02/07/2017 11:28 GMT+7

Ký sự pháp đình: Một vụ trộm hột xoàn

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - “Huỳnh Thanh Phong: 26 tuổi. Từ năm 1991 đến năm 2014: Sống nhiều nơi, không rõ địa chỉ. Không rõ lai lịch cha và mẹ. Thường trú: Không đăng ký. Nghề nghiệp: Làm thuê. Trình độ văn hóa: Không biết chữ”.

minh hoa 1-7Những dòng thông tin khá đặc biệt về cuộc đời bị cáo được thể hiện trong cáo trạng khiến tôi dừng lại trước cửa phòng xử của TAND TP.HCM. Trước vành móng ngựa là chàng trai cao ráo, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi.

“Không biết mình là ai”

Ngày 24-7-2016, bà L.T.M. (ngụ Q.Bình Tân) gọi điện thoại kêu Huỳnh Thanh Phong đến sửa mái tôn bị hư. Khi làm việc, Phong phát hiện cửa nhà tầng 1 không khóa. Phong dùng thang leo vào phòng ngủ lấy trộm 1 vòng tay, 1 dây chuyền, 3 chiếc nhẫn vàng và 4,5 triệu đồng tiền mặt.

Toàn bộ số vàng ấy giá trị tới 200 triệu đồng vì đều đính kim cương. Tuy nhiên một người lao động nghèo như Phong thì không thể biết được giá trị thực của số vàng ấy.

Nghĩ đó là vàng giả nên Phong để trong cốp xe ba ngày. Đến ngày thứ tư, Phong mang 1 chiếc nhẫn, 1 vòng tay, 1 sợi dây chuyền ra tiệm vàng bán được 19 triệu đồng (trong khi giá trị thực là hơn 150 triệu đồng). Còn lại hai chiếc nhẫn, Phong đưa cho vợ cùng với số tiền bán vàng được rồi bảo vợ về Huế thăm cha mẹ.

Vợ Phong vừa về đến quê nhà thì nhận được điện thoại của Công an Q.Bình Tân. Chị tá hỏa khi biết số vàng và tiền không phải nhặt được như lời chồng nói mà là tang vật của vụ trộm cắp tài sản. Ngày hôm sau, vợ Phong đã đón xe vào TP.HCM trả lại tiền và vàng cho bị hại.

Cuối năm 2016, TAND Q.Bình Tân tuyên phạt Huỳnh Thanh Phong 5 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Lá đơn kháng cáo Phong phải nhờ bạn tù viết giùm rồi điểm chỉ vì không biết chữ. “Từ nhỏ tôi không có bố mẹ, không có ai dạy dỗ nên mới thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật” - bị cáo viết trong đơn kháng cáo.

Phiên xét xử phúc thẩm mở lần đầu vào một ngày cuối tháng 4-2017. Lai lịch không rõ ràng của bị cáo khiến nhiều người ái ngại. Tòa hỏi bị cáo sinh ra ở đâu? Tại sao không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào? Không có cha mẹ thì ai đặt tên cho bị cáo?

“Họ của bị cáo là do mẹ nuôi đặt. Bị cáo chỉ nhớ mẹ nuôi họ Huỳnh, mọi người hay gọi là bà Út”. Rồi có lúc trước những câu hỏi dồn của tòa, giọng bị cáo nghe có chút bất cần: “Bị cáo cũng không biết mình là ai”.

Phiên xét xử phúc thẩm lần 1 bị hoãn vì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Đầu tháng 6, phiên tòa lần hai được mở. Từ đầu phiên xử, bị cáo cứ quay ngược xuống dưới như kiếm tìm ai đó.

Khi được tòa hỏi, bị cáo chỉ người bạn ngồi bên dưới rồi bảo: “Bạn cùng phòng giam được ra trước nên bị cáo nhờ bạn viết thư về cho vợ, không biết có tin tức gì không”.

Đánh thức tính thiện

Giờ nghị án, tôi đến bên Phong. Mất khá nhiều thời gian Phong mới chịu kể về cuộc đời mình: “Em lớn lên ở cô nhi viện. Năm 7-8 tuổi gì đó mấy đứa nghịch rủ nhau trèo tường trốn ra ngoài. Đi mãi không biết đường trở về. Lúc đó có người thấy thương nên nhận em về làm con nuôi. Năm em 15 tuổi có bảo má làm giấy tờ tùy thân nhưng má cứ lần lữa không làm.

Sau này em nghe bà con nói lại mấy người con của má không cho má làm khai sinh cho em, cũng không cho em vào sổ hộ khẩu vì sợ phải chia đất. Hồi đó em không hiểu chuyện, nghe nói vậy giận má quá nên bỏ nhà đi lên Sài Gòn...”.

Ở TP.HCM, lúc đầu Phong làm thợ bốc xếp. Sau đó vì công việc quá vất vả nên chuyển qua làm thợ hồ. Có người thấy Phong chịu khó nên đã nhận dạy nghề làm cửa sắt, mái tôn...

Rồi Phong gặp N.T.H., vợ mình bây giờ, khi cô từ Huế vào TP.HCM làm thợ may. Gia đình H. cũng nghèo. Không có tiền tổ chức đám cưới, cha mẹ H. làm hai mâm cơm đãi bà con ở Huế. Cưới xong cả hai vợ chồng quay vào Sài Gòn mưu sinh.

H. sinh con gái đầu lòng. “Hồi đó con ốm và quấy khóc triền miên, em không đi làm được. Công việc của ảnh không ổn định nên ba má ở quê bảo bế con về ông bà trông cho mà em không có tiền. Chắc vì vậy anh ấy mới ăn cắp đồ rồi đưa hết cho em bảo bế con về quê chơi” - H. kể.

Gia đình bị hại “vì thấy bị cáo tội nghiệp nên xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo mức thấp nhất có thể”.

Biết Toán, người bạn tù cùng phòng, được về nhà, Phong đã đọc địa chỉ của gia đình vợ ở quê và nhờ Toán viết thư báo tin hộ.

Nhận được tin từ Toán, H. lập tức gọi điện thoại lại để hỏi thăm tình hình của chồng. “Hai mẹ con em làm không đủ xài nên không dám vào thăm anh ấy” - H. kể.

Cô sống với cha mẹ ở Huế. Sáng ở nhà giữ con, chiều đi nấu đồ ăn cho quán nhậu đến 10h tối mới về. Chuyện chồng đi tù, cô giấu biệt, chỉ dám nói cho mẹ biết. Mẹ H. nhiều lần khuyên con nên quên đi quá khứ để lấy chồng khác. H. quả quyết: “Đời nào em chịu bỏ ảnh mà đi lấy người khác. Ảnh làm bậy cũng vì thấy hai mẹ con em túng đói quá...”.

“Nhờ chị gọi điện thoại cho vợ em, bảo cổ ráng đợi em. Em cố gắng cải tạo tốt vài năm nữa sẽ được về. Sớm thôi...” - bị cáo nói vội với tôi khi nghe tin tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ một số vấn đề.

Khi tôi chuyển lời nhắn ấy đến H., cô bật khóc trong điện thoại. H. nhờ tôi hôm nào ra tòa, nếu được thì gọi điện thoại cho cô gặp chồng vài phút. Nếu không được thì nhờ tôi nhắn với bị cáo rằng mẹ con cô vẫn đợi chồng trở về.

Sự chờ đợi ấy có giá trị với bị cáo biết bao! Bởi mẹ con H. là người thân duy nhất của bị cáo trên cuộc đời này. Tình yêu và sự đợi chờ của H. như ánh nắng ấm rọi vào quãng đời côi cút và tối tăm của bị cáo, đánh thức tính thiện còn lại trong con người bị cáo. Chứng kiến câu chuyện của họ, tôi tin rằng sẽ sớm thôi, Phong sẽ được ra tù và làm lại cuộc đời như mong ước.

Tìm lại gia đình

Ngày người mẹ nuôi mất, Phong đưa vợ từ TP.HCM về Đồng Tháp thắp hương cho mẹ. Rồi anh đưa vợ đến cô nhi viện nơi mình đã trốn đi hồi nhỏ với mong muốn tìm lại được gia đình. Thế nhưng những thông tin Phong nhận được chỉ là “không rõ cha mẹ, bị bỏ rơi dưới gốc cây khi còn nhỏ”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên