23/09/2020 10:19 GMT+7

Ký sự thanh xuân: Nghịch lý thìa vàng - thìa đất

MI LY
MI LY

TTO - Sự tương phản giữa những người trẻ "ngậm thìa vàng - ngậm thìa đất" (con nhà giàu - con nhà nghèo) được khắc họa trong phim truyền hình Ký sự thanh xuân (Record of Youth).

Ký sự thanh xuân: Nghịch lý thìa vàng - thìa đất - Ảnh 1.

Park Bo Gum và Park So Dam trong Ký sự thanh xuân - Ảnh: tVN

"Thế hệ tôi có thứ gọi là thuyết chiếc chìa. Khả năng hậu thuẫn tài chính của bố mẹ sẽ quyết định đứa con ngậm thìa vàng hay thìa đất. Dựa vào tiêu chuẩn đó, tôi là đứa ngậm thìa đất.

Tôi luôn căm ghét lý thuyết đó vì nó vô cùng khô khan. Những giá trị tinh thần tôi thừa hưởng từ bố mẹ như sự chính trực, chân thành, động lực phấn đấu tôi có được khi thấy bố mẹ vất vả tất cả đều bị bỏ qua" - nhân vật Sa Hye Jun (Park Bo Gum đóng) trong Ký sự thanh xuân có đoạn độc thoại đáng nhớ.

Thìa vàng - thìa đất: hiện thực xã hội Hàn Quốc

Ký sự thanh xuân là bộ phim do Park Bo Gum và Park So Dam đóng chính, nói về sự vươn lên của những người trẻ Hàn Quốc trong một xã hội phân hóa giàu nghèo nghiệt ngã và tinh vi.

Cũng như trong Tầng lớp Itaewon (Itaewon Class) - bộ phim có chủ đề tương tự, những người trẻ trong Ký sự thanh xuân đầy suy tư và nặng gánh.

Truyền thông thường vẽ ra bức tranh cuộc đời không mấy tươi đẹp trước mắt họ. Theo BBC, thế hệ thiên niên kỷ ở Hàn Quốc đang căng thẳng và suy sụp trên con đường mưu sinh. Tỉ lệ trầm cảm trong giới trẻ tăng cao hơn bao giờ hết.

Bức tranh rộng lớn này được phản ánh một phần qua những người trẻ trong Ký sự thanh xuân. Thợ trang điểm Ahn Jeong Ha (Park So Dam đóng) là ví dụ điển hình. Lớn lên không nhà, không người thân, cô gái 26 tuổi xác định phải độc lập kiếm tiền, tự mua nhà và theo chủ nghĩa độc thân, không kết hôn.

Cũng 26 tuổi, Sa Hye Jun là người mẫu đang nỗ lực theo đuổi ước mơ làm diễn viên. Bảy năm trong nghề, anh chỉ có chút ít tên tuổi nhưng chừng đó là không đủ để các đạo diễn để mắt tới. Đồng thời người bố phản đối lựa chọn của Hye Jun, nhiều lần ép anh giải nghệ và nhập ngũ.

Trong khi đó, bạn thân kiêm đồng nghiệp của Hye Jun - Won Hae Hyo (Byeon Woo Seok đóng) - là chàng công tử "ngậm thìa vàng" đích thực. Hae Hyo được người mẹ hãnh tiến hậu thuẫn tận chân răng để bước vào giới giải trí, từ đầu tư cho vẻ ngoài, kỹ năng, bỏ tiền mua hàng nghìn lượt theo dõi Instagram đến làm thân với đạo diễn và giới báo chí.

"Ước mơ của bạn tôi bảo vệ cậu ấy. Còn ước mơ của tôi là bài toán tốn quá nhiều tiền" - Sa Hye Jun ngẫm nghĩ khi ngồi xe buýt về nhà sau một buổi làm thêm.

Ít kịch tính nhưng có chiều sâu

Ký sự thanh xuân có thông điệp khá sâu sắc về sự phân hóa giàu nghèo dù cách thể hiện ít kịch tính. Sự tương phản "ngậm thìa vàng - ngậm thìa đất" không bao giờ cũ.

Hiện nay, truyền thông hay mạng xã hội ngày ngày nhắc "thuyết ngậm thìa vàng", khiến người trẻ tôn sùng sự giàu sang "có sẵn từ trong trứng" và tuyệt vọng nếu sinh ra trong

cảnh nghèo.

Chúng ta nhầm tưởng xã hội ngày càng công bằng, nhưng thực chất lằn ranh vô hình ngày càng rộng lớn và đau đớn. Và cũng đừng ngây thơ nghĩ rằng giữa "thìa vàng" và "thìa đất" có sự bình đẳng về cơ hội, được phản ánh qua sự chênh lệch về cơ hội của Hye Jun và Hae Hyo.

Trong những tập đầu, Ký sự thanh xuân bị chê nhạt, bình lặng, thiếu điểm nhấn. Điều này khác với nhiều phim Hàn Quốc khác thường đẩy bi kịch, chết chóc, tội ác... lên những tập đầu để hút khán giả.

Ngược lại, Ký sự thanh xuân đang làm rất tốt khâu xây dựng nhân vật, mạng lưới mối quan hệ để làm nền tảng cho các bước ngoặt về sau. Từng nhân vật được biên kịch khắc họa kỹ chân dung, tính cách, mâu thuẫn nội tâm. Người cha nghèo thương con nhưng phản đối con vì mặc cảm thất bại của chính mình. Người mẹ giàu thương con theo cách ích kỷ, vừa tự hào về con nhưng cũng coi đứa con như đồ trang sức.

Nhân vật chính của Park Bo Gum không mạnh mẽ, vững vàng như Park Sae Ro Yi của Tầng lớp Itaewon bởi đơn giản anh là mẫu người hoàn toàn khác. Sa Hye Jun băn khoăn, giằng xé giữa ước mơ và gia đình. Nhân vật đang dần thay đổi, có lẽ sẽ kiên định hơn trong các tập tới.

Đóng cặp trong phim, Park Bo Gum và Park So Dam diễn ăn ý, tình cảm. Nhân vật của họ được xây dựng nền móng vững chắc là tình bạn và sự đồng cảm trước khi tiến xa hơn.

Theo The Straits Times, giới trẻ Hàn Quốc thường xuyên than phiền về bất bình đẳng. Báo cáo năm 2016 của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở Hàn Quốc tồi tệ nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một nửa dân số nghèo hơn chỉ sở hữu 2% tài sản của đất nước. Những người sinh ra trong giàu có nhận được những công việc và chế độ giáo dục tốt nhất, những người sinh trong gia đình nghèo khổ thì chìm trong cái nghèo.

Phim gia đình phủ sóng màn ảnh nhỏ Phim gia đình phủ sóng màn ảnh nhỏ

TTO - Trói buộc yêu thương và Vua bánh mì, Chọc tức vợ yêu sắp ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ đều khai thác đề tài gia đình, như một minh chứng cho cơn sốt phim đề tài gia đình chưa bao giờ hạ nhiệt.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên