Vay 100 triệu USD để cấp cho hộ nghèo 200.000 đồng/tháng
Ví dụ chương trình PRSC 10 qua đó “WB cam kết cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng tương đương 150 triệu USD... nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo”.
Chương trình PRSC 9, WB cũng cho vay 150 triệu USD. Và không chỉ có WB cho Việt Nam vay để giảm nghèo. Thông qua các chương trình PRSC, cho đến năm 2011 đã có 2,688 tỉ USD được chuyển vào ngân sách nhà nước, trong đó có 1,475 tỉ USD của WB, số còn lại của các nhà đồng tài trợ PRSC khác gồm EU, ADB, Nhật Bản, KfW Đức, Úc, Canada, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh. Có năm như 2008, chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC 7) lên đến 467 triệu USD, trong đó WB cho vay 150 triệu USD, các nhà tài trợ khác đóng góp 317 triệu USD...
Đi vay để giảm nghèo là việc cần thiết, nhất là khi giảm nghèo thành công. Tại một hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình PRSC ở Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2005, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu kinh tế của WB Danny Leipziger đã đưa ra nhận xét: “Việt Nam đã vượt lên là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc sử dụng các khoản tín dụng hỗ trợ giảm nghèo như một công cụ hỗ trợ các chương trình cải cách”. Hay ngày 8-5 năm nay, phó chủ tịch của WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng đã ca ngợi nhân chuyến thăm Việt Nam: “Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc giảm nghèo trong hai thập kỷ qua và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ chính thức”.
Tuy nhiên để phát triển, Việt Nam còn có những khoản vay khác rất đa dạng và phong phú như thông cáo báo chí (tiếng Việt) của WB hôm 14-5-2013 cho biết: ”Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và WB đã ký ba thỏa thuận tín dụng với tổng trị giá 400 triệu USD giúp Việt Nam cải cách quản lý kinh tế nhằm tăng cường năng suất và khả năng cạnh tranh, hỗ trợ triển khai chương trình cải cách giáo dục đại học và tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ 5 tuổi...”. Hay trước đó một ngày (13-5-2013): “Hôm nay, ban giám đốc WB đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 55 triệu USD cho dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp ở Việt Nam, giúp cung cấp giải pháp công nghệ giá rẻ trong các lĩnh vực như y dược cổ truyền để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo...”.
Vay là chuyện cần thiết, song nếu xem ngân sách thu - chi như hai cái bình thì có thể thấy nếu chi “nặng” hơn thu, làm sao hai cái bình đó có thể thông nhau một cách “bình đẳng” được. Còn nếu cái bình “thu” cứ tuồn qua bình “chi” bằng cách tăng thu thêm thuế, thêm phí, thêm tín dụng đi vay để đắp cho những khoản chi không những không “ra cơm, ra khoai” mà mới đang vo gạo, gạo đã đổ tung tóe... xuống sông cùng với 1.043 tỉ đồng đã chi rồi như dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước mới được lệnh... dừng lại! Còn bao nhiêu cảng biển, cảng hàng không lỗ lã tương tự hoặc những dự án cứ tiếp tục thua lỗ mà vẫn tiến hành? Thảo nào cái bình “thu” cứ phải “thu” miết, như ngày 1-7 tới đây sẽ dứt khoát thu phí đường bộ để xe cộ các loại được... tham gia giao thông hay tăng viện phí từ đầu năm cho dù bệnh viện vẫn cứ nằm đôi, nằm ba...! Thành ra, để tái cân bằng thu chi, tối thiểu cũng cần siết chặt kỷ luật ngân sách: liệu có thể thẩm định chính xác hơn nữa mục đích, tính hiệu quả đích thực của các dự án muốn chi và kiên quyết không duyệt chi những gì ngoài danh mục được chi hoặc lỗ lã?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận