ở các trường.
TS Phạm Tấn Hạ tư vấn cho học sinh tại chương trình tư vấn ở TP Nha Trang sáng 19-2 - Ảnh: TR.TÂN |
TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM): Vẫn là cơ hội việc làm
Các em hỏi tôi nhiều về học ngành đó ra trường làm gì, ngành nào cơ hội việc làm nhiều nhất, học ngành đó ra trường ổn định hay không? Cũng có em băn khoăn về việc không thuyết phục được gia đình cho theo ngành mình yêu thích.
Tôi tư vấn ở nhóm ngành khoa học xã hội, thấy học sinh quan tâm nhiều đến những ngành các em cho là “nóng” như quan hệ quốc tế, tâm lý, báo chí, Nhật Bản học, Hàn Quốc học... Một số ngành khác các em cũng quan tâm nhưng ít hơn như văn học, xã hội học, công tác xã hội, sư phạm...
TS Lê Tuấn Lộc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM): Học phí, đào tạo chất lượng cao
Ở khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, các em quan tâm nhiều đến cơ hội việc làm, thu nhập sau khi ra trường của các ngành kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh, du lịch, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, kinh doanh quốc tế...
Tư vấn qua các tỉnh, tôi thấy các em cũng hỏi nhiều về mức học phí học ĐH, các chương trình đào tạo chất lượng cao. Tôi cũng thấy các em hỏi về khởi nghiệp nên học ngành gì?
TS Lê Thị Thanh Mai (trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM): Lo lắng về cách thức đăng ký nguyện vọng
Thực hiện lộ trình đổi mới công tác thi, năm 2017, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục cải tiến nhằm tạo nhiều cơ hội để học sinh chọn ngành học theo sở thích nghề nghiệp và có kế hoạch phấn đấu để thực hiện ước mơ nghề nghiệp.
Tuy nhiên, qua các chương trình tư vấn, tôi nhận thấy nhiều em chưa hiểu rõ cơ hội này, vì vậy có phần lo lắng về cách thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm nay.
TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM): Các vấn đề liên quan đến quy chế thi Do năm nay có nhiều điểm mới trong thi và xét tuyển, nên trong phần tư vấn chung thí sinh tập trung tìm hiểu các vấn đề liên quan đến quy chế, từ những quy định mang tính chủ trương, chính sách như tuyển thẳng, ưu tiên trong tuyển sinh; cho đến các quy định mang tính kỹ thuật như quy trình phát đề, thu đề các môn thi của bài thi tổ hợp, thủ tục thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển... Chắc chắn những nội dung tư vấn này sẽ giúp ích cho thí sinh rất nhiều khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự thi và đăng ký nguyện vọng xét tuyển sắp tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận