25/05/2017 20:12 GMT+7

Kỳ 4: Đúc lưỡi cày

NGỌC HIỂN - THÁI LỘC
NGỌC HIỂN - THÁI LỘC

TTO - Với người Mông, chiếc lưỡi cày không đơn thuần là tinh hoa của nền nông nghiệp trên núi đá mà còn là niềm tự hào của dân tộc họ bởi cho đến bây giờ, chỉ có những lò rèn người Mông mới đỏ lửa đúc được những lưỡi cày độc đáo này.

*** Error ***
Cha con ông Chứ Dung Xíu và Chứ Mí Cho luyện thép đúc lưỡi cày - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nghề tự biết

“Nhóm đàn ông họ Chứ đang uống rượu bên đó là những người đúc lưỡi cày có tiếng ở đây!” - một chàng trai dân tộc Giáy tại chợ phiên Mèo Vạc (Hà Giang) nói.

Chúng tôi dễ dàng nhận ra nhóm đàn ông vận đồ thâm đen đặc trưng của người Mông đang ngồi uống rượu ngô, hút thuốc lào với mười cái lưỡi cày bày bán trước mặt. Khá đông người đến chọn hàng, họ cầm thanh sắt đánh vào thân lưỡi, ưng ý thì trả tiền, để lại cái lưỡi cũ đã bị gãy mang theo rồi cầm cái lưỡi mới đi...

Sau phiên chợ, chúng tôi lần theo địa chỉ tìm đến họ Chứ ở bản Sủng Cáng, xã Sủng Trà, cách thị trấn Mèo Vạc non 20km. Ngay từ đầu con đường đất dẫn vào, chàng trai chỉ đường có ý ngăn cản: “Đường khó đi lắm, không tới nơi được đâu!”.

Đúng là ít thấy con đường nào khó đi như con đường dẫn vào Sủng Cáng này, vừa nhỏ hẹp, dốc cao lắt lẻo men theo những đỉnh núi dài nối tiếp nhau, bên dưới là vực sâu không dám nhìn xuống; mặt đường toàn đá dăm lởm chởm, sương phủ mờ giăng bốn phía...

Non chục cây số trên con đường vắt vẻo qua những triền núi đá như thế, xe máy phải chạy số 1 liên hồi. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được xóm “lò” Sủng Cáng với mấy nóc nhà trên triền một ngọn núi đá.

Lò nhà ông Chứ Dung Xíu, một trong ba gia đình họ Chứ ở đây, hôm nay đỏ lửa. Với tiếng Kinh lơ lớ, ông Xíu niềm nở tiếp đón chúng tôi, bảo rằng cứ tự nhiên như ở nhà, quay phim chụp ảnh tự do thoải mái: “Người Mông không giấu nghề làm gì, học được thì các chú cứ học để phổ biến cái lưỡi cày Mông!”.

Cùng đúc với ông là người con trai Chứ Mí Cho, 28 tuổi, rất cần mẫn và chăm chú.

Lò đúc hoàn toàn thủ công, bệ sục bằng gỗ đặt liền với lò luyện gang cùng một lỗ tròn ở giữa, thông với cửa vòm đặt nồi quặng bên dưới. Cho đang ngồi hoàn thiện phần khuôn.

Anh tỉ mẩn dùng tay lấy từng nhúm nhỏ “vữa” than và đất sét rồi khéo léo tạo nên từng chi tiết cho mặt khuôn. Vừa tạo vừa ngắm rồi chỉnh sửa, làm láng... Xong mặt khuôn là đến nắp và phần cáng cũng với những động tác tương tự.

*** Error ***
Thợ đúc họ Chứ ở Sủng Cáng bày bán lưỡi cày tại chợ phiên Mèo Vạc - Ảnh: THÁI LỘC

Cho khẳng định một trong những công đoạn khó nhất chính là làm khuôn lưỡi với độ cong hoàn hảo và chính xác. Chính độ cong hoàn hảo này mà lưỡi cày mới chịu được đá, mới có thể len lỏi qua các hốc đá trên những đỉnh núi cao. Công đoạn quan trọng bậc nhất vẫn là luyện gang bằng cái bệ thủ công.

“Nguyên liệu luyện gang cũng được tính toán kỹ, quá dẻo hay quá giòn đều tối kỵ trong việc đúc lưỡi cày. Tất cả nguyên liệu phải có độ cứng vừa phải” - Cho quả quyết.

Công đoạn khó khăn, đòi hỏi cả kinh nghiệm lẫn sự công phu chính là đổ gang vào khuôn đúc. Khi lò được đốt nóng, họ bỏ than và quặng vào; người cha liên tục sục, bụi khói mù mịt, những tiếng nổ than lách tách, tia lửa bay tung tóe. Khi quặng tan chảy, họ lấy nồi quặng đỏ rực đổ vào khuôn.

Phần làm nguội thì đã có người con trai Chứ Mí Sai (26 tuổi) lo liệu...

Công việc đang tiến hành thì cậu con trai của Chứ Mí Cho là Mí Nô (7 tuổi) cũng vừa tan học về chạy ngay vào lò. Cậu bé không làm việc gì nhiều, chỉ thỉnh thoảng sục bệ thay ông. Còn phần lớn thời gian thì nhìn cha và ông làm việc.

Đó cũng chính là cách học nghề của người Mông, họ không cầm tay chỉ việc và trao truyền trực tiếp mà chỉ quan sát, rồi những hình ảnh, công đoạn, thao tác của bí kíp đúc lưỡi cày cứ thế như thấm vào máu, nhập vào trí não...

Đó là lý do mà nhiều thiếu niên Mông trạc 14-15 tuổi đã tự mình thuần thục công việc đúc lưỡi cày, mà khi chúng tôi hỏi học nghề từ ai thì họ đều trả lời: “Nghề này tự biết!”.

*** Error ***
Những đứa trẻ họ Chứ người Mông xem cách làm lưỡi cày từ khi còn rất nhỏ - Ảnh: THÁI LỘC

Không học được người Mông

Ở bản Sủng Cáng, cả hai anh em Chứ Mí Cho và Chứ Mí Sai đều là hai tay thợ trẻ tài hoa của họ Chứ. Sai nói với vẻ tự hào rằng chỉ có mỗi dân tộc Mông mới biết cách đúc lưỡi cày, đặc biệt là chỉ người họ Chứ mới đúc lưỡi cày tốt và chống chọi được với đá mà thôi.

Sai không nhớ mình có ý theo học nghề đúc từ khi nào, song anh cho biết tự mình làm thuần thục tất cả các khâu từ rất sớm, lúc mười mấy tuổi.

Chia sẻ câu chuyện nghề, Sai cho biết một điều khá nghịch lý: “Ở nghề đúc lưỡi này, những người nằm trong lứa tuổi thanh niên mà lành nghề mới đúc nên lưỡi đẹp nhất!”. Chúng tôi há hốc mồm: “Phải là bậc nghệ nhân già chứ, sao trẻ lại đúc đẹp hơn người già có kinh nghiệm được!”.

Sai diễn giải: “Nghề này mắt nhanh kém lắm. Chỉ người trẻ tuổi mắt còn tinh tường mới làm cho chuẩn những đường cong, đường thẳng sắc nét và hợp lý của cái lưỡi cày. Còn người già mắt kém rồi, nhìn không ra!”.

Đó cũng là lý do anh cho biết người cha Chứ Dung Xíu, mới 56 tuổi, nhưng nhiều năm rồi không tự mình đứng lò làm chính mà nhường vai trò này cho con trai.

Thực ra nghề đúc lưỡi cày ở Sủng Cáng không như các nghề truyền thống làm quanh năm ở miền xuôi, mà chỉ đỏ lửa trong khoảng ba tháng đầu năm, khi mưa xuống thấm ướt các hốc đá trên những đỉnh núi ở cao nguyên đá Đồng Văn. Đó cũng là thời điểm người dân lên núi cày đất trồng ngô trên các hốc đá.

Bởi thế, những người đàn ông họ Chứ ngoài nghề đúc lưỡi cày còn làm đủ thứ nghề, từ làm nương rẫy trên núi cao hay đi lái trâu bò đem ra chợ phiên, hoặc tìm trên đỉnh núi những loại thảo dược, mấy loại thực phẩm quý hiếm mang về chợ huyện bán...

Ông Vàng Mí Dình, chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mèo Vạc, cho biết trong nhiều năm liền, nhiều cán bộ trong huyện có ý kiến vì sao chính quyền không tổ chức học đúc lưỡi cày của người Mông để giữ gìn và phát huy sản phẩm nghề truyền thống của người dân địa phương. Phòng công thương của huyện là đơn vị chủ trì đề án này, đã tổ chức đưa người vào các bản Mông học nghề đúc lưỡi cày. “Nhiều người cũng đến học, quan sát, ghi chép đầy đủ và về làm y chang. Nhưng lưỡi đúc ra cày không được vì bị đất dính vào. Lưỡi đúc xong phát cho dân, dân đem đi đổi lưỡi của người Mông đúc, họ đập ra đúc lại. Công việc vì thế thất bại” - ông Vàng Mí Dình nói.

TS Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, tin rằng trước đây những thợ đúc người Mông không chỉ sở hữu nghề đúc lưỡi cày có thể phăng phăng trên hốc đá, mà còn biết khai thác mỏ sắt từ thiên nhiên rồi luyện quặng trong quá trình đúc này.

Chỉ tiếc rằng cho đến hiện nay, có lẽ do nguyên liệu kiếm được khá dễ dàng nên kỹ thuật luyện quặng sắt không ai còn nắm được...

Cho đến ngày nay, người Mông chủ yếu dùng lưỡi cũ bị hỏng hoặc một số vật dụng bằng sắt làm nguyên liệu luyện. Cách chọn sắt của họ khá đơn giản: dùng búa đập mạnh rồi quan sát độ vỡ, cách vỡ và nghe tiếng vỡ của sắt, không quá giòn và cũng không quá dẻo...

Kỳ 1: Những 'pháo đài' cheo leo trên đỉnh núi của người Mông

Kỳ 2: Sự thích nghi ngoài sức tưởng tượng của người Mông

Kỳ 3: 'Cuộc chiến' với nước của người Mông

******************
Kỳ tới: Kéo vợ 

NGỌC HIỂN - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên