Tán cây vẫn sum sê, xanh tốt dù đã trải qua mấy trăm năm - Ảnh: DIỆU QUÍ
Các sư ông cũng thành kính tụng kinh cho đại thụ...
Cây dầu rái "lão niên" này nằm trên phần đất của người dân, cách mặt tiền đường 50m. Phía trước lối vào có một tấm bảng hướng dẫn đề dòng chữ "Cây di sản (Dầu Rái) trên 700 tuổi".
Bộ rễ như mãng xà khổng lồ huyền thoại vùng Bảy Núi
"Cụ" cây sừng sững mấy trăm năm trở nên quá quen thuộc, trở thành biểu tượng tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh với bà con nơi đây. Còn với khách phương xa, cây đủ sức gây choáng ngợp bởi kích thước ở thân và rễ lớn cỡ nào, nhất là người lần đầu chứng kiến tận mắt.
Hỏi thăm vài người lớn tuổi sống gần đó, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu khi muốn biết về lịch sử của cây. Sống cạnh cái cây từ nhỏ, ông Chau Pone (65 tuổi) không biết cây có từ đời nào bởi từ đời cha ông đã thấy rồi.
"Chim cú mèo ban đêm la um sùm trên cây, con nít cũng hay ra đây chơi. Dân ở đây kính trọng cây lắm, năm nào cũng làm phước (cúng bái - PV) cho cây một lần, có ông sư tụng kinh nữa.
Ông sư chọn ngày rồi trong xóm gom cơm, bánh đem lại cúng" - ông Pone nói và cho biết cây dầu rái này là di sản của Nhà nước, mọc trên phần đất của gia đình ông nhưng ông vẫn hết lòng bảo vệ, chăm sóc cây.
Theo người dân và chính quyền địa phương, cây dầu rái cao khoảng 30m, chu vi thân chỗ to nhất lên đến 8m. Cây chỉ một thân đi thẳng lên, phía trên các tán vươn ra tầm 20m và khá sum sê, xanh tốt. Thân cây sần sùi, khô cứng, in hằn dấu vết của thời gian, song sự lực lưỡng của "cụ" cây khiến người đứng phía dưới ngước nhìn lên cũng mỏi hết cả cổ.
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là bộ rễ cắm sâu và rộng, bám chặt vào đất, "bò" ngoằn ngoèo khiến người nhìn dễ liên tưởng đến hình ảnh mãng xà khổng lồ vùng Bảy Núi quấn dưới gốc cây. Trên đại cổ thụ này còn có những nốt sần khá to giống cây bonsai.
"Cây này cỡ bảy, tám người ôm còn không hết", ông Chau Pone nói. Ngay chỗ gốc cây, dân làng có lập miếu thờ để cúng bái. Kế bên miếu là tấm bia đá công nhận "cụ" cây là cây di sản Việt Nam.
Ông Chau Pone và các thế hệ lão niên trước không biết cây có từ bao giờ, tự mọc hay có ai trồng, chỉ biết cây mọc trên phần đất của gia đình ông - Ảnh: DIỆU QUÍ
Chim cú mèo ban đêm la um sùm trên cây, con nít cũng hay ra đây chơi. Dân ở đây kính trọng cây lắm, năm nào cũng làm phước (cúng bái - PV) cho cây một lần, có ông sư tụng kinh nữa. Ông sư chọn ngày rồi trong xóm gom cơm, bánh đem lại cúng.
Ông ChAu Pone
Che chở cho dân làng
Cũng sống gần đó, ông Chau Danh (68 tuổi) tâm sự từ đời ông nội của ông đã thấy "cụ" cây dầu rái cao lớn như vậy, chẳng biết cây tự mọc hay được trồng. Ông cũng không hiểu vì sao chẳng ai chăm sóc mà cây vẫn sừng sững, xanh mướt qua năm tháng.
Lão nông này kể hồi chiến tranh, xung quanh bom đạn rất nhiều nhưng cái cây vẫn không gãy đổ, chẳng mất cành lá nào.
"Ngày xưa từng có một lính Mỹ đến lấy máy cưa cây vì nghi quân cách mạng lẩn trốn. Nhưng cưa không nổi, chỉ xước lớp da cây thì máy đứt lưỡi cưa, về nhà người đó cũng chết, từ đó không còn ai dám đến cưa cây nữa", ông Danh kể rồi cùng cháu ngoại ngước lên nhìn cây như thể hiện sự kính trọng.
Theo ông, cây dầu rái dù tuổi cao nhưng vẫn phát triển khá tốt, không có dấu hiệu gãy đổ. Bà con ở đây cũng chưa từng thấy cành cây rớt xuống nên rất an tâm khi đứng gần gốc cây, trẻ nhỏ trong xóm cũng hay ra đây chơi đùa.
Đại cổ thụ này vừa là vật tín ngưỡng, vừa như tri kỷ của người dân nhiều đời ở đây. Trong chiến tranh, cây che chắn bom đạn, vào thời bình tạo bóng mát cho dân làng.
Ông Trương Đông Xuân - phó chủ tịch UBND thị trấn Cô Tô - cho biết cây dầu rái này là biểu tượng của Cô Tô, nhất là đồng bào dân tộc Khmer rất quý và xem như thần hộ mệnh.
Năm 2013, cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp Chi cục Kiểm lâm An Giang công nhận là cây di sản Việt Nam với tuổi thọ được xác định trên 700 tuổi.
"UBND cũng thực hiện bê tông hóa đường vào cây dầu, chỉnh trang cảnh quan xung quanh thông thoáng, sạch đẹp. Tháng 1 hằng năm, các sư ở chùa và người dân tụ họp lại làm lễ cầu an cho cây sau khi cắt lúa ruộng, nhằm ngày lễ lớn của đồng bào dân tộc Khmer.
Buổi lễ cúng cầu cho người dân thuận lợi điều kiện sinh sống, làm ăn và tỏ lòng biết ơn cây dầu rái đã che chở", ông Đông Xuân kể...
Ông Chau Danh và cháu ngoại trở nên nhỏ bé bên cây đại cổ thụ - Ảnh: DIỆU QUÍ
Miền cổ thụ An Giang
Ngoài cây dầu rái trên 700 tuổi, An Giang còn có bảy cây cổ thụ được trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam. Trong đó, huyện Tịnh Biên có hai cây vải thiều trên 300 tuổi ở chùa Svay Ta Hon, xã An Tức; cây me cổ thụ hơn 600 năm tuổi tại xã Núi Tô; cây dầu rái trên 300 tuổi ở xã An Cư. Huyện Phú Tân có ba cây bằng lăng nước cổ thụ hơn 300 tuổi ở thị trấn Chợ Vàm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận